Yến sào “made in Huế”

Sau nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu về cách nuôi, chăm chim yến và chế biến đặc sản yến sào, năm 2016, chàng trai trẻ Lê Văn Lộc, chủ Cơ sở Yến sào xứ Huế Anna, phường An Đông, TP. Huế đầu tư xây dựng các nhà nuôi chim yến và khởi nghiệp thành công với đặc sản yến sào “made in Huế”.

Khởi nghiệp từ đam mê

Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Lộc vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc mưu sinh. Những công việc đầy khó khăn đã trở thành động lực giúp Lộc phấn đấu, quyết tâm, mạnh mẽ và khát khao thoát nghèo. Trong một lần về bốc vác cho công trình ở tỉnh Khánh Hòa, thấy đàn chim yến bay quanh nhà, Lộc dần dà tìm hiểu và đã bén duyên với nghề nuôi yến từ đây. Sau lần ấy, ban ngày mải miết đi làm, đêm về tranh thủ tìm hiểu và nghiên cứu cách nuôi chim Yến.

Năm 2015, Lộc bắt đầu khởi nghiệp với nghề nuôi chim yến tại tỉnh An Giang với 2 căn nhà nuôi quy mô lớn. Đầu năm 2016, trở về Huế và nhận thấy Huế là mảnh đất trù phú về côn trùng và đầy tiềm năng để phát triển ngành yến, Lộc quyết định dốc hết tâm huyết rong ruổi tìm kiếm cho mình một mảnh đất phù hợp và xây căn nhà yến đầu tiên khang trang 4 tầng với tổng diện tích 600 m2 tại xã Phú Mỹ (Phú Vang). Từ đó, những tổ yến đầu tiên ra đời và sản lượng tăng lên từng ngày. Nhận thấy ngành yến ở Huế đầy tiềm năng, Lộc tiếp tục đầu tư thêm 1 căn nhà yến tại phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy).

yến sào Huế

Ông chủ Lê Văn Lộc và quy trình tạo ra sản phẩm yến sào

Lê Văn Lộc cho rằng, ngoài việc đầu tư hệ thống nhà nuôi, sưởi và các vật dụng liên quan, kỹ thuật nuôi đóng vai trò rất quan trọng để “dụ yến” về tổ cũng như đảm bảo sức khoẻ cho chim. Với thời tiết ở Huế rất cực đoan, mưa lạnh nhiều trong khi chim yến chỉ thích nghi với nhiệt độ 20 – 34, 35 độ C, nên khi nhiệt độ dưới 15 độ và không có mồi để ăn, chim bay ra ngoài lạnh rất dễ chết nên phải đầu tư hệ thống sưởi đảm bảo sưởi ấm đủ cho chim thì yến mới sống và sinh sản bình thường. Nếu nuôi kỹ thuật không ổn định, hệ thống điện không đảm bảo thì sau một thời gian, yến sẽ bỏ đi.

Qua 6 năm gắn bó với đặc sản yến sào, đến nay, cơ sở nuôi hơn 70 ngàn con chim yến (4 căn), mỗi năm tạo ra khoảng 60 kg yến thô, với tổng kinh phí đầu tư hạ tầng cơ sở chiếm hơn 8 tỷ đồng. Yến Huế không khác gì yến Khánh Hoà, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, kỹ thuật nuôi tiên tiến nên hàm lượng protein, chất đạm… rất cao, tạo ra những tổ yến chất lượng. Với nhu cầu tiêu thụ khoảng 15 kg yến/tháng, trong khi 2 căn nhà yến ở Huế chỉ cho khoảng 10 kg yến thô nên hiện cơ sở phải nhập yến thô từ An Giang ra Huế tiêu thụ.

Đa dạng hóa sản phẩm

Khi nguồn nguyên liệu dồi dào, ngoài việc cung cấp sản phẩm yến thô, yến tinh chế cho người dân Huế và các tỉnh lân cận, cơ sở đầu tư dây chuyền chưng yến bán tự động nhằm tạo thêm sản phẩm yến chưng với nhiều hương vị, như yến chưng đường phèn táo đỏ, nhụy hoa nghệ tây, đông trùng hạ thảo, sâm… đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng với mức tiêu thụ hơn 5 ngàn hũ/tháng.

Sau khi tạo dựng được thương hiệu yến thô, yến tinh chế và yến chưng, cơ sở tiếp tục đầu tư nghiên cứu để sản xuất rượu yến, một trong những đặc sản cao cấp dùng để bồi bổ sức khỏe và sử dụng hằng ngày. Cơ sở đầu tư xưởng chế biến rượu yến, với hệ thống máy tách bỏ độc tố, ủ rượu bằng nguyên liệu sâm Hàn Quốc để tạo ra sản phẩm rượu yến nguyên chất. Do thời gian ủ rượu yến kéo dài từ 6 tháng – 1 năm nên hiện mỗi năm chỉ sản xuất khoảng 500 chai rượu yến, trong đó mỗi chai 0,5 lít nên chỉ đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng quen biết, chưa mở rộng quy mô để cung ứng ra thị trường.

Theo Lê Văn Lộc, từ nghề nuôi và chế biến yến sào, đến nay, cơ sở giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động; đồng thời, sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng để bồi bổ sức khẻo của người dân, nhất là trong tình hình dịch COVID-19.  Sắp tới, cơ sở tiếp tục xây dựng thêm nhiều nhà nuôi chim yến, mở rộng quy mô xưởng chế biến yến sào, phát triển số lượng chim để lấy nguyên liệu tăng sản lượng yến tinh chế, đồng thời phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh bán hàng.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, hiện sản phẩm Yến sào xứ Huế Anna đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và được kiểm định chất lượng. Để xây dựng các mô hình, ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, Sở hỗ trợ dự án đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị sản xuất và đóng gói yến sào với công suất 1.000 hũ/giờ, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất; đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm yến sào trên thị trường.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 60 nhà yến nằm rải rác ở địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà, Phú Vang… cho sản lượng trung bình hằng năm khoản 1 tấn yến thô. Các tổ yến được khai thác từ các nhà yến được thiết kế, xây dựng hoàn thiện với đầy đủ các thiết bị hỗ trợ, tạo ra nhiều sản phẩm yến cung ứng ra thị trường.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế