Xử lý bệnh tiêu chảy ở chim cút

Bệnh tiêu chảy ở chim cút là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe suy giảm của con vật. Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất hiện từ rất nhiều nguồn và ảnh hưởng đến chim cút ở nhiều cấp độ khác nhau.

Nguyên nhân gây bệnh

Thức ăn là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở chim cút thường gặp nhất. Thức ăn không đảm bảo chất lượng, dễ bị hư hỏng dưới các tác nhân vật lý và hóa học như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, các loại hóa chất…

Việc hấp thu nhiều chất khoáng như Kali, Magie, Natri, Clo qua thức ăn và nước uống cũng khiến con vật mắc bệnh tiêu chảy. Lượng khoáng trong cơ thể quá lớn làm cho điện giải trong cơ thể chim mất cân bằng, con vật phải uống nhiều nước để ổn định lại.

Chuồng trại không được vệ sinh tiêu độc thường xuyên là môi trường thuận lợi để mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Nhiệt độ và độ ẩm trong chuồng nuôi thay đổi đột ngột cũng gây nên bệnh tiêu chảy ở chim cút, đặc biệt vào những ngày nắng nóng.

Dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống không được cọ rửa, có lẫn phân và thức ăn cũ là môi trường thuận lợi cho ký sinh trùng và mầm bệnh tăng sinh gây nên bệnh tiêu chảy ở chim cút.

chim cút

Ðường lây truyền

Chim cút có thể bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp hoặc qua phân và nước tiểu khi con chim khỏe mạnh tiếp xúc với chất chứa của con bị bệnh tiêu chảy.

Bệnh tiêu chảy ở chim cút cũng có thể lây truyền qua trứng vào phôi, khi con chim nở ra đã nhiễm bệnh

Mầm bệnh tiêu chảy ở chim cút ở trên quần áo, dụng cụ của người chăn nuôi lây lan trên đàn chim.

Một số vi khuẩn, virus gây bệnh như Escherichia coli, Campylobacter jejuni và spirochaetes, Adenovirus, Coronavirus, Rotavirus… tồn tại trong không khí hoặc có trong chất độn chuồng lưu lại lâu ngày.

Triệu chứng

Chim cút bệnh giảm ăn, chậm chạp, ỉa phân khô có màu đen, đôi khi lẫn máu và nhầy gần giống triệu chứng bệnh cầu trùng.

Con vật hay nằm sấp, gục đầu, sã cánh, không thể tự đứng và không thể đi lại được.

Ðối với thể mãn tính, chim cút ít có biểu hiện hơn, chậm lớn, giảm cân, trong khi vẫn ăn uống bình thường và bị chết do gầy.

Phòng bệnh

Với phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt chương trình 3 sạch: ở sạch, ăn sạch, uống sạch. Cung cấp cho chim cút thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, không sử dụng thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Bảo quản thức ăn ở nơi thoáng mát, không bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, cách xa nơi chứa các hóa chất.

Cân bằng dinh dưỡng cho chim cút tránh tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng và điện giải. Tùy thuộc theo từng giai đoạn và bản thân từng con vật mà sẽ có những nhu cầu dinh dưỡng khác biệt, người chăn nuôi cần lưu ý để chim cút được bổ sung đúng và đủ cho vật nuôi.

Thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng các hóa chất mà mầm bệnh tiêu chảy ở chim cút và các bệnh khác mẫn cảm như NaOH, Cloramin B…

Máng ăn, máng uống được cọ rửa thường xuyên, đảm bảo không lẫn thức ăn nước uống cũ hay chất thải của con vật.

Khi phát hiện có bệnh tiêu chảy ở chim cút trên đàn, cần cách ly những con chim có dấu hiệu của bệnh và điều trị dứt điểm.

Ðặc biệt, khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi, cần phải vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng thật tốt, có thể bổ sung kháng sinh và các loại vitamin cho cút 3 – 5 ngày để tăng cường sức đề kháng và chống stress gây hại.

Thay chất độn chuồng định kỳ để các vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy ở chim cút bị tiêu diệt, không có cơ hội sinh trưởng và phát triển.

Phát quang xung quanh khu vực chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh để vật mang trùng không phát triển và lây lan bệnh.

Trị bệnh

Sử dụng một trong các loại thuốc sau để điều trị bệnh: Amox-50, Centre-Gentdox…. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

Thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại bằng dung dịch thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh bên ngoài môi trường.

Tăng cường sức đề kháng cho chim cút bằng cách bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, premix vào thức ăn. Thực hiện trong thời gian khoảng 1 tháng.

Thái Thuận