VIPA quyết đạt mục tiêu
Sáng 26/6/2020 tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020.
Những đóng góp quan trọng
Đánh giá hoạt động của VIPA thời gian qua, Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, ngành gia cầm Việt Nam đã có sự phát triển chưa từng có, cả lĩnh vực chăn nuôi chế biến lẫn xuất khẩu, nhập khẩu. Hiệp hội cũng đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ngành”.
Tháng 6/2019, Hiệp hội đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ IV và kiện toàn tổ chức bộ máy với Ban Chấp hành gồm 57 thành viên, 1 Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch. Tháng 8/2019, Hiệp hội đã ra mắt và gắn biển văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh.
VIPA tặng Bằng Khen cho tập thể, cá nhân xuất sắc 6 tháng đầu năm 2020
Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Hiệp hội đã chú trọng việc phát triển hội viên. Hiện, tổng số hội viên là 289, trong đó có 217 hội viên tập thể và 72 hội viên cá nhân. Hiệp hội đã kết nạp thêm nhiều hội viên mới như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty Tiên Viên, Công ty Phú Gia, Tập đoàn Mavin…
Hiệp hội đã tham gia tư vấn, xây dựng chính sách phát triển ngành. Đặc biệt, trước tình hình nhập khẩu thịt gia cầm ồ ạt giá rẻ, Hiệp hội đã lên tiếng kịp thời, bảo vệ lợi ích của người nuôi và doanh nghiệp trong nước. Tháng 12/2019, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chưa nên giảm thuế nhập khẩu thịt gia cầm và đã được Chính phủ chấp thuận.
Vượt khó
2019 là năm ghi nhận sự tăng trưởng về đầu con gia cầm và sản lượng thịt, trứng lớn nhất trong 5 năm qua, tăng trên 18% so năm 2018, đã đạt 467 triệu con; sản lượng thịt đạt trên 1,2 triệu tấn; sản lượng trứng đạt trên 13 tỷ quả. Tỷ trọng chăn nuôi gia cầm năm 2019 cũng đạt mức cao (25,3%) tăng mạnh so năm 2018 (20,6%).
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm chế biến đạt trên 13,222 ngàn tấn, trứng muối các loại đạt trên 40 triệu quả, đạt kim ngạch trên 18 triệu USD. Năm 2020, do mở rộng thị trường xuất khẩu dự tính sẽ tăng 5% so năm 2019. Triển vọng lớn nhất là thị trường Nhật Bản, với những văn bản đã ký kết năm 2020 sẽ xuất khẩu thịt gà chế biến.
Tiềm năng xuất khẩu thịt gia cầm chế biến sang thị trường Hồng Kông và Liên bang Nga cũng rất khả quan sau khi hai bên đã thống nhất văn bản vào cuối năm 2019. Đối với trứng gia cầm chế biến, gồm các Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Meko, Công ty Cổ phần Chế biến Ba Huân và Công ty TNHH Trại Việt đã xuất khẩu sang thị trường các nước truyền thống như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản và gần đây mở rộng ra thị trường Malaysia, Brunei và Australia. Tổ hợp ở Bình Phước được CP đầu tư mới hoàn toàn với các thiết bị được sử dụng là những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất châu Á. Theo kế hoạch, Công ty sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào tháng 6/2020 sang thị trường Nhật Bản với sản lượng 3.000 tấn/tháng, sau đó sẽ mở rộng sang các quốc gia châu Á, châu Âu.
Về nhập khẩu thịt gia cầm, 2019 cũng là năm đạt kỷ lục về sản lượng thịt gà nhập khẩu, đạt gần 250.000 tấn (tăng 50% so năm 2018), chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan.
Từ quý IV/2019, cũng như 4 tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về thị trường. Do dịch cúm gia cầm xảy ra tại một số địa phương và đại dịch COVID-19 trên người nên thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra bị khủng hoảng trong thời gian dài. Đồng thời, do tình trạng nhập khẩu sản phẩm gia cầm giá rẻ và sự chuyển đổi ồ ạt của các hộ nuôi heo sang nuôi gà tạo ra sự dư thừa nguồn cung, khiến giá bán sản phẩm gia cầm trong nước ngày càng thấp, có thời điểm dưới giá thành. Giá gà thịt lông trắng những ngày đầu tháng 9/2019 xuống còn 12.000 – 14.000 đồng/kg ở phía Nam và 19.000 – 21.000 đồng/kg ở phía Bắc. Giá trứng gà công nghiệp 1.200 – 1.300 đồng/quả.
Tuy nhiên, vượt lên các khó khăn về dịch bệnh trên gia cầm và trên người cũng như sự bấp bênh về thị trường, các thành viên của Hiệp hội đã nỗ lực không ngừng để duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động và kinh doanh có lãi. Tại các cơ sở chăn nuôi của Hiệp hội vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh, không có đơn vị nào bị dịch bệnh trên đàn gia cầm. Sản xuất con giống gia cầm 1 ngày tuổi của các hội viên trong Hiệp hội chiếm trên 60%; Riêng số lượng gà lông màu ước đạt 68%, thủy cầm đạt trên 70% thị phần cả nước.
Phấn đấu vượt nửa đầu năm
8 nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020
– Về công tác tổ chức, sẽ kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ gia cầm. Kết nạp hội viên mới; Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Sản xuất và Thị trường, Ban Hợp tác quốc tế. – Về bảo vệ quyền lợi hội viên, tiếp tục theo dõi và bám sát các chủ trương chinh sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kiến nghị đề xuất các giải pháp bảo vệ sản xuất gia cầm trong nước. – Về sản xuất và thị trường, tiếp tục cập nhật thông tin giá cả, dự báo thị trường để kịp thời chia sẻ cho hội viên. – Tiếp tục đẩy mạnh giao lưu kết nối hội viên, củng cố và phát triển các nhóm liên kết mới, tăng cường giao thương nội khối. – Triển khai tốt công tác đào tạo nâng cao năng lực cho một số hội viên. – Tích cực chuẩn bị và tham gia có trách nhiệm Hội nghị xúc tiến thương mại tại Myanmar do Bộ NN&PTNT tổ chức vào tháng 11/2020 và tham gia Hội chợ Vietstock tại TP. Hồ Chí Minh. – Về công tác thông tin, truyền thông, sẽ hoàn thành thủ tục cấp phép xuất bản Đặc san Người Chăn nuôi, chuyển cơ quan chủ quan sang VIPA; đồng thời tiếp tục duy trì xuất bản Tạp chí Thế giới Gia cầm với chất lượng ngày càng nâng cao. – Xây dựng kế hoạch năm 2021 và tổ chức tốt Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020. |
Tại Hội nghị, toàn thể hội viên của Hiệp hội đều đồng lòng quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu chung của năm 2020: Phấn đấu sản lượng gia cầm giống đạt và vượt 6 tháng đầu năm; Sản lượng thức ăn và thuốc thú y giữ mức ổn định; Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm; Duy trì biện pháp phòng dịch COVID-19 trên người và hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm của hiệp hội nói riêng và ngành chăn nuôi gia cầm nói chung.
Để đạt được điều này, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty VMC Việt Nam cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2020, các thành viên của Hiệp hội cần tập trung vào 3 hoạt động chủ yếu: Tăng cường các hoạt động giao thương nội khối giữa các thành viên trong Hiệp hội, giữa các thành viên sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, vaccine, thuốc thú y, dụng cụ chăn nuôi… và tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết…; Các thành viên đóng đầy đủ quỹ Hội cũng như tham gia tích cực vào các hoạt động của Hiệp hội; Tăng cường các công tác hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp thành viên, như: Kiến thức về quản trị doanh nghiệp hiện đại, sản xuất tinh gọn, xây dựng thương hiệu, đào tạo về kiến thức marketing và các kỹ năng bán hàng…
“Đoàn kết, học hỏi, giúp đỡ, tăng cường sức mạnh của giao thương nội khối… để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh” là mong mỏi chung từ các hội viên của VIPA tại Hội nghị. Hội nghị đã diễn ra thành công, phương hướng, mục tiêu và kỳ vọng cũng đã được đặt ra rất cụ thể. Điều chờ đợi bây giờ là một cú hích bứt phá để về đích ngoạn mục.
>> Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Căn cứ tình hình sản xuất và thị trường gia cầm hiện nay, dự báo cuối năm 2020, các doanh nghiệp và trang trại cần tính toán quy mô đàn hợp lý để tránh dư thừa sản phẩm”. |
Nguyên Anh – Hồng Thắm