VIPA: Cùng chung tay hành động
Dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn thế giới; trong đó có ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và gia cầm nói riêng.
Dịch Covid-19 lan rộng
Tình hình COVID-19 diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới, từ ổ dịch ở Vũ Hán Trung Quốc 8/12/2019 đến 6h sáng ngày 17/4, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 2,178 triệu người nhiễm bệnh. Một vụ dịch lan rộng và lây nhanh chưa từng xảy ra và đang có dấu hiệu gia tăng.
Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19. Ảnh: Vũ Mưa
Ở Việt Nam, tháng 2/2020 chỉ có 16 ca nhiễm đến 19h30 ngày 16/4 số ca nhiễm đã lên đến 268 ca trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Sự lây nhiễm gia tăng đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm chéo trong cộng đồng nhất là tại một số thành phố lớn gây lo lắng trong nhân dân. Do tính khốc liệt và sự lây lan rất nhanh của loại virus này cũng như tình hình dịch tễ quá phức tạp nước ta bước vào một giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Dịch bệnh và những tác động
Chăn nuôi gia cầm là một ngành sản xuất đặc thù. Trong thời gian qua đã từng trải qua nhiều khó khăn, hiểm nguy nhất là từ đầu năm 2020 dịch bệnh cúm gia cầm H5N1, H5N6 luôn là mối đe dọa lên nền sản xuất kinh doanh. Nay dịch COVID-19 đã xuất hiện ở nhiều nơi, ngành chăn nuôi gia cầm phải chịu sức ép tăng gấp đôi ngoài gồng mình chống đỡ đe dọa của cúm gia cầm H5N1, H5N6 và hiện giờ là dịch COVID-19.
Xét trên lĩnh vực kinh tế, sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm sức khỏe của doanh nghiệp và nền sản xuất dưới tác động của dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khó lường và sẽ còn kéo dài. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi gia cầm trong toàn ngành đã bày tỏ nỗi lo lắng tác động khi dịch lan rộng không lường đan xen tích hợp như: Tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, giá xuống thấp do mức tiêu thụ giảm; tình trạng thiếu nguyên liệu vật tư nhập khẩu do dịch bệnh. Ở các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ thiếu vốn không đủ mua nguyên liệu đầu vào dự trữ và gặp khó khăn khi dịch bệnh xảy ra đẩy giá nguyên liệu tăng mạnh. Rồi khi dịch bệnh lan rộng xảy ra việc cung ứng nguyên liệu đầu vào đầu ra lại gặp khó khăn nhất là khu vực, vùng bị cách ly phong tỏa. Hiểu rõ những băn khoăn lo lắng của các thành viên, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) luôn chia sẻ, sát cánh và đồng hành cùng với các thành viên trong toàn Hiệp hội để vượt qua giai đoạn khó khăn thử thách này.
Các giải pháp
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhất là đối với ngành gia cầm đang phải chịu hai áp lực cùng lúc là dịch cúm gia cầm và COVID-19. Do đó, hơn bao giờ hết mỗi đơn vị thành viên thực hiện nghiêm chỉnh hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đảm bảo an toàn dịch COVID-19 cho người và an toàn dịch cúm A/H5N1, H5N6 cho đàn gia cầm.
Thường xuyên trao đổi và chia sẻ thông tin nội khối nắm bắt tình hình dịch bệnh để ngăn chặn và phòng chống kịp thời. Chuẩn bị kế hoạch hành động cho kịch bản xấu nhất là bị phong tỏa một vùng, một địa phương khi dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng. Chuẩn bị đủ mọi điều kiện tốt nhất về vật tư thiết yếu cho sản xuất chăn nuôi gia cầm kể cả khi dịch xảy ra trong thời gian dài. Chăm lo sức khỏe, đảm bảo đầy đủ bảo hộ lao động vật tư phòng chống dịch cho cán bộ công nhân viên đơn vị mình. Các đơn vị, hội viên căn cứ nội dung chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để có sự điều chỉnh một cách hợp lý công tác quản lý doanh nghiệp để vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người lao động; vừa duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc cơ sở sản xuất để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đảm bảo phương tiện vận chuyển đạt tiêu chuẩn vệ sinh phòng dịch và kết nối với chính quyền địa phương tránh sự cố xảy ra khi dịch lan rộng.
Hiệp hội rất chia sẻ những lo lắng và khó khăn chung của các doanh nghiệp và sẽ đồng hành cùng các hội viên để tình trạng phong tỏa không xảy ra đối với ngành chăn nuôi, bởi vì vật nuôi cũng như con người không thể ngừng ăn, ngừng uống dài ngày. Hiệp hội sẽ theo dõi sát tình hình để đồng hành cùng hội viên kiến nghị các giải pháp, phương án tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì sản xuất kinh doanh. Cùng chung tay hành động đẩy lùi dịch bệnh duy trì và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm bền vững.
Phan Văn Lục
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam