Huyện Chiêm Hóa có nhiều ao, hồ, đập, sông, suối thích hợp chăn nuôi vịt. Hiện tổng đàn vịt của huyện Chiêm Hóa có hơn 8 vạn con, trong đó 80% là giống vịt bầu bản địa. Tuy nhiên, giống vịt bầu Chiêm Hóa đang có nguy cơ mất dần nguồn gen do người dân chăn nuôi theo phương thức lạc hậu, tình trạng lai tạp giống vịt bản địa với giống vịt ngoại, biểu hiện rõ nhất là màu sắc của vịt lộn xộn, đen pha trắng, vịt không có khoang cổ, cổ nhỏ và dài. Bên cạnh đó, các hộ chỉ nuôi vịt nhỏ lẻ chưa gắn với sản xuất hàng hóa, chưa tìm được đầu ra, chưa xây dựng thương hiệu, chưa chú trọng an toàn thực phẩm. Do đó, việc phát triển giống vịt bản địa chất lượng tốt và xây dựng thượng hiệu Vịt bầu Chiêm Hóa đang được các cấp chính quyền địa phương và người dân quan tâm, thực hiện.
Khu vực nuôi vịt giống của Công ty TNHH Hà Đức, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa).
Nhằm bảo tồn giống vịt bầu Chiêm Hóa và phát triển kinh tế cho nhân dân, năm 2016 UBND huyện Chiêm Hóa phối hợp với Công ty TNHH Hà Đức, thị trấn Vĩnh Lộc đã thực hiện Dự án chọn lọc, khôi phục và phát triển đàn vịt bầu tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập và Kiên Đài. Sau 4 năm, dự án đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học. Anh Hà Văn Doãn, Giám đốc Công ty TNHH Hà Đức, thị trấn Vĩnh Lộc cho biết, hiện công ty nuôi 900 con vịt bố mẹ, mỗi năm trại ấp nở khoảng 3 vạn con vịt giống cung cấp cho người dân trong vùng.
Hiện chăn nuôi vịt bầu Chiêm Hóa đang phát triển mạnh tại các xã Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Yên Lập, Hòa An, Nhân Lý, Trung Hà, Kiên Đài… Nguồn vốn được huyện đầu tư phát triển giống vịt bầu bản địa từ việc lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Bà Quan Thị Niềm, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, xuất phát từ nhu cầu của người dân trong xã, năm 2019 từ nguồn vốn Chương trình 135, xã đã hỗ trợ giống vịt bầu bản địa cho 61 hộ là hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng đàn hơn 3.000 con, từ chăn nuôi vịt đã giúp các hộ có thêm thu nhập. Năm 2020, từ Chương trình 135 người dân trong xã tiếp tục đăng ký hỗ trợ giống vịt, hiện xã đã hỗ trợ 1.300 con vịt giống cho 36 hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Gia đình ông Hoàng Đức Chung, thôn Bản Giảo, xã Tân Mỹ trước đây là hộ nghèo. Năm 2019 từ nguồn vốn Chương trình 135, gia đình ông được hỗ trợ tiền mua 50 con vịt bầu giống, sau 3 tháng nuôi vịt được xuất chuồng, trọng lượng mỗi con từ 1,8 – 2 kg/con, lứa vịt đầu tiên gia đình ông thu lãi 5 triệu đồng. Nhận thấy chăn nuôi vịt chi phí đầu tư thấp vì vịt chỉ ăn cám ngô, gạo, sắn độn với chuối, rau, giá bán ổn định vào khoảng 100.000 đồng/kg, ông mở rộng quy mô đàn. Hiện nay, gia đình ông chăn nuôi khoảng hơn 200 con vịt bầu/năm. Từ nuôi vịt gia đình ông có thêm thu nhập, năm 2020 gia đình ông được công nhận thoát nghèo.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt bầu nhằm giúp người dân có thêm việc làm, thoát nghèo bền vững.
Nguồn: Báo Tuyên Quang