Trứng loài chim hoang dã giống như vịt, 50 ngàn/quả vẫn không có bán

Trứng chim le le dù kích cỡ nhỏ xíu mà giá đắt đỏ nhưng do số lượng ít ỏi và quý hiếm nên hầu như rất ít người được sở hữu.

Trước đây, anh Phạm Chiến ở Xuân Mai (Hà Nội) tận dụng diện tích bán trang trại vườn ao chuồng nhà mình thường xuyên chăn nuôi gà vịt. Nhưng mấy năm nay, được một người bà con ở Châu Thành (Tây Ninh) mách nước, gia đình anh Chiến chuyển sang nuôi loài chim độc đáo: chim le le (hay còn gọi là vịt trời).

Anh Chiến cho biết, so với chăn nuôi gà và vịt thì nuôi chim le le mau lớn, ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, giá bán cao hơn hẳn gấp 4-5 lần gà vịt. Nguyên nhân là vì chim le le luôn được coi là món ăn bổ dưỡng, được rất nhiều nhà giàu Việt ưa chuộng.

“Mấy năm trước, tôi chưa biết tới loại chim lạ tai này. Ông anh họ từ Tây Ninh về chơi, thấy trang trại nhà tôi rộng như vậy mà cho giá trị kinh tế thấp quá nên gợi ý tôi nuôi. Sau đó, anh mua giúp tôi 10 con để nuôi thử. Mỗi chú chim le le giá cũng lên tới 400.000 đồng”, anh Chiến nói.

Thời gian đầu, anh Chiến phải hỏi han rất kỹ về môi trường, thức ăn cho chim le le. Thường thì le le sống thành bầy trong các hồ nước ngọt, nhiều thực vật nên anh Chiến quây cả một góc đầm rộng để đảm bảo cho chim có không gian bơi lội và sải cánh. Ngoài ra, anh làm chuồng thông thoáng, rộng, có tường bao quanh thật cao để nhốt.

“Do đầm nhà tôi có nhiều cây cỏ dại và lục bình nên chim le le rất thích trú ẩn và đẻ trứng. Vì sống trong môi trường tự nhiên nên 10 chú le le sống rất khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Sau khi chim đẻ lứa trứng đầu tiên, tôi lại tiếp tục cho ấp và cứ thế nhân đàn lên. Hiện trong vườn nhà tôi lúc nào cũng có khoảng 100 con le le”, anh Chiến chia sẻ.

Theo anh Chiến, nếu các loại gia cầm khác chủ yếu ăn thóc lúa, ngô thì thức ăn của chim le le là lúa, rong rêu, lục bình, hạt và các loại thực vật trong nước. Chính bởi thế, dù thả nuôi nhưng thịt le le vẫn rất ngọt, thơm, không kém gì thịt chim le le sống tự nhiên.

Chim le le nuôi đẻ trứng

Thịt chim le le khá cao, lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg

Thịt le le được cho là món ngon đại bổ, có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực nên giá bán khá cao. Khi nuôi từ 4 tháng trở lên có thể bắt đầu bán le le lấy thịt. Lúc rẻ nhất, thịt le le cũng có giá 350.000 đồng/kg. Thời điểm khan hiếm, thịt le le lên tới 500.000 đồng/kg.

“Dù thịt le le đắt đỏ như vậy nhưng nhà tôi và nhiều gia đình nuôi le le khác vẫn không đủ lượng cung cấp ra thị trường. Nuôi loại chim này không bao giờ sợ ế vì bán chạy lắm. Chẳng cần phải quảng cáo hay mang đi đâu bán, thương lái tự tìm đến từng nhà người nuôi để hỏi mua và đặt cọc trước”, anh Chiến cho hay.

Khi mua về ăn, làm thịt le le hệt như làm thịt vịt. Loại chim có mỏ dài, màu xám, đầu và chân cũng dài này có thể nấu cháo nguyên con hoặc luộc chấm với nước mắm, chanh, gừng, ớt. “Ăn le le theo cách nào cũng đều cảm nhận được ngay vị béo ngọt và thơm gần giống như vịt nhà nhưng không mềm bằng. Ngoài nấu cháo, luộc, le le còn được quay với nước cốt dừa hoặc có thể xáo măng, nấu canh chua,… cũng rất ngon ngọt, đậm đà”.

Ngoài nuôi le le thịt, anh Chiến còn nuôi nhiều cặp le le bố mẹ để lấy trứng bán. Một năm, le le đẻ khoảng 2-3 lần, mỗi lần chỉ được từ 8-10 trứng. Do đặc thù là loài chim sống dưới nước nhưng le le lại đẻ nơi khô ráo. Vì thế, chỗ nuôi phải bảo đảm vệ sinh và hạn chế được đặc tính hoang dã của loài chim này để chúng đẻ trứng thường xuyên.

Mỗi năm chim le le chỉ đẻ 2 – 3 lần, mỗi lần 8 – 10 quả trứng

Trứng chim le le có giá trị dinh dưỡng cao

“Chim le le nếu nuôi trong môi trường không phù hợp thì chúng rất ít khi đẻ trứng, thậm chí không đẻ. Học kinh nghiệm của nhiều người đi trước, để giảm bớt tính hoang dã của chúng, tôi dùng gà mái để ấp trứng le le. Nhờ đó trong quá trình ấp, tôi tiện tiếp cận và chăm sóc hơn. Loại trứng le le được gà mái ấp khoảng 26 ngày thì nở. Sau khoảng chục ngày nở thì le le con được nuôi riêng đàn”, anh Chiến kể.

Do số lượng trứng chim le le ít và tần suất đẻ lác đác nên loại trứng này rất quý hiếm và được bán với giá cao ngất 50.000 đồng/quả. Vì quý như vậy nên chẳng ai nỡ ăn trứng này. Cứ được vài quả là người nuôi lại tính cách cho ấp để nhân đàn lên, theo anh Chiến.

Anh Chiến đúc rút, chim le le thường ưa chuộng ăn những khoáng chất và chất cần thiết để sinh sản có trong đất nền, đáy ao. Vì thế, phải chú ý nếu nền đất, lòng ao hồ đã cạn dinh dưỡng, phải bổ sung thêm rong bèo, bùn đất, cá, tôm, cua, ốc, tép, khoáng, đạm, chất vôi… Đây là những chất cần thiết để le le sinh sản và đẻ trứng tốt.

Ngược lại, nếu thiếu những chất cần thiết này thì chim có thể khỏe mạnh, chịu trống tốt, con trống đạp con mái rất nhiều mà không đẻ được và không có trứng ấp để nhân đàn cho giá trị kinh tế cao.

Thảo Nguyên

Nguồn: Vietnamnet