Tri Tôn (An Giang): Triển vọng từ mô hình nuôi gà an toàn trên đệm lót sinh học
Từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã Ô Lâm (Tri Tôn, An Giang) đã xây dựng thí điểm mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp thả vườn. Qua đó, khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cung cấp sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Gà được nuôi theo hướng an toàn nên ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp
Mô hình tiềm năng
Trước đây, hầu hết bà con trên địa bàn xã Ô Lâm chăn nuôi gà theo phương pháp truyền thống, hầu như không áp dụng các quy trình kỹ thuật nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Tình trạng gà chết do dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến người dân gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng trên, đầu tháng 1-2021, từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 250 triệu đồng, UBND xã Ô Lâm đã đối ứng và triển khai thí điểm mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp thả vườn để giúp bà con nông dân tiếp cận với phương pháp chăn nuôi mới.
Mô hình được triển khai trên địa bàn ấp Phước Lộc với số lượng 5.000 con. Đây là giống gà Bến Tre, được chọn lọc kỹ, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo quy trình phòng bệnh, kiểm dịch theo quy định. Gà được nuôi trong chuồng tráng xi-măng, phía dưới lót trấu trộn men vi sinh. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Lâm Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu cho biết, việc nuôi trên đệm lót sinh học giúp việc chăn nuôi dễ dàng, môi trường chăn nuôi được đảm bảo, không mùi hôi.
Ngoài ra, nuôi trên nền đệm lót giúp giảm tỷ lệ gà mắc bệnh nên việc chăm sóc và chi phí thuốc thú y giảm rất nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, gà chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp nên sinh trưởng và phát triển tốt, tăng trọng đều. Trong quá trình nuôi, gà được tiêm phòng thường xuyên nên ít bệnh, tỷ lệ hao hụt khá thấp. Gà nuôi nhốt một thời gian sẽ thả gà ra vườn để gà vận động, giúp thịt săn chắc.
Thay đổi tập quán
Mặc dù mới triển khai thí điểm nhưng mô hình hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Dự kiến, đàn gà sau thời gian thả nuôi 3,5-4 tháng sẽ bắt đầu xuất chuồng. Lúc này, trọng lượng mỗi con gà đạt từ 1,5 – 2 kg. Giá bán được doanh nghiệp thu mua từ 55.000 đồng/kg trở lên (tùy thời điểm).
Đặc biệt, áp dụng phương pháp chăn nuôi này có thể nuôi liên tục 3 vụ/năm. Với số lượng nuôi khoảng 5.000 con/vụ, sau khi trừ các khoản chi phí, như: chuồng trại (đất thuê), con giống, thức ăn, thuốc thú y… mô hình dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận trên 123 triệu đồng/năm. Đặc biệt, đây là mô hình chăn nuôi không đòi hỏi nhiều diện tích nên phù hợp với điều kiện chăn nuôi của nhiều hộ dân.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Lâm Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu cho biết, thông qua việc triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp thả vườn trên địa bàn xã Ô Lâm sẽ góp phần tác động đến nhận thức của bà con nông dân về quá trình chăn nuôi an toàn. Qua mô hình này sẽ giúp người nông dân nhận thấy được nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại, như: không mùi hôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định… từ đó mạnh dạn áp dụng phù hợp với điều kiện của gia đình.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp thả vườn là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện chăn nuôi gặp khó khăn như hiện nay. Đây là mô hình dễ ứng dụng, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi. Từ mô hình này, UBND xã Ô Lâm sẽ tuyên truyền, vận động bà con quanh vùng đến tham quan, học hỏi. Đồng thời, nhân rộng mô hình nhằm tận dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp bà con nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Ô Lâm phối hợp ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân, trong đó có các lớp chăn nuôi gà thả vườn… Thông qua các lớp tập huấn đã giúp nông dân trang bị kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, từ đó đảm bảo việc chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đức Toàn
Nguồn: Báo An Giang