Trang trại “chim khổng lồ” ở xứ Thanh
Ông Thủy “đà điểu” là cái tên thân thuộc mà người dân thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) dành cho chủ trang trại đà điểu Thủy Ngọ.
Chúng tôi tìm về thị trấn Thiệu Hóa dưới cái nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 9. Hỏi ông Đào Đức Thủy (sinh năm 1966) không khó, bởi chỉ cần nhắc đến ông, mọi người trong vùng đều có thể nói về ông một cách rành rọt. Bởi khoảng 5 – 6 năm trước ông đã đem về một loài chim lớn mà mọi người mới chỉ thấy trên sách, báo, tivi … để đầu tư phát triển kinh tế.
Bên tả ngạn sông Chu, một khu đất nhìn không có gì đặc biệt ngoài màu xanh ngút của những luống cỏ, rau… và đặc biệt là ao bèo tây đặc kín, tất cả đều là nguồn cung cấp thức ăn cho hàng trăm con chim đà điểu của gia đình ông Thủy. Đà điểu châu Phi được công nhận là loài chim khổng lồ to nhất thế giới.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Đào Đức Thủy bắt đầu câu chuyện: Trước đây, gia đình tôi thầu khu đất này để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây một thời là nơi cung cấp nguồn giống gia cầm cho bà con trong vùng. Nhưng rồi giá cả bấp bênh, dịch bệnh bùng phát, lại phụ thuộc vào thương lái nên hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí là thua lỗ.
Năm 2015, do một lần xem trên truyền hình thấy nhiều hộ ở các tỉnh phía Bắc nuôi rất nhiều đà điểu, vì vậy ông đã bàn với vợ nuôi thử. Sau những ngày tìm hiểu trên mạng, sách báo ông đã khăn gói ra Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) mua đà điểu giống về nuôi. Sau 3 lần ông đem về hơn 150 con, mỗi con giống có giá hơn 1,5 triệu đồng. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, số con giống cũng hao hụt đi khá nhiều..
Đà điểu là loại chim hoang dã mới được thuần chủng, phát triển tốt trong môi trường tự nhiên nên khu vực sống của chim được ông thiết kế rộng rãi, phía dưới để mặt đất tự nhiên, giúp con vật chạy nhảy được thoải mái. “Đây là loài chim sống quen trong môi trường hoang dã nên rất sợ tiếng ồn, do đó, trang trại phải tách biệt với khu dân cư. Chuồng trại nuôi đà điểu phải có diện tích rộng, được rải cát vì đà điểu có nguồn gốc từ sa mạc, thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da…”, ông Thủy nói
Vừa thu lượm những quả trứng đà điểu, ông Thủy cho biết: “Trang trại của gia đình hiện có 100 con đà điểu bố mẹ, 100 con đà điểu thương phẩm. Thời gian khai thác đà điểu mái và trống khá dài, con mái từ 40 – 50 năm, con trống từ 12 – 15 năm. Thông thường các trại nuôi đà điểu chọn 2 mái thì cần 1 con trống để sinh sản. Mùa sinh sản của đà điểu bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến tháng 8 âm lịch năm sau. Một con đà điều đẻ từ 40 – 45 quả trứng/năm, mỗi quả đạt trọng lượng từ 1,4 – 1,5 kg”.
Theo ông Thủy, nuôi đà điểu cũng rất đơn giản, vì đây là con vật dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu của đà điểu là cỏ, bèo tây, chuối, rong rêu và có thể ăn tất cả các loại cây, lá có màu xanh khác. Đối với các loại rau, cỏ thu hái về, ông xay nhỏ trộn với cám gạo, cám ngô, bỏ vào máng cho đà điểu ăn dần. Ngoài ra, chim đà điểu còn ăn cát sỏi giúp bộ máy tiêu hóa của đà điểu hoạt động tốt hơn. Và bổ sung thêm các loại vitamin, cũng như B1, B2, B6, premix khoáng, thức ăn từ động vật như trùn quế, dế, giun… Mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần vào buổi sáng.
Nhìn cơ ngơi của gia đình ông Thủy hôm nay, ít ai biết rằng ông đã từng phải rất “khổ sở” vì tìm đầu ra để tiêu thu giống chim đặc biệt này. Thời gian đầu khi bán thịt, vì thấy lạ nên chẳng ai mua. Lúc đó, cả gia đình ông nhiều ngày mất ăn, mất ngủ bởi bao nhiêu vốn liếng đã đổ hết vào trang trại này. Vì vậy, ngày ngày, ông đi đến nhiều nơi để chào hàng, rồi đăng tải lên mạng xã hội… cứ thế trang trại đà điểu của gia đình ông đã nhanh chóng được mọi người trong, ngoài tỉnh biết đến và tìm đến để mua.
Để mở rộng thêm số lượng đà điểu, năm 2019, gia đình ông Thủy đã cho ấp nở thành công đà điểu giống, mỗi con hiện có giá từ 2 – 2,2 triệu đồng. Theo tính toán, nuôi đà điều thương phẩm sau 10 – 12 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 90 – 120 kg/1 con, giá bán 8-10 triệu đồng.
Ngoài đà điểu, trang trại của ông còn có bò, lợn, dê… Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, mỗi năm, gia đình ông Thủy lời khoảng 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại của ông Thủy đang tạo công việc cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đào Đức Thủy cho biết, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thuê đất để mở rộng chuồng trại, nâng số lượng đà điểu khoảng 500 con thương phẩm.
Hoài Thu – Hoàng Đông
Nguồn: Báo Thanh Hóa