Tổng quan sản xuất và tiêu thụ trứng EU

Những thay đổi trong sản xuất và tiêu thụ trứng ở các nước EU

 

Sản lượng trứng gia cầm sản xuất của EU trong giai đoạn 2010-2020 đã tăng từ 5,84 triệu tấn năm 2010 lên 6,31 triệu tấn trong năm 2020. Dự báo năm 2021 sản lượng trứng là 6,41 triệu tấn, đến năm 2025, 2030 sẽ đạt tương ứng là 6,61 triệu tấn và 6,77 triệu tấn. Về tiêu thụ trứng, do các biện pháp đóng cửa trên khắp châu Âu trong năm 2020 đã dẫn đến việc tiêu dùng ngoài gia đình giảm, trong khi việc mua bán lẻ thực phẩm gia tăng một cách bất ngờ. Ủy ban EU ước tính rằng việc sử dụng cả trứng có vỏ và các sản phẩm từ trứng đã giảm 0,2 kg xuống còn 13,8 kg năm 2020 trên mỗi đầu dân (so với 14 kg vào năm 2019). Tình trạng đóng cửa và thiếu cửa hàng ăn uống đã dẫn đến việc gia tăng nấu ăn tại nhà. Nhưng mặc dù việc nấu ăn riêng đã tăng lên, nhưng tổng lượng trứng tiêu thụ lại giảm trong năm 2020. Điều này là do các nhà hàng và quán ăn nhanh mang đi dao động giữa việc đóng cửa một phần và toàn bộ khi các quy tắc giãn cách xã hội được thực hiện, do đó, việc sử dụng trứng có vỏ và trứng chế biến công nghiệp (thường được sử dụng để chuẩn bị bữa ăn trong nhà hàng, căng tin, v.v.) cũng giảm theo. Các chuyên gia của Ủy ban Châu Âu dự đoán mức tiêu thụ trứng bình quân trên đầu người trong năm 2021 của EU tăng lên 14,2kg, đến năm 2025 và 2030 tương ứng là 14,5 và 15 kg.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sản lượng trứng sản xuất và tiêu thụ bình quân/người/năm của EU đến năm 2030

 

Xu hướng tăng của trứng hữu cơ

 

Kể từ khi EU cấm nuôi gia cầm trên chuồng lồng kín vào năm 2012, tại nhiều quốc gia của Liên minh châu Âu, đã từng bước chuyển đổi sang hệ thống nuôi khác theo hướng đối xử nhân đạo với động vật. Theo đó khi tỷ lệ các hệ thống chuồng trại nuôi hữu cơ, nuôi thả vườn đã tăng lên trong những năm gần đây. Đức, Hà Lan, Áo và Thụy Điển là những quốc gia chủ yếu sử dụng hệ thống chuồng trại mở, trong khi Đan Mạch, Pháp và Ireland, chẳng hạn, thích nuôi gà chạy ngoài trời. Sự phát triển theo hướng chăn nuôi nhân đạo sẽ tiếp tục, nhưng có sự khác biệt rộng rãi giữa các quốc gia. Tuy nhiên, một khối lượng đáng kể các sản phẩm trứng được sản xuất trong điều kiện phúc lợi thấp hơn vẫn được nhập khẩu vào EU từ Ukraine, Mỹ và Argentina. Vì vậy,  điều này có thể làm suy yếu các tiêu chuẩn chăn nuôi khắt khe của Liên minh châu Âu.

 

Trên toàn EU, trứng hữu cơ đang dần trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây, tăng từ 3,7% sản lượng năm 2012 lên 6% vào năm 2020. Nhưng tầm quan trọng của chăn nuôi hữu cơ rất khác nhau giữa các quốc gia. Ở một số tiểu bang, các tổ chức phúc lợi động vật và người tiêu dùng yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn hoặc chúng được thực thi bởi các phong trào chính trị. Ở Đan Mạch, tỷ lệ này đã là 30%, tăng đáng kể vào năm 2020, và ở Áo và Đức, tỷ lệ này cũng trên mức trung bình là hơn 12%. Bất chấp tất cả những điều này, ở nhiều quốc gia khác, chăn nuôi gà hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ nhoi hoặc không tồn tại.

 

 

Thị trường trứng bên ngoài EU và các xu hướng

 

Tổ chức MEG (Marktinfo Eier&Geflügel) cho biết mức tiêu thụ trứng trung bình trên toàn cầu vào khoảng 175-180 trứng / người và dự kiến con số này sẽ tăng lên trong vài năm tới. Trong khi mức tiêu thụ tứng đã khá cao ở Mỹ chẳng hạn (293 quả trên đầu người), thì vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng mức tiêu thụ ở các khu vực khác như Châu Phi, Trung Đông v.v…

 

Dịch cúm gia cầm tái diễn vẫn là một thách thức lớn đối với ngành sản xuất trứng. Tuy vậy. chúng ta sẽ thấy xu hướng chuyển dịch từ chăn nuôi trên các chuồng lồng nhiều tầng sang các loại hình chăn nuôi khác như chăn nuôi thả rông và chăn nuôi hữu cơ. Một xu hướng ngày càng tăng đối với phúc lợi động vật mà được thúc đẩy bởi các quy định của các quốc gia hoặc đòi hỏi của chính người tiêu dùng sẽ thúc đẩy sản xuất trứng gà thả vườn và trứng hữu cơ. Ví dụ, ở Hoa Kỳ và Canada, nơi mà trong những năm qua, việc nuôi gà trên lồng đang rất phổ biến, giờ đây người ta cũng quan tâm sản xuất trứng không có lồng.

 

Các chuyên gia dự báo thị trường trứng vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhờ vào sự gia tăng dân số và tăng mức tiêu thụ trên toàn thế giới. Với giá cả phải chăng, trứng sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của con người ở khắp mọi nơi trên trái đất. Ở nhiều nước đang phát triển, doanh số bán trứng được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa và sự phát triển không ngừng của ngành bán lẻ. Do đó, các nhà sản xuất phải luôn sẵn sàng mở rộng quy mô cung cấp trứng có vỏ và các sản phẩm từ trứng, đặc biệt là trứng được sản xuất từ chăn thả tự do và trứng hữu cơ./.

 

                                                                                                                     Đức Minh