Tình hình dịch bệnh và giải pháp phòng chống
Ngành chăn nuôi nước ta ngày càng phát triển nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần sản phẩm hiện đã xuất khẩu. Tuy vậy, ngành cũng đang phải chịu những thách thức lớn về dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp chủng virus Corona (COVID-19) đang lây lan diện rộng ra trên người và dịch cúm H5N1 đang xảy ra nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Tình hình chung
Phải nói rằng trong năm qua dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã xảy ra rất phức tạp, nhất là Dịch tả heo châu Phi (ASF). ASF đã xảy ra tại 8.532 xã, 667 huyện, 63 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 5.9965.173 con heo, chiếm gần 11% tổng đàn heo cả nước.
Bệnh cúm gia cầm tuy không gây thành dịch lớn như thập niên 2000 mà đã trở thành dịch lưu cữ địa phương gây dịch rải rác ở các hộ chăn nuôi. Qua giám sát tại 26 tỉnh, thành phố với tổng cộng 3.966 mẫu gộp (tương đương với 19.830 con gia cầm) đã được xét nghiệm; trong đó có 1.496 (37,72%) mẫu dương tính với cúm A; 138 (3,48 %) mẫu dương tính với virus cúm H5; 47(1,19 %) mẫu dương tính với virus cúm H5N1; 72 (1,82%) mẫu dương tính với virus cúm H5N6 và 3 (0,08%) mẫu dương tính với virus cúm A/H7, nhưng âm tính với virus cúm A/H7N9. Như vậy qua kết quả kiểm tra trên virus cúm gia cầm vẫn hiện hữu lưu hành trong môi trường, đấy là mỗi đe dọa thường xuyên nếu chúng ta thiếu cảnh giác bệnh sẽ bùng phát trở lại.
Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với dịch cúm H5N1 Ảnh: CN
Ở gia cầm, ngoài cúm gia cầm, một số bệnh cũng đang được quan tâm vì gây thiệt hại lớn do chưa có thuốc, vaccine phòng và điều trị, đó là bệnh Leucosis ở các đàn gà giống, bệnh rụt mỏ ở vịt gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi. Đối với điều kiện thời tiết hiện nay ẩm thấp, mưa phùn, rét lạnh sức đề kháng gia cầm giảm dễ cảm nhiễm nhiều bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp mãn tính (CRD), viêm phế quản truyền nhiễm (IB), viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT), sổ mũi truyền nhiễm (Coryza), Newcastle… làm giảm sức đề kháng dễ nhiễm virus cúm gia cầm.
Giải pháp
Việt Nam có nền chăn nuôi đặc thù đang tồn tại song song hai hình thức chăn nuôi, nông hộ nhỏ lẻ và tập trung công nghiệp. Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm khoảng trên 60% giá trị sản phẩm. Với đặc thù của ngành chăn nuôi này Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch và phòng chống dịch bệnh.
Trước tình hình dịch tễ phức tạp và những nhận định trên cần triển khai song song, đồng bộ các biện pháp tổng hợp để phòng trừ dịch bệnh đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi nước ta. Theo đó, thực hiện chỉ thị số 3256/CT BNN – TY ngày 11/11/2019, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN tại cuộc họp ngày 18/12/2019, hướng dẫn BNN&PTNT tại CV số 647/BNN – TY ngày 15/1/2020 về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Công điện ngày 3/2/2020 của BNN số 735/CĐ-BNN-TY về triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm.
Theo đó các đơn vị cần chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh: Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thực hiện tốt cách ly, loại trừ các nguy cơ rủi ro lây nhiễm bệnh, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc, xung quanh trại và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Giám sát tốt các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại. Đảm bảo các hố sát trùng luôn có thuốc sát trùng. Nâng cao sức đề kháng chống bệnh tạo điều kiện môi trường tốt nhất cho vật nuôi, kiểm tra theo dõi miễn dịch phòng, chống các bệnh khác, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh. Giám sát tốt việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm; đặc biệt vận chuyển qua biên giới. Các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc giám sát lưu hành virus cúm để xác định tình hình dịch tễ và phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý triệt để mỗi khi có dịch, tránh dịch bệnh lây lan. Theo dõi cập nhật thông tin thường xuyên để có biện pháp đối phó kịp thời. Thông báo kịp thời với cơ quan chức năng và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp theo quy định Luật Thú y khi có sự cố xảy ra. Triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức đồng loạt bắt đầu từ tháng 2/2020.
TS. Phan Văn Lục
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam