Thu lợi lớn từ chăn nuôi gà
Từng lăn lộn đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn khó khăn nên ông Trần Văn Khoa, sinh năm 1967, ở xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) quyết tâm trở về quê hương “nuôi” khát vọng phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu và nhận thấy chăn nuôi gà cho thu nhập cao, cộng thêm sẵn có diện tích đất vườn rộng nên từ năm 2013, gia đình ông đã tập trung chăn nuôi gà với quy mô 10.000 con/lứa, thu lãi 600 – 700 triệu đồng mỗi năm.
Từ nhà ông Khoa, chúng tôi di chuyển gần 1km để đến trang trại gà. Trại gà có diện tích hơn 1ha, được bố trí cách xa khu dân cư, nằm trên một quả đồi, xung quanh trồng keo. Tiếp chúng tôi bên ấm trà nóng, ông Khoa vui vẻ kể: Sau khi lập gia đình (năm 1991) để kiếm sống, tôi đã đi làm đủ các nghề như: thợ xây, buôn bán, xe ôm…, lang thang khắp trong rồi ngoài tỉnh. Sau nhiều năm lăn lộn, nhận thấy cuộc sống vẫn khó khăn, năm 2012, tôi quyết định trở về quê hương tính kế mưu sinh với suy nghĩ “chẳng đâu bằng nhà”…
Sau gần 1 năm tìm hiểu, ông Khoa quyết định đầu tư chăn nuôi gà. Với số vốn ít ỏi tiết kiệm được trong nhiều năm, cùng phần tiền vay mượn, ông đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Lứa gà đầu tiên, ông chăn 700 con gà lông màu.
Ngoài thu nhập từ chăn nuôi gà, ông Khoa còn trồng keo xung quanh trang trại, vừa tạo bóng mát vừa tăng thêm thu nhập.
Khi chúng tôi hỏi về việc “đánh liều” chăn nuôi số gà lớn ngay lứa đầu tiên trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm, ông Khoa bảo: Không phải tự nhiên đâu! Xuất thân từ nhà nông nên những kiến thức cơ bản về chăn nuôi tôi có sẵn. Hơn nữa, bản thân tôi cũng tự học hỏi trên các phương tiện thông tin, qua các chủ trang trại, gia trại quen biết. Ngay trong năm đầu tiên chăn nuôi, tôi đã đăng ký tham gia lớp học chăn nuôi do xã và TP. Thái Nguyên tổ chức.
Để giảm bớt những rủi ro khi chăn nuôi, trong 3 năm đầu tiên, ông Khoa đã nhờ cán bộ thú y xã hướng dẫn và thuê thêm kỹ sư chăn nuôi để chăm sóc đàn gà. Thông qua đó, ông đã học hỏi thêm được nhiều kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Khi nắm chắc kiến thức, ông Khoa bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng dần đàn gà lên đến 10.000 con.
Nói về các kỹ thuật cần chú ý khi chăn nuôi gà, ông Khoa cho biết: Tôi chỉ chăn nuôi giống gà Ri lai Hòa Bình, thời gian sinh trưởng từ 4 đến 4,5 tháng, chia làm 2 giai đoạn nuôi trong chuồng (sử dụng cám công nghiệp) và thả vườn (dùng toàn bộ cám ngô). Khi gà đủ 35 – 40 ngày tuổi, tôi bắt đầu thả vườn. Thời điểm này phải đặc biệt chú ý các loại bệnh, như: Newcastle, Marek, E-Coli, viêm ruột hoại tử…. Qua thời kỳ này, cơ bản gà khỏe mạnh đến khi xuất chuồng.
Những năm gần đây, cứ đều đặn xuất chuồng mỗi năm 2 lứa gà, với tổng đàn 20.000 con, ông Khoa có thể thu lãi 600 – 700 triệu đồng. Trang trại của ông cũng đang tạo việc làm cho 2 lao động, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Với những kết quả đã đạt được, ông Khoa nhiều năm liền đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.
Bà Phạm Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Trung Thành, đánh giá: Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Khoa còn luôn nhiệt tình hướng dẫn, phổ biến nhiều kiến thức về chăn nuôi cho các hội viên nông dân, bà con trong xóm có nhu cầu. Ông là tấm gương lao động đáng để bà con học hỏi, noi theo.
Chung An
Nguồn: Báo Thái Nguyên