Thu lãi 400 – 500 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi gà đẻ siêu trứng Ai Cập
Mô hình nuôi gà đẻ siêu trứng Ai Cập lông trắng của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1982, ở thôn Quang Minh, xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là một trong những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện.
Tốt nghiệp ra trường với trình độ chuyên môn trung cấp điện, anh Nguyễn Văn Hùng đã lựa chọn đi làm công nhân trong một nhà máy ở xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương. Tưởng rằng sẽ gắn bó suốt đời với nghề công nhân, nhưng cái duyên lại đưa anh đến với nghề nông. Nhìn đất đai của gia đình rộng lớn mà sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, hai vợ chồng anh quyết định dồn, đổi ruộng, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, kết hợp đào ao thả cá. Lúc đầu anh nuôi khoảng 30 – 50 con lợn thịt, nhưng do thiếu kinh nghiệm, sau vài lứa nuôi anh thất bại. Nhưng không vì thế mà anh từ bỏ, anh tiếp tục đi học hỏi cách thức làm giàu của các hộ sản xuất chăn nuôi giỏi trong và ngoài xã. Suy đi, tính lại anh quyết định cải tạo chuồng trại và chuyển hướng sang chăn nuôi gà. Rút kinh nghiệm từ chăn nuôi lợn, lần này anh tìm tòi, học hỏi từ lý thuyết đến thực tiễn các kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi gà đẻ. Sau 6 năm đầu tư, đến nay, trang trại của anh luôn duy trì 3 khu chuồng với trên 5.000 gà đẻ. Bình quân một ngày anh thu khoảng 4.000 quả trứng, với mức giá xuất bán dao động 2.500 – 2.700 đồng/quả, trừ các loại chi phí anh thu lãi 400 – 500 triệu đồng/năm.
Mỗi ngày trang trại của anh Hùng thu khoảng 4.000 quả trứng gà.
Giống gà anh Hùng đang nuôi là giống gà đẻ siêu trứng Ai Cập lông trắng, anh nhập về từ trung tâm giống gia cầm ở Đông Anh (Hà Nội) và ở tỉnh Bắc Ninh.
Anh chia sẻ: Đối với gà đẻ siêu trứng, phải chọn con giống thật chuẩn ở những công ty có uy tín. Phải áp dụng đầy đủ quy trình tiêm phòng các loại vắc-xin cho gà ngay từ khi gà mới nở. Ở giai đoạn úm gà (khoảng 1 – 25 ngày tuổi) luôn luôn phải bảo đảm đủ nhiệt độ cho gà con thì gà lớn lên sẽ khỏe mạnh, ít mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp…
Để bảo đảm cho gà luôn đủ dinh dưỡng, đẻ đều và khai thác được nhiều, anh tuân thủ nghiêm ngặt quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gà ngay từ lúc nở ra. Anh thường trộn men vi sinh vào thức ăn, nước uống cho gà để kích thích hệ tiêu hóa của gà phát triển. Ngoài ra để hạn chế bệnh, những khi giao mùa, nhất là mùa đông, định kỳ 3 ngày/lần anh xay tỏi tươi, ngâm trong nước sạch 24 tiếng, sau đó chắt lấy nước cho gà uống, phần bã trộn với thức ăn cho gà ăn, làm như vậy hầu như gà không có bệnh về đường ruột.
Anh Hùng cho biết: Nuôi gà đẻ phải luôn bảo đảm đủ ánh sáng. Khi gà được 60 ngày tuổi bắt đầu cho ăn hạn chế để tránh gà béo quá, đồng thời hãm không cho gà đẻ sớm. Khi gà đủ 19 tuần tuổi mới cho gà đẻ, làm như vậy vừa bảo đảm gà đẻ nhiều trứng, vừa giữ được mái bền. Vì thế, trung bình một con gà đẻ anh giữ được 1,5 năm, khai thác được 230 – 250 quả trứng.
Bên cạnh đó, xác định bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi là việc làm không thể thiếu, định kỳ 1 tuần/lần anh phun thuốc khử trùng chuồng trại; thường xuyên sử dụng men vi sinh trộn với đệm lót sinh học làm nền chuồng; 2 tháng/lần tiến hành thay đệm lót chuồng; trước khi nuôi lứa mới, anh để trống chuồng từ 1 – 1,5 tháng để thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn sinh học. Vì thế, trong 6 năm nuôi gà đẻ, trang trại của anh chưa một lần bị dịch bệnh.
Ngoài ra, trên diện tích trang trại còn lại, anh cải tạo 1,3 mẫu ao để thả các loại cá truyền thống như trôi, chép, mè… kết hợp nuôi 400 – 500 vịt thịt, trừ các loại chi phí, anh thu lời 100 – 120 triệu đồng/năm.
Kế hoạch của anh Hùng trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, tăng đàn đến khoảng 10 nghìn con gà đẻ; tiếp tục duy trì 2 ao nuôi cá truyền thống, đồng thời sẽ thử nghiệm nuôi các giống gà siêu trứng mới và đầu tư nuôi thêm ốc nhồi để phát triển trang trại tổng hợp ổn định và bền vững.
Mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Hùng chi phí đầu tư thấp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp để nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh có thể áp dụng phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Lại Phượng (Hội Nông dân tỉnh Thái Bình)
Nguồn: Báo Thái Bình