Thịt nhân tạo, xu hướng hay trào lưu?

Xu hướng tiêu dùng thịt nhân tạo không mới và đã rộ lên ở Bắc Mỹ từ nhiều năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy thói quen tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi và càng thể hiện rõ hơn khi COVID-19 xuất hiện.

Cơ hội

Xu hướng tiêu dùng thịt nhân tạo tăng cao được ví như hồi chuông cảnh báo ngành thịt gia cầm và các loại thịt khác cần phải thay đổi để nâng cao sức cạnh tranh. Với những hãng chăn nuôi, thịt nhân tạo rõ ràng là một mối đe dọa mới xuất hiện trên thị trường ngành hàng thịt nói chung và xa hơn là ảnh hưởng tới sự sống còn của thịt thật.

Thị phần của các sản phẩm thịt nhân tạo đã tăng 13% trong vòng hơn 3 năm qua. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhảy vào phân khúc này. Hơn một nửa doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thịt nhân tạo hơn 3 năm qua đều đồng loạt tung sản phẩm mới vào năm 2020, theo Dasha Shor, chuyên gia phân tích thực phẩm toàn cầu Mintel tại phiên họp trực tuyến về Chuỗi cung ứng gia cầm toàn cầu của Hiệp hội Gia cầm quốc tế. Các ví dụ điển hình về trào lưu tiêu dùng thịt nhân tạo phải kể đến chuỗi nhà hàng Planet Green ở Thâm Quyến với sản phẩm bánh burger nhân thịt chay với giá 88 tệ, khoảng 290.000 đồng, trong khi giá một phần burger nhân thịt thật tại các chuỗi thức ăn nhanh chỉ 10 – 50 tệ. Chỉ 3 tháng đầu ra mắt, Planet Green đã bán trên 10.000 burger nhân thịt chay. Hay nhà hàng Green Common ở Hồng Kông cũng đưa thịt giả vào menu. Một trong những món ngon nổi tiếng ở đây là New Hakata Ramen làm từ thịt heo nhân tạo hấp dẫn không kém thịt heo thật.

 

Thay thế thịt thật?

Các hãng sản xuất thịt nhân tạo rất nhạy bén và thông minh, theo Shorr. Mục tiêu trọng tâm của họ là nhắm vào đối tượng người tiêu dùng theo chế độ ăn kiêng linh hoạt (bán chay) và người tiêu dùng theo chế độ ăn đa dạng, thay vì chỉ tập trung vào khách hàng thuần chay.

Xu hướng tiêu thụ thịt nhân tạo đang ngày càng tăng cao

Chiến lược khoanh vùng đối tượng khách hàng của những công ty thịt nhân tạo không có gì ngạc nhiên vì chỉ 8% người lớn tuổi tại Mỹ theo chế độ ăn chay trường. Đúng hơn, những hãng sản xuất protein nhân tạo chỉ “sao chép” lại vị và kết cấu của sản phẩm thịt thật mà những người tiêu dùng ở nhóm ăn kiêng linh hoạt và ăn đa dạng ưa chuộng.

Xu hướng sản xuất và tiêu dùng “siêu thịt nhân tạo” (giống thịt thật) dự kiến tiếp tục tăng mạnh, trong đó xúc xích và burger sẽ là những sản phẩm phổ biến nhất. Đáng nói, thịt nhân tạo đang tiến sâu hơn vào thị trường thịt gia cầm. Rõ ràng, các hãng sản xuất sản phẩm thịt nhân tạo có chiến lược riêng để thu hút người tiêu dùng và đặc biệt rất nhanh nhạy nắm bắt cơ hội từ COVID-19.

 

Đối thủ của thịt gia cầm?

Gia cầm có lợi thế trội hơn hẳn thịt nhân tạo và thậm chí còn có khả năng chớp cơ hội để phát triển hơn nhờ làn sóng tiêu dùng thịt nhân tạo này. Tốt cho sức khỏe, đạt chuẩn mực đạo đức cùng nhiều giá trị khác chính là những lợi thế mà ngành gia cầm có thể tận dụng để gia tăng cạnh tranh trước nhiều sản phẩm protein nhân tạo.

Tại nhiều thị trường, thịt nhân tạo cũng rơi vào cảnh “ế ẩm” bởi không đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng về minh bạch thông tin thành phần và tính chất tự nhiên. Nhiều sản phẩm thịt nhân tạo quá phức tạp, thành phần rắc rối và khâu chế biến lắt léo làm mất đi hương vị tự nhiên.

Trong cuộc khảo sát của Mitel, 4 trong 10 người tiêu dùng tại Anh tin rằng, thành phần được sử dụng để chế biến các loại thịt nhân tạo không minh bạch. 3 trong 10 khách hàng đồng ý rằng, thịt nhân tạo được chế biến quá kỹ nên bị mất chất dinh dưỡng hơn thịt thông thường. Chính vì những lo ngại này, mà các loại thịt động vật, đặc biệt là thịt gia cầm hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với thịt nhân tạo.

Các sản phẩm thịt gà không phải trải qua nhiều khâu chế biến như các loại thịt nhân tạo nên giữ được giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra, thịt gà không gây ra tác dụng bất lợi cho sức khỏe giống thịt đỏ, đặc biệt là thịt đỏ chế biến sẵn.

Người tiêu dùng ngày nay luôn quan tâm liệu khẩu phần dinh dưỡng có gây ra rủi ro nào cho sức khỏe hay không và đặc biệt ưu ái những thực phẩm giúp kiểm soát cân nặng, hỗ trợ chức năng miễn dịch và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tổng thể. Gia cầm, từ trước đến nay, vẫn luôn là những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí này. Thậm chí trước đại dịch, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch cũng tăng cao. Ví dụ, tại Trung Quốc, 5 trong số 10 khách hàng quan tâm đến thực phẩm tăng cường miễn dịch; trong khi tại Mỹ, 4 trong số 10 khách hàng chưa từng sử dụng thực phẩm tăng cường miễn dịch sẵn sàng trải nghiệm sản phẩm này nếu có cơ hội.

Nhiều hãng thịt gia cầm cũng tận dụng làn sóng tiêu dùng thịt nhân tạo để thu lợi. Ví dụ hãng Perdue tại Mỹ đã nhanh nhạy tung ra sản phẩm tổ hợp Chicken Plus kết hợp thịt ức gà với rau để thu hút người tiêu dùng. Hãng nhấn mạnh, một lượng nhỏ thịt gà và rau có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và giúp nâng cao sức khỏe tổng thể mà không cần phải mua những sản phẩm thịt nhân tạo đắt tiền.

Các tổ chức nghiên cứu như Mitel vẫn chưa thể kết luận xu hướng tiêu dùng thịt nhân tạo nổi lên do người dân trên thế giới ngày càng thích ăn chay, hay chỉ là do tác động tạm thời của COVID-19?. Nhưng có một điều mà các chuyên gia đều chắc chắn, dù là sản phẩm thịt nhân tạo hay thịt thật, thì các tiêu chí bền vững, trong đó có thông tin minh bạch, thân thiện môi trường, an toàn vệ sinh… vẫn luôn được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.

>> Dự báo, thị phần của các sản phẩm thịt nhân tạo còn tiếp tục lớn mạnh do ngày càng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Châu Âu có thể trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của các sản phẩm thịt nhân tạo, kế đến là Bắc Mỹ. Hiện, thịt nhân tạo đang được đón nhận tích cực tại Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và châu Á.

Dũng Nguyên

Theo Poultrymeat