Thế giới Gia cầm số 41

Xuất bản tháng 05/2020.

Thưa Quý vị bạn đọc!

Giữa năm 2019, đàn gia cầm tăng mạnh với kỳ vọng bổ sung cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt bởi Dịch tả heo châu Phi. Thế nhưng, việc tăng đàn quá nóng cộng với việc thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá các sản phẩm gia cầm xuống thấp trong thời gian dài. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nghịch lý lớn, đó là khi giá thịt heo đã cao còn tăng, trong khi trứng, thịt gà dù rất rẻ nhưng vẫn ế.

Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, từ cuối năm 2019 đến nay, trừ cao điểm Tết, giá sản phẩm gia cầm luôn ở mức thấp. Nguyên nhân là do nguồn cung gia cầm trong nước và nhập khẩu tăng quá nóng từ quý II/2019 với mức tăng hơn 20% so cùng kỳ. Mặt khác do dịch COVID-19, nhiều nhà hàng, quán ăn, trường học… đóng cửa trong khi đây là kênh tiêu thụ chính của sản phẩm gia cầm.

Về tình trạng giá thịt heo rất đắt đỏ, thịt gà rất rẻ nhưng tiêu thụ thịt gà vẫn không tăng, TS. Sơn lý giải do thói quen ẩm thực, tỷ trọng sử dụng thịt heo để nấu ăn tại nhà của người Việt rất cao (trên 60%), tỷ lệ sử dụng thịt gia cầm và thịt bò còn thấp khiến việc tiêu thụ thịt, trứng gia cầm trong mùa dịch COVID vẫn không tăng nhiều như kỳ vọng của các nhà quản lý. Đối với trứng gia cầm cũng tương tự, nước ta tiêu thụ còn ít, năm 2019, mỗi người tiêu thụ bình quân 130 quả.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, giá gia cầm có xu hướng tăng nhẹ và thị trường cũng sôi động trở lại. Theo đó, giá gia cầm và các sản phẩm gia cầm được nhận định sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên cần phải nhận thấy một thực tế rõ ràng, ngành gia cầm vẫn còn thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

GS.TS Nguyễn Duy Hoan, Đại học Thái Nguyên mới đây đã có kiến nghị cần xây dựng chiến lược an ninh thực phẩm song song với an ninh lương thực vì các mặt hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng không nhỏ liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, là mặt hàng thiết yếu hàng ngày với mọi gia đình. Sớm đưa mặt hàng thịt heo, thịt gà vào nhóm hàng được nhà nước bình ổn giá.

Còn theo TS. Phan Văn Lục, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam: “Để đưa sản phẩm gia cầm về đúng giá trị thực, cần có sự đột phá cải tổ và hoàn thiện trong toàn bộ phân khúc của chuỗi sản xuất này, từ cơ sở sản xuất đến hệ thống phân phối cuối cùng”.

Cùng nghe những “hiến kế” để đưa ngành gia cầm phát triển bền vững, hiệu quả, giúp người chăn nuôi luôn đạt được mục tiêu “được mùa, được giá” trong Thế giới Gia cầm số 41 phát hành tháng 5/2020. Rất mong tiếp tục được đồng hành cùng Quý vị.

Trân trọng!