Thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp
Những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã gắn kết nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các chuẩn mực phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thông qua nhiều hoạt động, phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả.
Trong đó, phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc đã có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn; xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hóa Trung là một người như thế…
Đến xóm La Vương, xã Hóa Trung, hỏi thăm nhà chị Lệ nuôi chim bồ câu Pháp, bà con chòm xóm nhiệt tình chỉ cho chúng tôi căn nhà ẩn mình dưới những tán cây lớn trong khu vườn trồng nhiều loại cây ăn trái.
Chị Lệ (bên trái) trao đổi kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp với hội viên phụ nữ xã Hóa Trung.
Từng là cán bộ đoàn rồi tham gia công tác phụ nữ nên chị Lệ thấu hiểu hoàn cảnh, điều kiện và nhu cầu của chị em phụ nữ nông thôn, nhất là những chị lớn tuổi không thể vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp; nhiều chị phải chăm con, giữ cháu, nội trợ, rất cần có công việc phù hợp, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Sau khi khảo sát, nắm bắt rõ nhu cầu thị trường và học hỏi kinh nghiệm của người thân đang nuôi chim bồ câu thương phẩm tại Bắc Giang, chị quyết định đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp và sản xuất các sản phẩm từ thịt chim bồ câu.
Tháng 3-2020, từ 300 triệu đồng vốn vay của anh em, bạn bè, ngân hàng, chị Lệ và gia đình bắt tay vào xây dựng chuồng trại với diện tích 200m2, đầu tư 400 đôi chim giống có giá 130.000 đồng/đôi về chăn nuôi. Sau 6 tháng nuôi, đàn chim phát triển tốt, gia đình lựa chọn những con khỏe mạnh để làm chim giống, số còn lại được bán với giá bán từ 100 đến 110.000 đồng/đôi.
Quá trình chăn nuôi, chị Lệ tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm thông qua các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Con giống luôn khỏe mạnh và an toàn với dịch bệnh. Thức ăn cho chim đáp ứng đủ dinh dưỡng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của chim, không có chứa các chất cấm, chất kích thích tăng trưởng…
Chỉ sau hơn 2 năm khởi nghiệp, kinh tế gia đình chị khá hơn nhiều, thu nhập đạt mức hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Năm 2022, chị Lê quyết định đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, mua thêm 1.000 đôi chim giống để tăng đàn lên 1.400 đôi chim sinh sản.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, chị Lệ còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu với chị em hội viên, hướng tới thành lập tổ liên kết nuôi chim bồ câu Pháp tại xóm La Vương. Mục tiêu đến năm 2024, xóm La Vương sẽ có thêm 5 mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp, giải quyết việc làm cho ít nhất 8 hội viên phụ nữ của xóm.
Với mô hình thiết thực, phù hợp với điều kiện của đa số phụ nữ nông thôn, năm 2020, ý tưởng sáng tạo về Giải pháp nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ thông qua mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ đã đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tổ chức.
Nói về người luôn sát cánh với mình trong các phong trào của Hội, chị Trần Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Hóa Trung khẳng định: Chị Lệ không chỉ là một phụ nữ chịu khó, dám nghĩ, dám làm mà còn là một cán bộ hội cơ sở nhiệt tình, năng nổ trong công tác, luôn có những sáng kiến hay; là tấm gương điển hình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình, hạnh phúc”.
Nguồn: Báo Thái Nguyên