Thái Bình: Thu tiền tỷ từ nuôi gà ri lai
Đến thôn Tống Thỏ Trung, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình, hỏi trang trại của anh Bùi Văn Khang người dân ai cũng biết bởi đây là trang trại có quy mô lớn nhất xã, được đầu tư xây dựng bài bản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2015, gia đình anh Khang quyết định thuê lại hơn 2 ha đất chua trũng bên triền đê sông Trà Lý chuyển đổi mục đích sang làm trang trại và trồng cây dược liệu. Anh chia sẻ: Tôi đầu tư xây dựng chuồng nuôi gà hết hơn 200 triệu đồng. Thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên khi thiết kế chuồng nuôi tôi làm chưa đúng kỹ thuật, gà mắc bệnh khiến lứa nuôi đầu tiên bị thất thu. Sau đó, rút kinh nghiệm, tôi tiến hành vệ sinh môi trường, thuê người thiết kế lại chuồng trại, sử dụng đất trộn với trấu và chế phẩm vi sinh để hạn chế mùi hôi. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp đàn gà của gia đình phát triển tốt trong những vụ nuôi tiếp theo.
Trang trại của anh Khang thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Sau thất bại, anh Khang có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi. Anh chọn nuôi giống gà ri lai để nuôi bởi đây là giống gà nội địa đã có từ lâu tại Việt Nam, được nuôi phổ biến tại những tỉnh miền Bắc và miền Trung với mục đích rất đa dạng từ lấy trứng, giống gà con, thịt. So với những loại gà thương phẩm khác, gà ri lai tuy có kích cỡ nhỏ, chậm lớn nhưng cả trứng và thịt đều rất thơm, giàu dinh dưỡng, đặc biệt thịt gà rất săn chắc nên thị trường ưa chuộng, không phải lo lắng về đầu ra.
Từ một chuồng nuôi gà ri lai ban đầu, sau 3 – 4 vụ nuôi thành công, anh Khang đã có thêm vốn xây thêm chuồng trại. Hiện trang trại của anh Khang rộng hơn 2 ha với 4 chuồng nuôi gà ri lai khép kín tổng diện tích hơn 4.000 m2 được anh đầu tư bài bản với hệ thống máng ăn tự động, điều hòa không khí, chuồng nuôi được lợp tôn chống nóng và có hệ thống phun sương, đèn sưởi để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp theo mùa. Bên cạnh đó, anh còn lựa chọn một số loại cây dược liệu như đinh lăng, gấc để trồng đồng thời nuôi thả một số loại cá truyền thống như trắm, chép, mè… không chỉ giúp trang trại hạn chế mùi hôi, tạo không khí thoáng mát cho chuồng nuôi mà còn tăng thêm thu nhập.
Anh Khang cho biết thêm: Chuồng gà có rất nhiều cách thiết kế và xây dựng nên tùy thuộc vào vị trí và không gian mà người dân có thể tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn hoặc đơn vị cung cấp giống để xây dựng hợp lý. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi chuồng phải xây dựng nơi khô ráo, thoáng mát; máng ăn và máng uống có lưới bọc thì thức ăn không rơi vãi và dính vào gà. Quan trọng nhất đối với gà ri lai là khi nhập giống phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, được tiêm phòng đầy đủ. Khi nuôi gà ri lai trong 3 tuần đầu phải tuân thủ nghiêm ngặt việc cho ăn, giữ vệ sinh và điều chỉnh nhiệt độ khi nuôi phù hợp, có như thế sức khỏe đàn gà mới tốt. Nhờ làm tốt khâu vệ sinh và phòng dịch nên mô hình nuôi gà ri lai của gia đình tôi mỗi năm xuất bán hơn 50 tấn gà thịt. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập 4 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Bà Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Thái Bình đánh giá: Mô hình nuôi gà ri lai của hội viên Bùi Văn Khang là một trong những mô hình phát triển kinh tế giỏi của Hội Nông dân thành phố. Anh Khang đã biết phát huy lợi thế của địa phương gần trục đường chính từ Thái Bình đi Hải Phòng để xuất bán gà, lại biết cách chuyển đổi mục đích từ đất cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại cho thu nhập cao, tận dụng nguồn đất xen kẹp trong trang trại trồng các loại cây dược liệu giúp tăng thu nhập. Bản thân anh tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương như: ủng hộ quỹ khuyến học khuyến tài, xây dựng nông thôn mới, giúp hội viên phát triển kinh tế. Anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, chia sẻ kỹ thuật nuôi gà ri lai cho hội viên nông dân. 5 năm liền anh được Hội Nông dân xã Đông Mỹ và Hội Nông dân thành phố tặng giấy khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp cho phong trào của hội. Mô hình của anh sẽ được Hội Nông dân thành phố nhân rộng, tạo điều kiện giúp anh về nguồn vốn vay, mua thức ăn trả chậm, tập huấn khoa học kỹ thuật để yên tâm phát triển sản xuất.
Tiến Đạt
Nguồn: Báo Thái Bình