Sóc Trăng: Hiệu quả trong việc liên kết nuôi vịt trời

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, một số hộ dân tại xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) đã phát triển mô hình nuôi vịt trời. Để tạo ra số lượng lớn cung cấp con giống, con thịt, những hộ dân trên đã tập hợp nhau hình thành Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi vịt trời Trường Giang cùng nhau liên kết sản xuất vịt trời giống, vịt trời thịt… đem lại nguồn thu nhập tốt cho thành viên.

Là thành viên nuôi vịt trời số lượng lớn trong HTX Chăn nuôi vịt trời Trường Giang, chị Nguyễn Thị Nguyền, ấp Phước An B, xã Mỹ Phước tâm tình: “Tôi bắt đầu nuôi vịt trời vào năm 2015. Ban đầu với số lượng 150 con vịt sinh sản, sau thời gian hơn 6 năm duy trì phát triển đàn và bán con giống, kể cả trứng vịt trời lộn cho một số người thân quen thì đến nay đàn vịt của tôi lên đến 500 con, trong đó có khoảng 400 vịt sinh sản”.

Theo so sánh của chị Nguyền, nếu so với vật nuôi khác thì con vịt trời nhẹ công chăm sóc, chỉ cần có khu vực ao nuôi rộng lớn để chúng bơi lội, kèm theo đó là việc làm chuồng cho vịt trú ngụ lúc còn nhỏ và đảm bảo lượng thức ăn đầy đủ mỗi ngày là vịt phát triển tốt, đẻ trứng nhiều, hiếm khi vịt gặp dịch bệnh. Điều đặc biệt là con vịt trời ăn rất ít nên chi phí nuôi không nhiều, thức ăn cho vịt thường là lúa hoặc có thể là thức ăn viên tùy theo người nuôi kèm thêm một số loài rau bổ sung chất xơ. Cái hay của vịt trời là khi trưởng thành vịt đẻ trứng liên tục trong vòng 9 tháng. Như vậy, với 400 con vịt lượng trứng thu về mỗi ngày từ 250 – 300 trứng, số trứng trên được dồn lại để dành đưa vào máy ấp nở tự động, bình quân 1 tháng số lượng trứng ấp và cho “ra lò” hơn 4.000 vịt con, xuất bán ra thị trường thu lợi nhuận tầm 17 – 20 triệu đồng/tháng.

nuôi vịt trời

Ông Châu Văn Bao, xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) chia sẻ, nhờ tham gia vào HTX Chăn nuôi vịt trời Trường Giang mà cuộc sống gia đình ấm no, sung túc hơn. Ảnh: Thúy Liễu

Cũng là thành viên tham gia từ những ngày đầu HTX mới thành lập cho đến nay, ông Châu Văn Bao, ấp Phước Lợi B, xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) chia sẻ: “Trước đây, tôi nuôi vịt đẻ chạy đồng nhưng lợi nhuận không tốt, thấy hộ nuôi vịt trời đạt hiệu quả nên tôi chuyển đổi sang mua giống vịt trời về nuôi, với số lượng đàn vịt sinh sản là 200 con. Để tạo nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, đàn vịt sinh sản ra, tôi lấy số trứng ấp nở bán con giống và chừa lại vịt con nuôi lớn bán thịt. Do nuôi vịt theo hình thức liên tiếp nên mỗi tháng đều có vịt thịt khoảng 400 con xuất bán ra thị trường, trọng lượng vịt tầm 800 gram/con, giá bán 60.000 – 80.000 đồng/con (tùy thời điểm), trừ chi phí lợi nhuận tầm 20 triệu đồng”.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân rất hào hứng khi tham gia vào HTX, bởi họ nhận thấy HTX là nơi để họ cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm sản xuất, được Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm trong việc hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết cho sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ liên kết các công ty, doanh nghiệp khâu đầu vào, đầu ra sau thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Nguyền cho biết thêm: “Nhờ tham gia HTX mà số lượng trứng vịt trời ấp nở ra con được nhiều người biết đến và tiêu thụ tốt hơn, nhất là đơn đặt hàng từ các hộ chăn nuôi có nhu cầu đặt vịt nuôi liên tục cùng với đó là được ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên việc nuôi vịt đạt hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, thành viên có sự gắn kết hỗ trợ nhau, trong việc vận chuyển đưa giống vịt trời đến tận tay người tiêu dùng…”.

“Sau gần 6 năm tham gia HTX Chăn nuôi vịt trời Trường Giang, tôi thấy đời sống gia đình ngày càng ấm no, sung túc, bởi ngoài việc chăn nuôi vịt trời sinh sản tại nhà cung ứng con giống cho bà con trong và ngoài địa phương, tôi còn tham gia vào việc thu gom vịt trời thịt, vịt giống vận chuyển đến các khách hàng đặt mua kiếm thêm thu nhập. Thông qua cách kinh doanh này, mỗi tháng tôi bỏ túi hơn 7 triệu đồng” – đó là lời chia sẻ của ông Châu Văn Bao.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) Lê Vũ Phương thông tin: “Theo quan sát, tôi nhận thấy vịt có sức đề kháng tốt với môi trường sống xung quanh, đầu ra con giống và con thịt rất tốt nhờ sự liên kết hộ chăn nuôi khi họ vào HTX nên tạo số lượng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu người chăn nuôi và người sử dụng vịt làm thức ăn. Tới đây, địa phương tiếp tục giới thiệu mô hình nuôi vịt trời đến các hộ dân, nhất là hộ có hoàn cảnh khó khăn tham gia nuôi vịt, nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo vì vịt dễ nuôi, thích nghi với mọi điều kiện thời tiết và vịt ăn được các loại cây như lục bình, chuối cây, bèo… nên chi phí thức ăn không đáng kể, thị trường tiêu thụ rộng lớn, ổn định, đảm bảo lợi nhuận khi xuất bán…”.

Thúy Liễu

Nguồn: Báo Sóc Trăng