Sẵn sàng tâm thế cho 2023

Ngành chăn nuôi năm 2022 khép lại với vô vàn khó khăn nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Bước sang năm 2023 mục tiêu của ngành sẽ ra sao? Việc lường trước những khó khăn, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi điều này giúp ngành chăn nuôi tự tin vượt “sóng gió”, gặt hái thành công. Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Tạp chí Thế giới Gia cầm đã có cuộc trò chuyện cùng Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh để hiểu rõ hơn về sự chuẩn bị này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả của ngành chăn nuôi Việt Nam trong năm 2022?

Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh: Năm 2022, ngành chăn nuôi nước ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi, các cơ quan trong Bộ, các cấp, ngành liên quan; Sự đồng lòng, quyết tâm của doanh nghiệp và người chăn nuôi, ngành chăn nuôi nước ta đã hoàn thành kế hoạch năm 2022 đề ra: Sản xuất đạt hơn 7 triệu tấn thịt hơi các loại, trong đó thịt heo trên 4,4 triệu tấn, thịt gia cầm khoảng 2 triệu tấn và thịt gia súc ăn cỏ trên 0,65 triệu tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 18,3 tỷ quả. Tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu là 1,28 triệu tấn. Từ những kết quả này cho thấy, ngành chăn nuôi đã đáp ứng cơ bản các sản phẩm chăn nuôi cho gần 100 triệu dân Việt Nam, khách du lịch và xuất khẩu một phần sản phẩm tới các nước khác.

ông Tống Xuân Chinh

PV: Theo ông, bức tranh của ngành chăn nuôi nước ta sẽ ra sao trong năm 2023?

Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh: Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, bức tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam trong năm 2023 vẫn có nhiều thách thức tương tự như năm 2022. Thách thức lớn nhất là giá tăng cao của các nguyên liệu TĂCN nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi. Thách thức thứ hai là sức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi yếu do thiếu việc làm, giảm thu nhập của người dân trong khi sức sản xuất chăn nuôi lại tăng cao, đặc biệt là chăn nuôi công nghiệp gắn với chuỗi giá trị của các doanh nghiệp lớn dẫn đến giá bán sản phẩm gặp khó khăn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi trong khó khăn đó vẫn có những cơ hội to lớn khi có nhiều doanh nghiệp hàng đầu đáp ứng được các điều kiện để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng gia cầm chế biến, mật ong và sản phẩm từ ong, yến và sản phẩm từ yến, giống gia cầm và nguyên liệu, TĂCN.

PV: Như ông vừa chia sẻ, giá nguyên liệu TĂCN sẽ tiếp tục là một trong những thách thức lớn với ngành chăn nuôi nước ta trong năm 2023. Vậy chúng ta đã lường trước và chuẩn bị gì cho điều này?

Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh: Về cơ bản các tổ chức quốc tế có uy tín về thương mại hóa nguyên liệu TĂCN đều đánh giá, năm 2023 không có nhiều cơ hội để hạ giá thành. Vì thế, trong nước, chúng ta đã và đang tập trung vào xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp chăn nuôi với các tổ chức sản xuất như tổ đội, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để trồng các loại cây nguyên liệu sản xuất TĂCN như ngô, sắn, cỏ, khô sinh khối, dược liệu… cho chăn nuôi. Các mô hình này có cơ hội lớn để phát triển ở những địa phương có diện tích nông nghiệp lớn như Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Song song với việc trồng trên cạn, chúng ta phải mở rộng nhanh diện tích trồng các loại rong biển có sinh khối lớn để sản xuất các loại nguyên liệu và chất tách chiết từ rong biển làm TĂCN. Đồng thời với việc chủ đồng trồng các loại cây TĂCN, nước ta có lợi thế lớn về nguồn tài nguyên tái tạo với gần 160 triệu tấn phụ phẩm công – nông nghiệp có thể thu gom, sơ chế, chế biến làm TĂCN hoặc các sản phẩm đầu vào cho ngành chăn nuôi khi ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong thu gom, bảo quản và công nghệ cao trong chế biến. Phấn đấu đến năm 2025, ngành sản xuất TĂCN công nghiệp ở Việt Nam lập lại thế cân bằng 50:50 giữa nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất trong nước.

chăn nuôi gia cầm

PV: Ngành chăn nuôi nước ta đặt ra những mục tiêu nào cho năm 2023, thưa ông?

Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh: Căn cứ vào Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành chăn nuôi lập kế hoạch sản xuất cho năm 2023 với các tiêu sau: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 4,5 – 5% so năm 2022, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp (ngành hẹp) đạt mức 33 – 34%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,27 triệu tấn, tăng 4,1%. Trong đó sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; Sản lượng thịt gia cầm đạt gần 2,1 triệu tấn, tăng 4,8%. Sản lượng trứng các loại khoảng 19 tỷ quả, tăng 3,8%. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt gần 1,38 triệu tấn, tăng 8%. Sản lượng mật ong là 30.000 tấn, tăng 7,1%. Sản lượng tổ yến đạt 95 tấn, tăng 5,6%. Sản lượng TĂCN công nghiệp đạt gần 21 triệu tấn, tăng 5% so năm 2022. Đây là những chỉ tiêu phấn đấu của các ngành chăn nuôi trong năm Quý Mão 2023.

PV: Để đạt được những mục tiêu này hẳn ngành chăn nuôi đã chuẩn bị những giải pháp cụ thể, ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh: Để hoàn thành mục tiêu của năm 2023 đề ra ở trên, ngành chăn nuôi cần tập trung thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp chính sau: Một là, tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả thể chế ngành chăn nuôi. Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi. Ba là, chủ động sản xuất một phần từ nguồn TĂCN có sẵn trong nước. Bốn là, tổ chức sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Năm là, ứng dụng khoa học, công nghệ và khuyến nông trong chăn nuôi. Sáu là, tăng cường chế biến, chế biến sâu gắn với xúc tiến thị trường thương mại. Bảy là, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín định hướng xuất khẩu. Và tám là, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thắm

(Thực hiện)