Sản phẩm gia cầm: Cần đưa về đúng giá trị

Thịt gia cầm vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp trong bữa ăn hàng ngày. Vì sao? Có phải do giá cả chưa phù hợp hay cách tiếp cận chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng?

Thực trạng

Từ cuối năm 2019 đến nay, trừ cao điểm Tết Nguyên đán, giá sản phẩm gia cầm luôn ở mức thấp. Có những thời điểm giá gà lông trắng chỉ có 8.000 – 9.000 đồng/kg, gà lông màu dưới 20.000 đồng/kg và giá trứng gà 1.200 đồng/quả. Hiện, giá cả có nhích lên, nhưng vẫn dưới giá thành và khó tiêu thụ. Qua khảo sát, giá sản phẩm gia cầm tại các trại thấp hơn nhiều so với các điểm bán. Cụ thể ở trại giá trứng bán khoảng 1.200 – 1.400 đồng/quả, ở các điểm bán lẻ khoảng 1.600 – 1.800 đồng/quả, ở các siêu thị 2.200 – 2.600 đồng/quả. Còn thịt gà cũng chung cảnh ngộ, giá thấp và khó bán. Giá gà công nghiệp khoảng 17.000 – 22.000 đồng/kg, gà màu Tam Hoàng khoảng 27.000 – 28.000 đồng/kg, gà màu Bình Định 40.000 – 45.000 đồng/kg, gà ta 80.000 – 90.000 đồng/kg. Giá ở các điểm bán lẻ thì cao hơn, cụ thể, đùi gà công nghiệp 55.000 – 60.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 – 75.000 đồng/kg, gà Tam Hoàng nguyên con 80.000 đồng/kg và gà ta nguyên con 120.000 đồng/kg.

Mức tiêu thụ trứng gia cầm ở nước ta còn thấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 Gia cầm là thực phẩm bổ dưỡng và dễ tiêu thụ cho con người. Qua số liệu thống kê về sản phẩm gia cầm trên thế giới ta thấy rõ điều đó. Bình quân tiêu thụ thịt, trứng ở một số nước luôn ở mức cao. Ở một số nước trên thế giới, mức tiêu thụ thịt gia cầm có sự khác nhau đáng kể, chẳng hạn như người Malaysia tiêu thụ thịt gia cầm rất cao, ở mức 49,5 kg/người, cao gấp 4 lần mức tiêu thụ ở nước ta. Được biết, quốc gia này chủ yếu là người Hồi giáo nên có nét đặc thù tiêu thù thực phẩm của họ. Tuy vậy một số nước khác như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc bình quân tiêu thụ 11,8 – 38,3 kg/người/năm. Đối với các nước trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), lượng tiêu thụ gia cầm bình quân là 26,5 kg/người/năm, cao hơn nhiều so mức tiêu thụ ở nước ta.

Ở Việt Nam, mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm còn thấp. Mức tiêu thụ trứng năm 2019 bình quân gần đạt 130 quả/người/năm, bằng khoảng 60% của bình quân tiêu thụ của châu Á.

Phải nói rằng, người Việt Nam vẫn có thói quen tiêu thụ thịt heo trong bữa ăn cao hơn so với các thực phẩm khác (60%). Thịt gia cầm vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp trong bữa ăn hàng ngày. Vì sao? Có phải do giá cả chưa phù hợp hay cách tiếp cận chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng?

Yếu tố dịch bệnh như cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, đặc biệt gần đây là dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm của người tiêu dùng. Do dịch bệnh phải thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa, các nơi tiêu thụ lượng gia cầm lớn như các bếp ăn tập thể, nhà máy, xí nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn, lễ hội… đều bị ngừng trệ nên mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm giảm đi rất lớn.

Chăn nuôi gia cầm Việt Nam vẫn mang tính manh mối, tự phát nên nhiều khi tăng đàn dẫn đến khó kiểm soát sự dư thừa giữa cung và cầu. Năm 2019, khi Dịch tả heo châu Phi (ASF) lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gia cầm, vì gia cầm vòng quay ngắn nên tăng đàn rất nhanh, có nơi có tỉnh tăng đàn trên 10 -14%. Ngoài ra, giá sản phẩm gia cầm chưa phù hợp do phí dịch vụ trung gian còn quá cao đẫn đến giá tại điểm tiêu thụ chênh lệch quá lớn, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người tiêu dùng.

 

Làm gì để tăng tiêu thụ?

Phải nói rằng, những năm gần đây ngành chăn nuôi gia cầm có bước phát triển nhảy vọt, tăng bình quân hàng năm trên 5%, đưa tổng đàn gia cầm lên 478 triệu con, 1,2 triệu tấn thịt và trên 13 tỷ quả trứng. Như vậy, với mức tăng trưởng này ngành sản xuất gia cầm có khả năng đáp ứng nâng cao mức tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Mức tiêu thụ trứng trung bình theo đầu người năm 2015 (kg)

Sản phẩm gia cầm là thực phẩm bổ dưỡng cần được người tiêu dùng sử dụng đúng cả về giá trị và số lượng. Muốn vậy, cần có sự đột phá cải tổ và hoàn thiện trong toàn bộ phân khúc của chuỗi sản xuất này, từ cơ sở sản xuất đến hệ thống phân phối cuối cùng. Bài học của ngành sữa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, đó là hình thành hệ thống sản xuất chế biến hoàn chỉnh tạo ra đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Vậy, điều quan trọng để người tiêu dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm gia cầm là phải giảm bớt phí trung gian để giá sản phẩm phù hợp. Muốn vậy, cần xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó quyền lợi được phân bổ công bằng. Muốn làm được điều này các doanh nghiệp lớn cần phát huy thế chủ động đi đầu và hoàn thiện dây chuyền kết nối từ sản xuất đến sản phẩm cuối cùng. Một số tập đoàn, công ty, doanh nghiệp như C.P, Dabaco, Ba Huân, Trại Việt, Sơn Hà… đã làm được, nhưng cần phải mở rộng mạng lưới phân phối rộng hơn nữa để người dân dễ tiếp cận mua sản phẩm.

Sản phẩm cuối cùng được bán tại các điểm phải đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, tươi mát, đảm bảo vệ sinh, đóng gói cẩn thận, đa dạng sản phẩm (từ nguyên con, chặt miếng, đầu, cánh, chân riêng…)

Muốn làm tốt việc này phải có sự chung tay kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hiệp hội ngành hàng, ngành công thương cùng các địa phương để sản phẩm gia cầm dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Truyền thông làm tốt công tác quảng bá sản phẩm ở các siêu thị, cửa hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiện lợi chế biến để đưa vào bữa ăn hàng ngày trong thời đại công nghiệp hóa. Những sản phẩm chế biến sẵn sẽ tạo điều kiện cho các nhà ăn tập trung như trường học, nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện… sử dụng dễ dàng và nhiều hơn. Cần có số liệu thống kê sản xuất gia cầm chính xác trên cơ sở đó để xây dựng chiến lược phát triển đúng hướng với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ liên quan đẩy mạnh truyền thông để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng dùng trứng và thịt gia cầm, giảm thịt heo về mức hợp lý vì đây là xu hướng chung của thế giới.

Bên cạnh đó, để hưởng ứng “Ngày Trứng gia cầm thế giới” hàng năm, đề nghị Bộ NN&PTNT giao cho Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam chủ trì xây dựng và triển khai chương trình “Dinh dưỡng học đường”, trong đó cùng với sữa sẽ đưa trứng gà là một trong các nguồn protein chính vào cơ cấu bữa ăn của học sinh mầm non và tiểu học.

Mặt khác, để người tiêu dùng dễ tiếp cận sản phẩm gia cầm và sử dụng sản phẩm được nhiều hơn, đề nghị Chính phủ và các địa phương có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm gia cầm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thuận tiện cho người tiêu dùng.

Phan Văn Lục

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam