Quỳnh Phụ (Thái Bình): Giá gà thịt tăng, người chăn nuôi phấn khởi
Sau một thời gian dài giá gia cầm sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay giá gia cầm liên tục tăng. Giá tăng phần nào bù đắp được việc giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Có lãi, bà con ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ phấn khởi tăng đàn, chuẩn bị nguồn thực phẩm cho những tháng cuối năm và phục vụ dịp tết.
Gia đình anh Trịnh Công Vinh, xã An Vinh là hộ chăn nuôi gà lâu năm của địa phương với quy mô chuồng trại có thời điểm lên đến hơn 1 vạn con. Bình quân mỗi tháng gia đình anh xuất ra thị trường từ 5 – 7 tấn gà thịt. Thời điểm này giá gà đang ở mức cao, gia đình anh vừa xuất bán một lứa với giá 90.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ chi phí vẫn cho thu lãi 20.000 đồng/kg. Phấn khởi vì giá gà tăng, ngay sau khi xuất bán, gia đình anh đã phân loại gà, vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại, tiếp tục tái đàn để chuẩn bị cho lứa gà tết sắp tới. Anh Vinh chia sẻ: Trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc chăn nuôi của các gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá gà thịt chiều hướng tăng hơn trước, từ 50.000 đồng/kg cách đây khoảng 4 – 5 tháng giờ lên 90.000 đồng/kg. Giá gà thịt tăng không chỉ gia đình tôi mà tất cả các hộ chăn nuôi trong huyện đều rất phấn khởi. Tuy nhiên, thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá gà giống cao nên lợi nhuận trong chăn nuôi có nhưng chưa được như kỳ vọng. Sau khi xuất bán, gia đình vẫn duy trì việc tái đàn nhưng sẽ thận trọng chỉ ở mức độ ổn định chứ không tái đàn ồ ạt bởi khả năng thị trường gà trong thời gian tới xuất bán cũng nhiều.
Gia đình bà Bùi Thị Là, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) chăm sóc đàn gà chuẩn bị xuất bán.
Còn đối với gia đình bà Bùi Thị Là, xã Quỳnh Hoàng tuy chưa có gà xuất bán trong thời điểm này nhưng gia đình bà đang tràn đầy hy vọng với 3.000 con gà, chỉ gần 1 tháng nữa là có thể xuất bán. Vì vậy, việc chăm sóc được gia đình quan tâm đặc biệt, bảo đảm đàn gà khỏe mạnh, không bị dịch bệnh và có chất lượng thịt ngon. Bà Là tâm sự: Gà nhà tôi đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Hàng ngày cho ăn đầy đủ và thức ăn cũng không dùng chất kích thích, tăng trọng mà thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Sau khi xuất bán hết, tùy vào tình hình thực tế, nếu giá gà thịt vẫn ở mức cao gia đình sẽ tái đàn chuẩn bị cho dịp cuối năm.
Theo các hộ chăn nuôi trong huyện chia sẻ, thời gian này tuy giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao từ 330.000 – 350.000 đồng/1 bao nhưng giá gà lông màu cũng đang được giá từ 85.000 – 95.000 đồng/kg, vì vậy sau khi trừ chi phí người chăn nuôi vẫn có lãi. Giá gà đang ở mức cao cùng với đó là sự chủ động chuẩn bị thực phẩm dịp cuối năm nên nhân dân đang tập trung tái đàn. Tuy nhiên, hiện tại giá gà giống cũng khá cao, tùy giống và độ tuổi, gà lông màu nhặt xô đang có giá 17.000 – 20.000 đồng/con và 25.000 – 30.000 đồng/con đối với gà trống đã lọc.
Toàn huyện Quỳnh Phụ có 81 trang trại chăn nuôi gia cầm với số lượng từ 1.000 con trở lên. Ông Nguyễn Văn Duy, Quyền Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện khuyến cáo: Đối với quy trình chăn nuôi gà thịt có 3 yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi đó là con giống, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng, chống dịch bệnh. Đối với con giống cần chọn con có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở sản xuất giống có uy tín trên thị trường. Đối với quy trình chăm sóc, về chuồng trại người chăn nuôi lưu ý vấn đề thời tiết giao mùa để chống nóng và chống rét cho vật nuôi, chuồng trại cần vệ sinh sạch sẽ. Về thức ăn chăn nuôi lựa chọn thực phẩm đã được các cấp có thẩm quyền chứng nhận lưu hành và đánh giá tốt trên thị trường. Trong phòng, chống dịch bệnh, lưu ý đến tiêm phòng vắc-xin, nhất là những bệnh nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm phải thực hiện tiêm phòng theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Trong quá trình tái đàn cũng như nhập mới, bà con cần phải có kế hoạch chăn nuôi rõ ràng, tránh trường hợp cung vượt quá cầu dẫn tới khó tiêu thụ sản phẩm. Từ nay đến cuối năm, dù nguồn cung tăng lên song giá gà vẫn có thể duy trì ở mức cao do hiện nay, các hoạt động kinh doanh dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ, nhất là gần đến cuối năm nhu cầu về thực phẩm này tăng mạnh. Vì vậy, việc chú trọng tái đàn ngay sau khi xuất bán là rất cần thiết, song các hộ cũng cần tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nghiêm túc chấp hành lịch tiêm vắc-xin và thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng để bảo đảm hiệu quả chăn nuôi.
Nguyễn Cường
Nguồn: Báo Thái Bình