Phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng

Vịt Cổ Lũng là giống vịt đặc sản ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá nhưng chỉ được bà con ở đây nuôi nhỏ lẻ, giống cũng bị lai tạp nhiều nên có nguy cơ mai một.

Với niềm đam mê đặc biệt bảo tồn và phát triển các loại gia cầm, thủy cầm đặc sản của Thanh Hóa, sau 7 năm tự bỏ tiền ra nghiên cứu, anh Trương Tiến Hải, phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hoá đã phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng; qua đó, phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo chuỗi giá trị đem lại lợi ích kinh tế cao.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, anh Trương Tiến Hải cầm tấm bằng cử nhân xin vào làm việc tại một doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Ninh Thuận. Hai năm sau mưu sinh xa nhà, năm 2001, anh xin về quê làm giảng viên tại Khoa nuôi trồng Thủy sản, trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá). Trong thời gian công tác, giảng dạy tại Trường Đại học Hồng Đức, anh Hải có điều kiện được đi và thưởng thức nhiều đặc sản của xứ Thanh và thực sự ấn tượng với món ăn vịt Cổ Lũng nổi tiếng thơm ngon tại huyện miền núi Bá Thước.

 

vịt cổ lũng

Giống vịt Cổ Lũng thuần chủng được anh Hải nhân giống ra có màu sắc đồng nhất 95 – 97%, hình dáng cổ to và ngắn, chân ngắn, vịt trống có đầu màu xanh và có khoang cổ, vịt mái có màu sẻ và khoang cổ, sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng tăng lên 1,8kg so với mức 1,3 kg trước đây. 

Vịt Cổ Lũng có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ ngắn và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng, thịt rất thơm ngon. Tuy nhiên, giống vịt này bà con đồng bào vùng cao ở Bá Thước thường chăn nuôi nhỏ lẻ ở sông suối và có nguy cơ mai một. Đó chính là lý do anh Trương Tiến Hải quyết định sẽ tập trung nghiên cứu để phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều này.

Anh Hải đã lặn lội lên vùng đặc sản vịt Cổ Lũng ở huyện Bá Thước để tìm hiểu về giống vịt này. Qua nghiên cứu, anh nhận thấy vịt Cổ Lũng đã bị lai tạp với vịt Bầu đất, Bầu cánh trắng, vịt siêu trứng, tỷ lệ lai tạp chiếm đến trên 60%. Nhận thấy loài vịt này có thể phục hồi được nguồn gene, anh đã quyết định đem về cho sinh sản, lai tạo giống thuần chủng với tỷ lệ 1 trống, 5 mái.

Sau khi lai tạo được giống thuần chủng và cung cấp con giống ra thị trường, tháng 3/2016, anh Hải quyết định đầu tư, vay hơn 1 tỷ đồng thuê gần 4.000 m2 đất ở phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa để mở trang trại nuôi giống vịt Cổ Lũng đặc sản này.

Khởi điểm với 120 con vịt Cổ Lũng giống gốc, sau một thời gian dài nghiên cứu, chọn tạo, đến nay anh Hải đã là chủ của trang trại vịt Cổ Lũng với hàng chục nghìn con vịt thuần chủng. Giống vịt Cổ Lũng thuần chủng được anh Hải nhân giống ra có màu sắc đồng nhất 95 – 97%, hình dáng cổ to và ngắn, chân ngắn, vịt trống có đầu màu xanh và có khoang cổ, vịt mái có màu sẻ và khoang cổ. Vịt có sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng đạt 1,8 kg, tăng 0,5 kg so với giống vịt cũ.

phục tráng vịt cổ lũng
Với giá bán ra thị trường là 80 – 95 nghìn đồng/1kg, mỗi năm, anh Hải bán khoảng 8.000 con vịt thịt đồng thời cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 8.000-10.000 con vịt giống với giá 13.000 – 15.000 đồng/con.

Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc giống vịt thuần chủng, anh Hải cho biết, khâu chọn trứng đưa vào sinh sản cực kỳ quan trọng. Khi trứng nở thành con non thì chọn con không bị hở rốn và không bị bệnh tật. Sau khi vịt nở được 1 tuần tuổi thì cho vịt ăn cám mảnh với độ đạm 25%. Sau đó, cho vịt ăn cám viên từ tháng thứ 2 trở lên, bắt đầu từ tháng thứ 3 thì cho ăn với tỷ lệ 30% ngô, 30% lúa, cám. Từ tháng thứ 4 thì lại chuyển sang cho ăn theo chế độ 40% ngô, 40% lúa, 20% cá, sau đó xay nhuyễn ủ lên men kết hợp ăn thêm rau xanh để vịt đỡ bị mỡ, thịt thơm hơn và luôn giữ được trọng lượng bình quân khi xuất chuồng đối với vịt trống là 1,8 – 2,2 kg, vịt mái là 1,6 kg.

Vịt Cổ Lũng được nuôi chăn thả 4 tháng là có thể xuất bán. Hiện nay, giá bán ra thị trường là 80.000 – 95.000 đồng/kg, mỗi năm anh bán khoảng 8.000 con vịt thịt. Ngoài ra, trang trại của anh Hải cũng cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 8.000 – 10.000 con vịt giống với giá 13.000 – 15.000 đồng/con. Hàng năm trừ chi phí anh Hải thu về khoảng 300 – 400 triệu đồng từ nuôi vịt Cổ Lũng.

Nói về mô hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình anh Trương Tiến Hải, bà Đỗ Thị Trang, Chủ tịch UBND phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hoá cho biết, địa phương đánh giá rất cao hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình này. Địa phương sẵn sàng xác nhận các thủ tục giấy tờ để tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình anh tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển và nhân rộng mô hình. Hàng năm, phường có tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt và mời anh Hải đến chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích bà con làm theo.

Giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa hay phường Quảng Thành… Khi cung cấp giống cho bà con, anh Hải đều hướng dẫn cách chăm sóc và tiêm phòng cho vịt đầy đủ. Ngoài trang trại chăn nuôi tại phường Quảng, anh Hải còn thuê đất mở trang trại tại huyện Triệu Sơn và huyện Thạch Thành để chăn nuôi và trồng chuối, ngô chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi…

Khiếu Tư

Nguồn: TTXVN