Phú Yên: Giá trứng lao dốc, người nuôi bán tháo đàn chim cút
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến giá trứng cút đang xuống thấp chưa từng thấy. Để thu hồi vốn, nhiều hộ dân gấp rút bán tháo cả trang trại chim cút mái, dù lỗ hàng trăm triệu đồng.
Càng nuôi càng lỗ
Hơn 20 năm sống bằng nghề nuôi chim cút đẻ trứng, bà Lê Thị Cương ở khu phố Mỹ Hòa, phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa cho biết, năm nay là năm khó khăn nhất khi bà phải bán tháo hàng ngàn con chim cút mái do bù lỗ quá nhiều nhưng không ai mua.
“Gia đình tôi nuôi 15.000 con chim cút mái đẻ trứng. Trước khi xảy ra dịch, thương lái về tận nhà thu mua với giá 40.000 – 45.000 đồng/100 trứng, chim đẻ không đủ bán. Còn từ đầu tháng 3 đến nay, giá trứng cút ngày càng giảm, thương lái chỉ thu mua với giá 25.000 – 30.000 đồng/100 trứng ăn. Trong khi giá thức ăn nuôi chim lại lên. Mỗi ngày, riêng tiền cám nuôi chim nhà bà mất khoảng 3 triệu đồng, một tháng gần 90 triệu đồng. Bán trứng không đủ tiền mua cám cho chim ăn”, bà Cương chia sẻ.
Giá trứng cút ngày càng giảm, khiến nhiều hộ nuôi phải bán tháo đàn. Ảnh: Ngọc Hân
Cũng nuôi chim cút để phát triển kinh tế, ông Lê Văn Diệm ở khu phố Uất Lâm, phường Hòa Hiệp Bắc cho biết gia đình ông cũng phải bán tháo hơn phân nửa số chim cút đang nuôi. “Hơn 10 năm nuôi chim cút đẻ trứng, chưa năm nào chúng tôi khó khăn như năm nay. Để nuôi chim cút đẻ trứng, riêng tiền giống tôi đã mất 10.000 đồng/con, nuôi tiếp 70 ngày sau cút mới đẻ trứng. Vậy mà lúc chim cho thu hoạch trứng thì giá lại xuống thấp chưa từng thấy. Bán chim mái đẻ chỉ có 8.000 đồng/con, tức là mỗi con chim cút tôi bị lỗ 2.000 đồng, chưa kể tiền cám, tiền chăm sóc mấy tháng trời không công”, ông Diệm thở dài.
Theo ông Diệm, để hòa vốn thì giá trứng cút phải từ 35.000 đồng/100 trứng, giá chim thịt phải trên 12.000 đồng/con. Dù biết lỗ nhưng các hộ dân nuôi chim cút như nhà ông Diệm vẫn phải bán để thu hồi vốn. “Mỗi ngày, bình quân 1.000 con chim ăn hết 1 bao cám, với giá 275.000 đồng/bao, tính ra nếu nuôi 12.000 con phải tốn hết 3,3 triệu đồng, chưa kể điện, nước, dọn dẹp chuồng trại; vậy mà thu hoạch khoảng 11.000 trứng bán chưa được 3 triệu đồng. Chúng tôi đành phải bán vội chứ càng nuôi càng lỗ nặng”, ông Diệm nói.
Cần hỗ trợ vốn
Theo ông Ngô Thành Công, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Bắc, địa phương có nghề truyền thống nuôi chim cút đẻ trứng và cung cấp con giống. Toàn phường có khoảng 400 hộ nuôi, mỗi hộ nuôi từ 1.000 – 12.000 con. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trứng cút không thể tiêu thụ hết, dẫn đến người nuôi thua lỗ phải bán tháo đàn. Hiện nay, nhiều hộ đã giảm gần 50% tổng đàn hoặc nghỉ hẳn vì không còn vốn để nuôi. “Trước tình trạng này, để duy trì số lượng trang trại cút hiện có, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động nông dân nắm bắt nhu cầu của thị trường và hạn chế quy mô đàn cút cho phù hợp”, ông Công cho biết.
Là một người chuyên thu mua trứng và chim cút giống của bà con để phân phối ra thị trường, bà Lê Thị Hội ở phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Hiện giá trứng cút và giá chim cút giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Xe khách đi các tỉnh thì không chạy; đám tiệc, cưới hỏi, hàng quán tạm ngừng hoạt động, nên lượng khách ổn định của gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Muốn tiêu thụ giúp bà con nhưng không thể, tôi chỉ mua được phần nào thôi”. Theo bà Ngô Thị Sen ở khu phố Mỹ Hòa, hiện mỗi ngày để duy trì đàn, gia đình bà cũng như nhiều hộ khác phải chấp nhận lỗ vốn. “Muốn tiếp tục duy trì nghề chăn nuôi cút này, tôi rất mong các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ; đồng thời đề nghị hội nông dân cấp trên tiếp tục phân bổ nguồn vốn quỹ hỗ trợ để nông dân có điều kiện vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất”, bà Sen nói.
Ông Võ Tấn Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, một số mặt hàng sản xuất chăn nuôi của nông dân bị thua lỗ rất nặng. Hiện hội đang rà soát lại tình hình chăn nuôi cút trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc và tìm cách hỗ trợ nông dân nuôi cút đối phó với cuộc khủng hoảng giá. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng, chính quyền các cấp sớm lên phương án hỗ trợ cho bà con nông dân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và có điều kiện tái sản xuất. Đặc biệt, ngành Ngân hàng tiếp tục cho bà con vay vốn; với những hộ quá khó khăn, thua lỗ khi nuôi cút thì nên khoanh nợ để bà con có điều kiện tiếp tục sản xuất.
>> Chúng tôi rất mong các ngành chức năng, chính quyền các cấp sớm lên phương án hỗ trợ cho bà con nông dân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và có điều kiện tái sản xuất. Đặc biệt, ngành Ngân hàng tiếp tục cho bà con vay vốn; với những hộ quá khó khăn, thua lỗ khi nuôi cút thì nên khoanh nợ để bà con có điều kiện tiếp tục sản xuất. Ông Võ Tấn Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa |
Ngọc Hân
Nguồn: Báo Phú Yên