Phòng, trị bệnh CRD trên chim cút

Bệnh hô hấp mãn tính (CRD) là bệnh xảy ra phổ biến trên chim cút, làm giảm năng suất và hiệu quả kinh tế.

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma gây ra, vi khuẩn có sức đề kháng yếu, hầu hết các chất sát trùng đều có khả năng tiêu diệt Mycoplasma như: phenol, formol, thuốc sát trùng chuồng trại Biodine, virkon, Benkocid… Mycoplasma chủ yếu tồn tại ở trong cơ thể và gây bệnh, chúng chỉ sống được 1 – 3 ngày khi đã ra khỏi cơ thể, trong dịch nhầy chúng tồn tại lâu hơn (khoảng 4 – 5 ngày), trong lòng đỏ trứng tồn tại đến 18 ngày.

Bệnh CRD gây viêm đường hô hấp từ xoang mũi, thanh quản. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, lây nhiễm từ đàn này qua đàn khác do tiếp xúc trực tiếp hoặc do không khí, thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, người nuôi mang mầm bệnh… Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua trứng, tỷ lệ đến 10 – 60%. Bệnh phát triển mạnh khi điều kiện ngoại cảnh bất lợi, nhiễm ghép với các loại bệnh khác như E.coli, Salmonella hoặc Gumboro.

Chim cút bị bệnh CRD có tỷ lệ tử vong không cao, nhưng việc kiểm soát CRD là rất quan trọng, bởi nó tạo cơ hội cho các vi sinh vật khác phát triển và gây bệnh trên chim cút. Bệnh làm giảm năng suất chăn nuôi, kéo dài thời gian điều trị làm tăng chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế.

Mật độ nuôi chim cút vừa phải, không quá đông  – Ảnh: MF

 

Triệu chứng

CRD có thời gian ủ bệnh lâu, khoảng 5 – 10 ngày. Bệnh phát triển nhanh khi thể trạng chim cút giảm, thời tiết bất lợi, không khí chuồng nuôi nhiễm nhiều khí độc hại… hoặc kết hợp với các bệnh khác liên quan đến đường hô hấp.

Chim cút nhiễm bệnh có biểu hiện khó thở, giảm ăn, chảy nước mũi, tỷ lệ đẻ giảm. Bệnh nặng, cút bỏ ăn và chết. Bệnh dễ nhầm với bệnh cảm cúm ở cút, nếu cho uống nước gừng, sả càng làm cho đàn cút bị lây lan nhiều và thiệt hại càng lớn.

Ngoài ra, khi bị bệnh CRD, chim cút sẽ dễ bị nhiễm E.coli kế phát làm cho tình trạng sức khỏe nhanh chóng suy giảm.

Nếu mổ dọc đường hô hấp từ xoang mũi vào tới phổi thấy có dịch nhầy rất nhiều. Phổi bị phù thũng nếu bệnh nặng, thành túi hơi dày lên và có kén trắng.

 

Phòng và trị bệnh

Lựa chọn giống chim cút không bị nhiễm Mycoplasma, nên mua ở những cơ sở có uy tín, chất lượng.

Chuồng trại phải thông thoáng, có ánh nắng chiếu vào, tránh tích tụ các khí độc như NH3, H2S… các khí này gây tổn hại ở xoang mũi, thanh khí quản… sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh CRD và các bệnh hô hấp khác. Vào mùa mưa, cần che chắn kỹ không để gió lùa và mưa tạt vào chuồng. Giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nhất là đối với đàn cút con trong giai đoạn 2 – 6 tuần tuổi và đàn cút đang đẻ trứng.

Ðịnh kỳ vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng Formalin 2 – 3%, Iodine 0,5% hoặc Cloramin T 0,5 – 2%… toàn bộ nền và tường chuồng nuôi.

Thực hiện nguyên tắc cùng ra cùng vào; Dọn vệ sinh sạch sẽ, sát trùng dụng cụ chăn nuôi sau mỗi đợt xuất chuồng, để trống chuồng trại 10 – 15 ngày mới nuôi tiếp đợt khác.

Nuôi chim cút với mật độ vừa phải, không nhốt quá đông, cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, nước uống sạch sẽ, tạo điều kiện ngoại cảnh tối ưu cho chim cút tránh stress.

Bổ sung Vitamin C, chất bổ trợ để tăng sức đề kháng, giảm stress và tạo miễn dịch tốt cho chim cút nuôi.

Khi phát hiện chim cút bị CRD, cần tách riêng những con bị bệnh để điều trị. Phun thuốc sát trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi liên tục 2 – 3 lần trong tuần đầu. Hạn chế ra vào khu vực chuồng nuôi.

Sử dụng một trong các loại thuốc sau để điều trị: Doxycycline, Tiamuline hoặc Colistine liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kết hợp bổ sung thêm chất điện giải và vitamin để tăng sức kháng bệnh cho đàn gà. Tăng độ thông thoáng và giảm bớt mật độ nuôi nhốt, hạn chế tất cả các yếu tố có thể gây stress cho đàn gà.

Thái Thuận