Phòng chống bệnh cúm A/H5N8

Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm do các chủng virus cúm gây ra. Chúng có thể tấn công các loài chim, nhưng cũng có thể lây nhiễm sang người. Sự lây nhiễm xảy ra khi con người tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các trang trại tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để tránh lây nhiễm virus cúm A/H5N8 cho con người.

H5N8 là chủng virus có khả năng lây nhiễm cao ở gia cầm. Chủng virus này được phát hiện tại một số nước Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2014 và lây lan sang gia cầm nuôi. Các vụ dịch cúm gia cầm độc lực cao A, (H5N8) đã được báo cáo ở Nga, châu Âu, Trung Quốc, Trung Ðông và Bắc Phi trong những tháng gần đây, nhưng chỉ ở gia cầm và chim hoang dã. Các virus cúm gia cầm độc lực cao khác, chẳng hạn như H5N1, H5N6 và H7N9, đã được lây truyền từ động vật sang người.

Ảnh: Istockphoto

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Ðức, Áo, Croatia và Thụy Sĩ đã có báo cáo chính thức về bùng phát dịch cúm gia cầm, gây quan ngại rằng các loài chim và gia cầm hoang dã bị lây nhiễm chủng virus đặc biệt nguy hiểm này.

Trong một báo cáo, Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, chủng virus H5N8 đã được phát hiện ở những loài chim hoang dã tại Hungary, Ba Lan, Ðức, Croatia, Hà Lan và Ðan Mạch. Áo và Thụy Sĩ đã áp dụng các biện pháp phòng tránh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan sang gia cầm nuôi sau khi phát hiện vịt trời ở khu vực hồ Constance bị nhiễm virus H5N8.

Vừa qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cũng có thông báo rằng Nga đã ghi nhận 7 công nhân ở trang trại nuôi gà nhiễm virus cúm A H5N8. Ðây là nhóm virus cúm A độc lực cao. Virus này đã lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016 nhưng đây là báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm H5N8 từ gia cầm sang người. Ðặc biệt, tất cả 7 bệnh nhân nói trên đều không có triệu chứng. Ðến nay, chưa có bằng chứng virus H5N8 gây bệnh nặng ở người hay lây truyền từ người sang người. Ðây là báo cáo đầu tiên về căn bệnh này ở người và có bằng chứng xác thực là bệnh do gia cầm truyền.

Theo thông tin của OIE và FAO, tính đến tháng 6/2021, tổng cộng đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng virus này gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch cúm gia cầm do các chủng virus khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam).

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Ðây là lần đầu tiên cúm gia cầm A/H5N8 được ghi nhận tại Việt Nam, chủng virus này có động lực cao và tốc độ lây lan nhanh.

Virus cúm A/H5N8 được phát hiện từ gia cầm được chăn thả trên khu vực rộng, đặc biệt được phát hiện từ giám sát chủ động tại chợ buôn bán gia cầm, nơi việc giết mổ, buôn bán gia cầm diễn ra thường xuyên, điều kiện thú y không đảm bảo, nên việc truy xuất gia cầm mắc bệnh để tiêu hủy gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động giao thông buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao… Trước thực tế này, Bộ NN&PTNT nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ cao cúm gia cầm A/H5N8 lây lan trên diện rộng.

TS. Satoko Otsu, Ðiều phối viên nhóm Các Bệnh truyền nhiễm và Tình trạng y tế khẩn cấp của WHO cho biết: Dù nguy cơ lây nhiễm sang người đối với virus cúm A/H5N8 ở Việt Nam là rất thấp, nhưng vẫn cần cảnh giác và tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân để phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Ðể phòng tránh lây nhiễm cúm H5N8, FAO và WHO khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực nuôi; Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng cho gia cầm. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Cần báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường. Không cho khách vào khu vực nuôi…

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch

Học viện Nông nghiệp Việt Nam