Phòng bệnh thiếu vitamin ở gia cầm

Mặc dù chỉ chiếm một lượng nhỏ nhưng nếu thiếu các vitamin cần thiết, gia cầm có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất và hiệu quả kinh tế nếu không được bổ sung kịp thời.

Triệu chứng khi thiếu vitamin

Vitamin là chất có hoạt tính sinh học cao cần thiết cho các quá trình trao đổi chất trong cơ thể sống, đồng thời tham gia và cấu trúc của các nhóm enzyme xúc tác các phản ứng sinh hóa trong quá trình đồng hóa, dị hóa, quyết định sự sinh trưởng, sinh sản và tính kháng bệnh của gia cầm. Khi gia cầm thiếu vitamin thường sẽ xuất hiện các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, khiến người chăn nuôi khó phát hiện.

Vitamin A tham gia trực tiếp vào quá trình điều hòa trao đổi protein, lipid và glucid, cần thiết cho hoạt động bình thường của tuyến giáp. Biểu hiện thường thấy của bệnh thiếu vitamin này là gia cầm chậm lớn, đi run rẩy, ở gà còn xuất hiện hiện tượng mào khô và nhợt nhạt. Vì đóng vai trò quan trọng với cơ thể vật nuôi nên khi thiếu Vitamin A lâu ngày gia cầm dễ mắc các bệnh về đường hô hấp hay bệnh nhiễm trùng.

Vitamin D là chất xúc tác chính của quá trình gắn canxi, photpho và magie vào xương. Thiếu vitamin này chính là nguyên nhân gây ra các bệnh còi xương ở gà, vịt, khiến xương dễ gãy, vỏ trứng mỏng hay lòng trắng trứng loãng, ảnh hưởng đến tỷ lệ nở khi ấp.

Vitamin E giúp ngăn cản quá trình ôxy hóa, bảo vệ các hợp chất sinh học và các acid béo, tăng cường sự hấp thu các Vitamin A và D. Khi gia cầm thiếu Vitamin E dễ bắt gặp các tình trạng bị nghẹo đầu, mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng, hoại tử cơ trắng vùng cơ ức và cơ đùi, vào mùa sinh sản sẽ gây giảm tỷ lệ thụ tinh và sản lượng trứng. Có thể dựa trên các dấu hiệu sau đây để nhận biết chứng thiếu Vitamin E tại đàn gia cầm:

• Số lượng trứng đẻ giảm

• Trứng đem ấp phôi thường chết vào ngày thứ 4.

• Dịch hoàn bị thoái hóa ở con trống.

• Có dấu hiệu rối loạn vận động, đi giật lùi hay đầu chúi xuống đất, co giật nhanh, ngón chân co quắp.

• Ðầu ngoẹo ra sau hoặc xuống bụng; một số trường hợp sưng phù ở đầu, cổ và ngực.

Gia cầm rất cần Vitamin B1, khi thiếu loại hợp chất dinh dưỡng này sẽ dẫn đến triệu chứng đi đứng khó khăn, phù nề do tích nước dưới da nhiều, nhu động ruột kém nên tiêu hóa kém khiến gia cầm ăn ít, về sau khi bệnh càng nặng có thể gây co giật và chết.

Khi cơ thể gia cầm thiếu Vitamin B6 sẽ xảy ra tình trạng kém ăn, chậm phát triển, trọng lượng cơ thể giảm, đẻ chậm và có dấu hiệu thần kinh co giật, bại liệt. Chỉ cần quan sát đàn gia cầm một thời gian có thể nhận ra các dấu hiệu thiếu B6 ở chúng dễ dàng. Ví dụ như tình trạng bỏ ăn kéo dài, lông xù xơ xác, giảm ăn, cánh sã, đầu chúi xuống đất; toàn thân và phần đầu của đuôi hay run rẩy, đi lại cứng nhắc và giật cục hoặc thậm chí là chạy loạn và co giật.

Khi gia cầm thiếu Vitamin B2 gia cầm sẽ bị còi cọc, chậm lớn, lông không mượt, viêm quanh khóe mắt khiến mắt mờ khó khăn. Gia cầm có thể bị giảm tỷ lệ ấp nở, phôi chết nhiều ở ngày ấp thứ 12 – 18, con mới nở bị liệt chân, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động chăn nuôi lấy con giống.

Kiểm tra gia cầm thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời – Ảnh: VM

 

Xử lý

Cách bổ sung vitamin tốt nhất là trộn lẫn vitamin dạng bột/khô trong khẩu phần ăn của gia cầm mỗi ngày – tùy theo số lượng khẩu phần cũng như tính chất của mỗi loại. Trong tình trạng phát hiện bệnh quá muộn, người chăn nuôi có thể sử dụng vitamin dạng nước hoặc tiêm trực tiếp cho gia cầm. Có nhiều cách để bổ sung loại chất dinh dưỡng này cho vật nuôi. Trong đó, phương pháp bổ sung vitamin bằng cách sử dụng thức ăn chứa đầy đủ chất dinh dưỡng thường được ưu tiên sử dụng do tính tiện dụng của chúng.

Cần tìm hiểu kỹ các thành phần dinh dưỡng bên trong thức ăn cũng như bảo quản đúng cách trong quá trình sử dụng. Bên cạnh việc đảm bảo thức ăn chứa đủ dinh dưỡng, có thể chữa bệnh gia cầm thiếu vitamin bằng cách sử dụng thuốc đặc trị bổ sung các chất dinh dưỡng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc cung cấp vitamin hỗn hợp mà người nuôi có thể dễ dàng sử dụng bằng cách trộn vào thức ăn hay nước uống hàng ngày của vật nuôi.

 

Phòng bệnh và các lưu ý khi bổ sung vitamin

Sử dụng đúng liều lượng: Ở mỗi lứa tuổi hay cân nặng khác nhau, gia cầm sẽ có nhu cầu về lượng vitamin khác nhau. Cần tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo về liều lượng hay cách sử dụng để đảm bảo thuốc phát huy hết tác dụng.

Ðảm bảo không có sự đối kháng: Khi phối hợp sử dụng nhiều loại thuốc bổ sung vitamin khác nhau, cần đảm bảo không có sự đối kháng hay triệt tiêu hiệu quả của nhau giữa các loại. Các nhà dinh dưỡng vật nuôi khuyên răn bạn sử dụng những loại thuốc có cùng cơ chế tác dụng để giữ được hiệu quả của chúng.

Giữ gìn vệ sinh chuồng trại và thức ăn: Bên cạnh việc sử dụng thức ăn hay thuốc bổ sung dinh dưỡng thì việc giữ vệ sinh chuồng trại cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Luôn giữ khu vực chứa thức ăn, nước uống sạch sẽ để đảm bảo chất dinh dưỡng không bị mất hay vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn.

Bích Hòa