Phát triển nuôi vịt bầu thả suối gắn với du lịch cộng đồng

Là nơi có điều kiện tốt để phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, trong những năm qua, người dân ở xã Nghĩa Đô (Bảo Yên – Lào Cai) đã phát triển mô hình nuôi vịt bầu đặc sản thả suối gắn với phát triển du lịch. Nhờ mô hình này, thu nhập từ kinh tế hộ gia đình ở vùng này được nâng cao rõ rệt.

Nghĩa Đô nằm ở phía Đông Bắc huyện Bảo Yên, vốn là một vùng đất lòng chảo, xung quanh là những triền núi cao, trập trùng. Ở đây có những cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu, có dòng suối Nậm Luông quanh năm dồi dào nguồn nước chảy từ xã Tân Tiến, đưa nước về các bản làng. Đây cũng là vùng đất giàu giá trị văn hóa cổ truyền của đồng bào Tày. Vì thế, Nghĩa Đô có khá nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình VAC, VACR gắn với quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng.

Tận dụng điều kiện có sẵn về đồng ruộng, ao suối, trong những năm gần đây, các hộ gia đình dân tộc Tày tại các bản ở xã Nghĩa Đô như Nà Đình, Nà Khương, bản Nà Uốt, Thâm Mạ, bản Ràng, bản Hón, bản Rịa, bản Thâm Luông… đã đưa giống vịt bầu cổ lam vào nuôi với quy mô lớn để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày và cung cấp ra thị trường.

Ban đầu, vịt bầu chỉ được nuôi với số lượng nhỏ tại các hộ gia đình để tự cung, tự cấp nhưng về sau, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của trạm khuyến nông huyện, cán bộ khuyến nông xã, người dân ở xã Nghĩa Đô đã phát triển đàn vịt bầu từ chục con lên tới hàng trăm con. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, huyện Bảo Yên đã thực hiện  các dự án nuôi vịt bầu để tạo thương hiệu sản phẩm tại các bản của Nghĩa Đô. Nhờ các dự án này, các hộ dân nuôi vịt bầu được tư vấn về kỹ nuôi nuôi thả, cung cấp thuốc thú y và sản phẩm đầu ra.

Đây là giống vịt bầu chân ngắn, cổ xanh lam, lông có màu nâu, trọng lượng lớn hơn các giống vịt khác. Đặc biệt, đây là giống vịt có thịt thơm ngon và trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất này.

Vịt bầu cổ lam khi đưa vào nuôi ở Nghĩa Đô khá thuận lợi vì vịt thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu và môi trường ở đây. Khi nuôi, người dân Nghĩa Đô đã chú ý đến khâu chọn giống. Đó phải là những con giống khỏe, nhanh nhẹn, tiếng kêu to. Các hộ gia đình đã tận dụng diện tích vườn nhà gần nguồn nước để làm chuồng, tận dụng ao trước nhà để thả vịt con để cho vịt dễ và nhanh thích nghi với môi trường tự nhiên, hoang dã. Thức ăn sử dụng cho vịt hằng ngày chủ yếu là cám được nấu từ cây chuối rừng, rau khoai, bon khoai và cám gạo, ngô kèm theo lúa.

Khi vịt đã đủ lông, đủ cánh, người dân tại các bản Tày đã lùa đàn vịt ra suối Nậm Luông, dòng suối rộng, sâu, nhiều nước, chảy dài quanh những bản làng và cánh đồng của Nghĩa Đô. Đây là điều kiện để ngày ngày đàn vịt được bơi lội, tìm kiếm thêm thức ăn như cá, cua, ốc ngoài tự nhiên. Vào sau những vụ gặt, đàn vịt được chăn thả trên các cánh đồng để vịt tận dụng nguồn thức ăn từ hạt lúa còn sót lại. Sau một ngày chăn thả trên suối, tối vịt lại được lùa về và cho ăn lúa, cám đã chuẩn bị sẵn. Có gia đình vây rào ngay bên ven suối cạnh nhà để vịt vừa được bơi lội, vừa lên bờ. Nhờ cách nuôi này, vịt bầu cổ lam Nghĩa Đô khỏe, nhanh lớn, thịt săn chắc, thơm ngon, không bị hôi như vịt nuôi cố định trong chuồng.

Đến nay, cả xã Nghĩa Đô có tới hàng trăm hộ dân phát triển thành công mô hình nuôi vịt bầu thả suối với hàng ngàn con vịt mỗi lứa. Sau 4-5 tháng, vịt cho thu hoạch vừa đẻ trứng, vừa để lấy thịt. Giá bán tại chỗ giao động từ 200-250 nghìn đồng/kg. Nhờ bán vịt thịt, trứng vịt, thu nhập của các hộ dân ngày càng được nâng lên. Nếu nuôi vịt với quy mô lớn, biết tận dụng những điều kiện có sẵn, nhiều hộ dân có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm từ nuôi vịt bầu. Hiện nay, người dân Nghĩa Đô cung cấp sản phẩm vịt và trứng vịt tại chỗ, tại chợ phiên và bán số lượng lớn cho thương lái để đưa sản phẩm vịt bầu ra thị trường gần xa. Với cách nuôi thả, vịt bầu Nghĩa Đô từ lâu đã tạo được thương hiệu, trở thành đặc sản nổi tiếng.

Nuôi vịt bầu mang lại thu nhập cao cho người dân xã Nghĩa Đô

Bên cạnh đó, người dân Nghĩa Đô rất năng động nên đã phát triển đàn vịt bầu theo hướng gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Với tiềm năng sẵn có là những bản nhà sàn và không gian thơ mộng, khi khách đến thăm quan, các gia đình đã chế biến các món ăn đậm đà dư vị từ vịt bầu cổ lam như món vịt lam trong ống nứa, vịt hấp, vịt nướng, vịt om sấu mẻ, vịt luộc… Món ăn từ vịt khá hấp dẫn và làm nức lòng du khách khi đến thăm. Đây là điều kiện để người dân ở Nghĩa Đô phát triển kinh tế nông nghiệp, đa dạng các mô hình và tăng thêm nguồn thu nhập chính đáng.

Nguyễn Thế Lượng – Trường THPT Hạ Hòa – Phú Thọ

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia