Phát triển ngành chăn nuôi: Khác biệt từ dinh dưỡng

Dinh dưỡng là một trong ba yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của chăn nuôi. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng mà ngành chăn nuôi đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Vai trò quan trọng

Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn có thể chiếm tới 70% tổng giá thành sản phẩm. Để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, giá thành thấp thì khoa học dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng. Bởi vật nuôi sinh trưởng và phát triển chịu tác động trực tiếp bởi tính hoàn hảo của thức ăn. Khi đảm bảo đúng nhu cầu dinh dưỡng cho vật nuôi thì con vật sinh trưởng và phát triển tốt, thời gian nuôi ngắn, khối lượng xuất chuồng cao và mang lại hiệu quả kinh tế. Ngược lại nếu không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, vật nuôi sẽ chậm phát triển, đề kháng kém dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao, và nghiêm trọng là có thể gây chết hàng loạt nếu thiếu những thành phần dinh dưỡng quan trọng trong thời gian dài. Hoặc đối với vật nuôi làm giống có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của con vật, giảm sức sống của tinh trùng, tế bào trứng, giảm khả năng thụ tinh, chết thai, sẩy thai…

Dinh dưỡng là chìa khóa thành công trong chăn nuôi Ảnh: IE

Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, hiện nay, Việt Nam chỉ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp. Điều này khiến người dân phải mua TĂCN với giá cao hơn từ 15 – 20% so với các nước trong khu vực. Toàn bộ ngô nhập về dùng cho sản xuất TĂCN, đậu nành hạt nhập về để ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì. Trong đó, sản xuất ngô trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40 – 45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến TĂCN. Theo dự báo, nhu cầu TĂCN của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 9 triệu tấn ngô và sản lượng trong nước vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, với quá trình hội nhập, thuế nhập khẩu đối với ngô sẽ có xu hướng giảm. Tất cả các nhân tố trên sẽ tạo áp lực rất lớn cho sản xuất trong nước. Bởi vậy, đẩy mạnh nghiên cứu về thức ăn để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành là vấn đề cấp thiết.

 

Thực trạng

Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn đã có những tiến bộ đáng kể. Sản xuất thức ăn công nghiệp tăng cả về số lượng tuyệt đối cũng như tương đối so với tổng số thức ăn gia súc tiêu thụ. Những năm gần đây, ngành này tăng trưởng và phát triển khá tốt với mức tăng trung bình đạt 13 – 15%/năm. Có vô số các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất như ngân hàng số liệu về thành phần dinh dưỡng của thức ăn, nhu cầu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Các kết quả này cùng với thành tựu nghiên cứu về giống đã góp phần tăng đáng kể năng suất vật nuôi, giảm chi phí thức ăn.

Những tiến bộ trong dinh dưỡng đang được ứng dụng nhiều trong chăn nuôi  Ảnh: CTV

Nghiên cứu thức ăn dinh dưỡng cho gia súc đã có lịch sử lâu đời. Ngày nay, cùng với sự phát triển của chăn nuôi hiện đại, khoa học về dinh dưỡng ngày càng đạt đến trình độ chuyên sâu cao. Trước thế kỷ XVIII, khoa học hầu như không có vai trò thực tiễn trong dinh dưỡng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghiên cứu trong lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Điển hình như trong chăn nuôi gia cầm, thời gian qua, các nhà khoa học hết sức chú ý tới việc sử dụng enzyme, axit amin tổng hợp, các axit công nghiệp mới trong khẩu phần; đánh giá tác dụng và tác động của các yếu tố không phải dinh dưỡng (như cách thức chế biến, kích thước hạt); tối đa hóa thành phần dinh dưỡng của gia cầm. Cùng với đó là đánh giá chức năng của một số loại thức ăn có thể làm giảm Cholesterol trong thịt và trong trứng. Giảm thiểu sự ảnh hưởng môi trường trong sản xuất gia cầm, tập trung vào phốt pho. Nghiên cứu sự tương tác của vitamin trong khẩu phần (A, C, D và E)…. Hay như một số nghiên cứu tập trung về nghiên cứu khẩu phần ăn của gà trong điều kiện chống stress trở nên rất quan trọng vì có quá nhiều yếu tố gây stress: nóng, lạnh, ẩm, chuyển đàn, tiêm phòng, cắt mỏ… Ngoài ra, các nghiên cứu còn tập trung vào việc làm giảm lượng Cholesterol trong thịt và trứng xuống tới mức cần thiết. Việc sử dụng men phytase để tăng sự tiêu hóa phốt pho trong khẩu phần ăn của gia cầm và giảm thiểu lượng phốt pho thải ra trong phân được tập trung nghiên cứu để giảm sự ô nhiễm môi trường…

 

Xu hướng

Nghiên cứu xác định nhu cầu dinh dưỡng cho các đối tượng gia súc, gia cầm là một việc làm đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bởi con giống ngày càng được cải thiện hơn về năng suất và chất lượng, nhu cầu dinh dưỡng cũng cần được thay đổi để phù hợp. Đồng thời, theo sự phát triển của dinh dưỡng học, trước tiên, cần đáp ứng cho vật nuôi nhu cầu các chất đa lượng trước, sau đó đi sâu nghiên cứu xác định nhu cầu của các chất vi lượng riêng lẻ và mối tương tác giữa chúng trong khẩu phần ăn cho gia súc, gia cầm. Trong đó đặc biệt là nghiên cứu xác định nhu cầu năng lượng, protein và axit amin và mối liên hệ giữa chúng trong khẩu phần ăn. Xác định chính xác nhu cầu các chất dinh dưỡng của con vật và thành phần dinh dưỡng của các loại nguyên liệu thức ăn sẽ cho phép thu hẹp khoảng cách an toàn trong phối hợp khẩu phần để hạ giá thành thức ăn và từ đó hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó, người tiêu dùng sẽ tiếp tục tạo sức ép đến ngành TĂCN qua những quan điểm gay gắt về sản phẩm biến đổi gen (GMOs), kháng sinh, hữu cơ, TĂCN và thực phẩm an toàn, phúc lợi động vật và sự bền vững. Vì vậy, không nằm ngoài xu hướng sản xuất TĂCN của thế giới, trong những năm tiếp theo, các công ty TĂCN sẽ phải tính đến chiến lược hoạt động hiệu quả nhằm đáp lại những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng.

Nghiên cứu về dinh dưỡng trong chăn nuôi đang được ứng dụng nhiều vào lĩnh vực này  Ảnh: IE

Ví dụ đầu tiên là phát minh về tiêm các dưỡng chất dạng nước (dung dịch ovo) cho trứng trong quá trình ấp nở nhằm làm tăng chất lượng cho đàn gà con sau khi nở là một kỹ thuật rất sáng tạo được nghiên cứu gần 20 năm nay trên thế giới. Xu hướng này chắc chắn sẽ được ứng dụng nhiều trong tương lai ngành chăn nuôi gia cầm bởi nếu có thể tác động lên gà ngay từ giai đoạn ấp nở thì số ngày nuôi càng giảm và thời gian tiếp thị thịt gà tới người tiêu dùng càng ngắn. Dinh dưỡng từ giai đoạn phôi bào có thể được coi là cuộc cách mạng trong ngành chăn nuôi gia cầm. Giống như sự phát triển của premix trong dinh dưỡng vật nuôi trước kia, các dung dịch ovo cung cấp chất dinh dưỡng và các hợp chất có hoạt tính sinh học khác giúp tăng cường dưỡng chất có trong trứng. Các chất dinh dưỡng này bao gồm từ carbohydrate đến amino axit, vitamin và khoáng chất, ngoài ra, các chất như probiotic và các hợp chất như axit butyric cũng đang được thử nghiệm với kết quả đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, để kỹ thuật này trở thành xu hướng chủ đạo trong chăn nuôi gia cầm hiện đại, chúng ta cần rất nhiều nghiên cứu và hiểu biết rõ ràng hơn nữa về quy trình chi tiết và lợi ích cụ thể của nó.

Trong lĩnh vực dinh dưỡng cho gia cầm, theo GS. TS Vũ Duy Giảng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giảm protein thô trong khẩu phần TĂCN gia cầm đang là xu hướng của dinh dưỡng vật nuôi với nhiều lợi ích thiết thực như: bảo vệ sức khỏe đường ruột, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa; giảm ammoniac chuồng nuôi; giảm phát thải nhà kính; giảm tiêu thụ nước; giảm sức ép nhập khẩu đậu tương và các sản phẩm đậu tương. Cùng đó, tận dụng phụ phẩm là điều vô cùng quan trọng trong chiến lược dinh dưỡng vật nuôi. Ví dụ như một doanh nghiệp dinh dưỡng hàng đầu thế giới đã đem hạt nhãn sang phòng thí nghiệm tại Mỹ để phân tích những dưỡng chất có trong loại hạt này. Đây có lẽ là điều chúng ta chưa từng nghĩ tới, nhưng đã đến lúc cần quan tâm. “Tiếp theo là chúng ta cần xây dựng chiến lược dinh dưỡng vật nuôi trên cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm, khi chiếm lòng tin của người tiêu dùng, họ sẵn sàng mua với giá cao hơn”, GS. TS Vũ Duy Giảng khẳng định.

Đối với gia súc, trong tương lai, người nuôi cũng cần cung cấp nhiều thức ăn thô xanh và ít thức ăn hạt ngũ cốc hơn để giảm áp lực cạnh tranh với con người, khi dân số gia tăng thì nhu cầu về lương thực là các hạt ngũ cốc cũng tăng lên. Sự thay đổi trong cách nuôi dưỡng gia súc là điều rất cần thiết. Các thay đổi sẽ theo các hướng lệ thuộc vào thức ăn thô xanh và ít hơn vào thức ăn hạt. Gia súc nhai lại có thể chịu được sự chuyển đổi này một cách dễ dàng, chúng tiêu thụ chất thô, chuyển đổi một lượng khổng lồ các chất liệu thô và các phế phụ phẩm thành protein chất lượng cao trong thịt và sữa.

Loại bỏ kháng sinh kích thích tăng trưởng và chữa bệnh trong ngành chăn nuôi tiếp tục trở thành chủ đề nóng với các hãng thức ăn và chuyên gia dinh dưỡng. Để giải quyết điều này, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm tòi nhiều giải pháp dinh dưỡng tinh chế cho người chăn nuôi để tác động tích cực đến sức khỏe và đời sống vật nuôi nhằm tạo ra những chất thay thế kháng sinh, đặc biệt là tập trung vào sức khỏe đường ruột và cải tiến hệ miễn dịch. Các carbohydrate tinh chế hữu dụng (refined functional carbohydrates, RFC) là những giải pháp dinh dưỡng có thể giúp cung cấp sự thiết lập sức khỏe cho vật nuôi. RFC là các thành phần được thu hoạch từ các tế bào nấm men (Saccharomyces cerevisiae) sử dụng những enzyme chuyên biệt trong quá trình sản xuất để đảm bảo khả năng hữu dụng sinh học và độ đồng nhất ở mức cao. Sự thủy phân thuộc enzyme độc quyền này mang lại các Mannan oligosaccharide (MOS), Beta-glucan (1,2 – 1,6) và D-Mannose.

Nguyễn An – Nguyễn Hà

Theo Thế giới Gia cầm