Pháp luật về Phúc lợi động vật ở Việt Nam

Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ động vật tại Việt Nam tương đối nhiều về số lượng các văn bản luật, và hiện tại đã bao phủ hầu như đầy đủ các loài động vật (từ động vật hoang dã, động vật trong chăn nuôi, nghiên cứu khoa học). Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật hiện vẫn còn yếu kém trên thực tế, sự phổ biến các quy định của pháp luật tới người dân còn thấp, cũng như mức xử phạt không đủ mức răn đe khiến tình trạng buôn bán, tiêu thụ, bóc lột, ngược đãi động vật đang còn diễn ra ở quy mô lớn. Bên cạnh đó, động vật vẫn chưa được nhìn nhận như những sinh vật sống, biết đau, có khả năng cảm nhận… mà chỉ đang được xem như tài sản, hàng hóa.

 

 

Về mặt quy định, Việt Nam có hệ thống pháp luật về bảo vệ động vật tương đối đầy đủ. Về luật bảo vệ các loài hoang dã, Việt Nam đã ban hành các văn bản như Luật Đa dạng Sinh học, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Quảng cáo, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Nghị định 06, Nghị định 160, Nghị định 26, Thông tư 25, Thông tư 27 [Văn bản Pháp luật, n.d.]. Đồng thời, Việt Nam hiện cũng là thành viên như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), với CITES là công ước có các nội dung trực tiếp điều chỉnh hoạt động buôn bán quốc tế đối với ĐVHD.

 

Các loài động vật trong chăn nuôi cũng được bảo hộ bởi Luật chăn nuôi 2018 (Luật số 32/2018/QH14 thông qua ngày 19/11/2018) [Luật Chăn nuôi 2018 số 32/2018/QH14, n.d.] và Luật thú y 2015 (Luật số 79/2015/QH13 ban hành ngày 19/6/2015) [Luật thú y 2015 số 79/2015/QH13, n.d.] với những yêu cầu về nguyên tắc chăm sóc, đối xử mang tính nhân đạo với vật nuôi trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu và các hoạt động khác.

 

Tuy nhiên, do sự yếu kém, lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật cũng như tính phổ biến của các quy định pháp luật tới người dân còn thấp khiến cho việc tiêu thụ, đối xử với động vật trên thực tế tại Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Không chỉ là điểm nóng về buôn bán, là điểm trung chuyển động vật hoang dã trái phép trên quy mô quốc tế [Việt Nam vẫn là “điểm nóng” về săn bắt và trung chuyển động vật hoang dã trái phép, n.d.], Việt Nam còn là quốc gia đứng đầu Châu Á về tiêu thụ thịt thú rừng [Động vật hoang dã, n.d.]. Hình phạt cho tội buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã quý hiếm chỉ là 16 tháng tù giam [baotintuc.vn, 2020] chỉ tương đương với vi phạm về ‘gây rối trật tự công cộng’ [baothanhhoa.vn, 2019] hoặc tội đánh bạc [NTO, n.d.] là không đủ tính răn đe trong khi tội phạm này có mức lợi nhuận cao hơn cả buôn bán vũ khí, và chỉ xếp sau lợi nhuận của buôn bán ma túy, buôn người [Buôn bán động vật hoang dã cần được xem là tội phạm nghiêm trọng nhất, 2022].

 

Về phúc lợi động vật trang trại, các quy định trong Luật Chăn nuôi 2018 và Luật thú y 2015 chủ yếu vẫn ưu tiên cho mục tiêu tiêu thụ động vật của con người, và ưu tiên giá trị kinh tế, thay vì công nhận động vật là những sinh vật có tri giác, có khả năng cảm nhận đau đớn và trải nghiệm được điều kiện môi trường xung quanh. Thêm vào đó, theo các đánh giá khách quan, từ ngữ trong các luật này vẫn còn mơ hồ, chưa rõ ràng (ví dụ quy định không ‘hành hạ’ vật nuôi không chỉ rõ những hành vi nào cấu thành hành vi ‘hành hạ’) và còn thiếu các hướng dẫn quy định quá trình chăm sóc, vận chuyển, giết mổ đảm bảo ‘nhân đạo với động vật’ [World Animal Protection – Vietnam, n.d.].

 

Dựa trên những đặc điểm này, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (World Animal Protection) xếp hạng Việt Nam ở vị trí áp chót (hạng F với mức xếp hạng từ A-G) trong Chỉ số bảo vệ động vật (Animal Protection Index – API) theo một chương trình đánh giá về quy định bảo vệ động vật cấp quốc gia của Tổ chức này. Trong số 13 quốc gia tại Châu Á được đánh giá, Việt Nam xếp sau hầu hết các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (hạng C), Thái Lan & Philipine (hạng D), Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản (hạng E) [VnExpress, n.d.].

 

(Tổng hợp: Thanh Nguyen, Tổ chức Động vật Châu Á, Email: nthanh@animalsasia.org)