Ớn lạnh thịt nhiễm vi sinh vật
Không khó để bắt gặp cảnh heo, gà sau giết mổ được chở bằng xe máy chạy trên đường, quầy thịt các loại bán đến trưa kèm thêm ruồi bay vo ve qua lại. Và còn nhiều nguyên nhân khác nữa khiến cho tình trạng nhiễm vi sinh vật trong các sản phẩm thịt “nóng” ở mức báo động đỏ.
Con số choáng váng
6 tháng đầu năm 2020, Cục Thú y kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm 19 cơ sở giết mổ và 19 cơ sở kinh doanh thịt heo, gà tại Hà Nội, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Long An. Mỗi đợt, Cục Thú y lấy mẫu thịt heo, thịt gà tại các cơ sở này để kiểm tra chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư kháng sinh.
Kết quả, tỷ lệ thịt heo, thịt gà tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh không đạt yêu cầu đối với chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật tới 26,31%. Đặc biệt, tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, kinh doanh ở Hà Nội, Hà Nam là 54,54% (tương ứng 98/180 lượt mẫu), gồm vi sinh vật tổng số, Salmonella, E.coli. Tại TP. Hồ Chí Minh và Long An, tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh chỉ là 1%. So sánh với kết quả giám sát thường kỳ năm 2019, tỷ lệ mẫu không đạt tăng 17,31%.
Tình trạng nhiễm vi sinh vật trong các sản phẩm thịt “nóng” ở mức báo động. Ảnh: CTV
Cục Thú y cho biết, đối với các cơ sở có mẫu không đạt yêu cầu, đơn vị thực hiện giám sát ban hành công văn cảnh báo gửi Chi cục Thú y/Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, đồng thời, yêu cầu khắc phục và giao Chi cục Thú y các tỉnh giám sát việc thực hiện.
Cuối năm 2018, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh công bố kết quả khiến nhiều người giật mình, 150/150 mẫu thịt heo, gà, vịt lấy tại các điểm bán lẻ trong chợ ở 5 tỉnh, thành phía Nam bị nhiễm vi khuẩn E.coli vượt ngưỡng cho phép rất cao, mặc dù được lấy từ rất sớm (8 – 9h sáng).
Nguyên nhân ở đâu?
Trong một khảo sát của các tác giả Cam Thị Thu Hà, Phạm Hồng Ngâm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) năm 2016 cho thấy, điều tra trực tiếp 96 quầy bán thịt heo trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), nội dung tập trung vào 3 nhóm điều kiện là cơ sở vật chất, thịt heo và con người. Kết quả cho thấy, chỉ có 24 quầy có mặt bàn bằng kim loại, 27 mặt bàn lát gạch men, còn lại 45 quầy hàng là gỗ; trong số 96 quầy, chỉ 54 quầy có dụng cụ xua đuổi côn trùng.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, thịt heo bán tại chợ được cung cấp từ hai nguồn là lò mổ tập trung và giết mổ tại nông hộ. Theo đó, 64,58% số quầy thịt đã được kiểm soát giết mổ bởi cơ quan thú y. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 20% số quầy thịt được đóng dấu kiểm soát hoặc phiếu thu phí kiểm soát giết mổ hàng ngày.
Trên thị trường bán lẻ ở các chợ, kể cả các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, có thể dễ dàng nhận thấy người dân làm thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Heo được đặt trên nền nhà để dội nước sôi cạo lông, cắt tiết, pha lóc; nhiều con gia cầm được lần lượt nhúng trong một nồi nước sôi, chậu rửa đầy nguy cơ nhiễm khuẩn. Ngoài ra, một con dao dùng cho mọi quy trình từ cắt tiết, làm lông, sơ chế mà không hề được khử trùng sạch sẽ.
Thay đổi thói quen
Tình trạng thịt nhiễm vi sinh rất khó khắc phục nếu khâu giết mổ, lưu thông, bán lẻ không được đầu tư nâng cấp để bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng đó, thói quen tiêu dùng của người dân đang cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng thịt sạch.
Đại diện cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cho rằng, đã đến lúc vì sự an toàn của người dân mà kiên quyết dẹp những điểm bán không đáp ứng điều kiện. Cùng đó, khâu mấu chốt là giải quyết những lò mổ tự phát, tập trung những cụm chế biến công nghiệp để đảm bảo thịt sạch ngay sau khi giết mổ. Điều quan trọng, phải để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm thịt mát đạt tiêu chuẩn.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người tiêu dùng vẫn thích thịt “nóng”, không thích miếng thịt lạnh dù nó đạt tiêu chuẩn. Do vậy, đã đến lúc cơ quan quản lý phải siết điều kiện bán lẻ thịt, vì đây là khâu mấu chốt để người tiêu dùng “ăn” thịt sạch. Bởi hiện nay, việc kiểm soát thịt mới chỉ dừng ở chợ đầu mối.
Để thay đổi, cần phải từ hai phía, kênh phân phối tốt và người tiêu dùng thay đổi thói quen. Vì nếu người dân vẫn thích đi chợ “cóc”, thích thịt cắt tại chỗ thì sẽ cản trở lớn đến việc phát triển chuỗi cung cấp thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc qua bao bì. Và thịt nhiễm vi sinh vật rất khó bị loại trừ.
>> Ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong cho rằng, thịt “phơi” ngoài chợ thì việc nhiễm vi sinh là điều dễ hiểu. Bởi chỉ cần một con ruồi đậu lên hoặc người bán tay cầm tiền rồi chạm vào thịt là có thể gây nhiễm ngay. Vì vậy, để đảm bảo, thịt phải được đóng gói, có nhãn mác và đặt trong tủ lạnh với nhiệt độ thích hợp. |
Phan Thảo