Nuôi vịt SHST53 thương phẩm

Vịt lai SHST53 đã kết hợp những đặc điểm nổi trội về khả năng tăng trọng, tỷ lệ phôi cao của vịt SH1 và tỷ lệ thịt ức cao, khả năng sinh sản tốt của vịt Star53, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí sản xuất, có giá bán cao nên đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất và thị hiếu của người tiêu dùng.

Chuồng trại

Chuồng trại xây dựng biệt lập với khu dân cư, khu công nghiệp, trường học… Khu chăn nuôi phải có tường rào bao quanh, nên quy hoạch có vành đai an toàn. Chuồng trại phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vịt.

Chuồng nuôi vịt cần được xây dựng có mái chắc chắn, hệ thống thoát nước tốt. Nên chọn nơi cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tránh gió lùa. Bề mặt tường, trần và nền bằng gạch, bê tông có láng xi măng bằng phẳng, nhẵn. Nền chuồng có độ dốc từ 7 – 10% để thuận tiện cho khâu dọn vệ sinh, tẩy uế. Kích thước chuồng tùy vào số lượng vịt nuôi, nhưng phải đảm bảo mật độ tối đa 4 – 5 con/m2 nền chuồng.

Thông số kỹ thuật

Mật độ nuôi: Tùy điều kiện chăn nuôi, mùa vụ và khí hậu cụ thể có thể quyết định diện tích chuồng nuôi, mật độ nuôi thích hợp để vịt sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế lây nhiễm bệnh tật.Vịt 0 – 4 tuần tuổi: 8 – 25 con/m2 nền chuồng. Vịt 5 – 7 tuần tuổi: 4 – 5 con/m2 nền chuồng.

Nhiệt độ: Ðối với vịt con, phải đảm bảo đủ ấm. Yêu cầu nhiệt độ trong quây úm: 1 – 7 ngày tuổi khoảng 32 – 340C; 8 – 14 ngày tuổi 28 – 300C; 15 – 21 ngày tuổi 26 – 280C.

Ðộ ẩm: Ðộ ẩm thích hợp để nuôi vịt giai đoạn úm trong khoảng 60 – 65%. Nếu kiểm tra thấy chất độn chuồng bị ướt phải thay ngay.

Chế độ chiếu sáng: Trong tuần đầu tiên, chiếu sáng 23 – 24 giờ/ngày. Các tuần tiếp theo giảm giờ chiếu sáng và cường độ chiếu sáng. Nếu dùng ánh sáng nhân tạo, nên dùng ánh sáng mờ, đủ để vịt tìm đến máng ăn, máng uống, vịt vận động ít sẽ hấp thụ thức ăn nhiều, giúp tăng nhanh khối lượng.

Chế độ dinh dưỡng

Thức ăn và phương pháp cho ăn: Thức ăn phải đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm, không bị mốc mọt, cân đối về thành phần giá trị dinh dưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng và phát triển của vịt trong từng giai đoạn. Ðể giúp vịt lớn nhanh, lượng thức ăn phải thỏa mãn được nhu cầu của vịt. Ðể vịt ăn được nhiều, hiệu quả chuyển hoá thức ăn tốt, cần cho ăn theo bữa. Hết thức ăn mới cho ăn tiếp, để thức ăn thường xuyên mới, có mùi thơm, sẽ kích thích vịt ăn nhiều. Ðảm bảo chất lượng thức ăn tốt không bị nhiễm mốc. Có thể sử dụng các loại thức ăn có sẵn ở địa phương từ 4 tuần tuổi đến khi xuất bán.

Nước uống: Cần phải cho vịt uống nước sạch. Trong 7 ngày đầu dùng máng uống 2 lít sau đó dùng máng 5 lít. Nuôi vịt thịt phải cho ăn tự do nên lượng nước uống nhiều (thường gấp 2 lần so với lượng thức ăn), do vậy từ 4 tuần đầu đến giết thịt có thể cho uống bằng máng xây ngoài sân chơi, hoặc máng nhựa hình chữ nhật.

Phòng bệnh

Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho vịt trong quá trình nuôi gồm:

• Vệ sinh cọ rửa hố sát trùng và thay nước sát trùng hàng ngày

• Cọ rửa sân chơi, bể nước

• Rửa sạch sẽ máng ăn và máng uống trước khi cho ăn

• Dọn đưa ra ngoài chất độn chuồng bị ướt

• Quét dọn vệ sinh nơi để thức ăn, đường đi

• Phun xịt sát trùng mọi dụng cụ và vật tư mới chuyển đến

• Phun xịt sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi tuần 1 lần

• Quét mạng nhện, bụi xung quanh chuồng nuôi

• Dọn dẹp, cắt cỏ, phát quang bụi rậm, vệ sinh khu vực chăn nuôi

• Khai thông cống rãnh

• Vịt chết phải được thu gom và đưa ra khu xử lý bằng cách chôn sâu rắc vôi bột lên trên, phun sát trùng hoặc đốt xác.

• Hàng tháng phun xịt trừ mạt, bọ các loại và diệt chuột ở khu vực kho, đầu chuồng nuôi bằng thuốc sinh học

• Thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ cho vịt

Sau mỗi đợt nuôi: Tháo toàn bộ máng ăn, uống và dụng cụ chăn nuôi ra khỏi chuồng; Sau 1 tuần phải hoàn thành việc dọn sạch phân đưa về nơi quy định, tổng vệ sinh toàn bộ chuồng nuôi đợt 1, sửa chữa thay thế những chỗ bị hỏng sau đó tổng vệ sinh toàn bộ chuồng nuôi đợt 2; Phun thuốc diệt côn trùng trong và ngoài chuồng nuôi. Xử lý sát trùng trong chuồng nuôi sau đó đóng cửa không cho người qua lại và để trống chuồng 15 – 20 ngày mới đưa vịt vào nuôi.

Xử lý chất thải: Toàn bộ phân vịt phải được đưa vào bao và buộc kín khi chuyên chở từ chuồng nuôi đến nhà chứa phân. Tại nhà chứa phân, phân vịt được tạo ẩm 80 – 90 %, sau đó chất đống và phủ bạt che kín. Thời gian ủ phân (tính từ sau khi đưa hết phân ra khỏi chuồng nuôi) tối thiểu là 60 ngày.

Hoàng Yến