Nuôi chim câu trong nhà lồng

Một nông hộ trẻ đang triển khai nuôi chim bồ câu thương phẩm với kỹ thuật mới, năng suất cao.

Đó là gia đình anh chị Nguyễn Đình Minh – Nguyễn Kiều Trang, thôn Trung Hà, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà mới gầy bầy chim bồ câu giống Pháp thuần và Pháp lai từ giữa năm 2019. Theo đó, thay vì nuôi bằng những chuồng bồ câu nhỏ như cách nuôi truyền thống, đôi vợ chồng trẻ đã tạo cho bầy chim một môi trường sống rộng rãi, dễ dàng bay lượn nhằm đạt hiệu quả nhất.

Chị Nguyễn Kiều Trang bên chuồng bồ câu của gia đình

Hiện nay, anh chị đã có trên 2 ngàn đôi bồ câu sinh sản và mỗi ngày cung cấp ra thị trường cả trăm con bồ câu thịt cũng như bồ câu giống. Điều đáng chú ý là hai bạn trẻ đã ứng dụng kỹ thuật nuôi bồ câu khá khác biệt.

Thay vì những chiếc chuồng nhỏ, mái thấp, ngay khi bắt tay vào nuôi bồ câu, anh Nguyễn Đình Minh đã tìm tòi, học hỏi một số kỹ thuật làm chuồng hiện đại. Vậy là anh dựng chuồng bồ câu với không gian rộng và mái cao tới 5 – 6 m, ở dưới xây gạch lửng, phía trên lắp lưới sắt nhỏ tạo thành không gian rộng, thoáng. Phía trên, anh Minh dùng sào tre lớn gác ngang, dọc tạo thành hệ thống nghỉ ngơi cho chim. Ở trong không gian rộng, thoáng, bầy chim có thể bay khá thoải mái. Anh chị Minh – Trang đánh giá, làm nhà nuôi chim cao, thoáng như vậy môi trường sẽ tốt, chim được tự do vận động, mau lớn và hạn chế các loại bệnh tật. Và nuôi với môi trường rộng, cao cũng thích hợp với loài bồ câu gốc Pháp do đây là loài bồ câu lớn, trọng lượng nặng, đòi hỏi không gian nhiều hơn.

Chim câu là loài sống theo đôi, theo cặp nên anh chị sử dụng các giỏ nhựa, lót rơm làm nơi cho chim mái đẻ và ấp trứng. Chị Kiều Trang cung cấp thông tin, chim câu là loài đẻ mỗi lần 2 trứng, ấp nở và nuôi con bằng sữa diều. Để rút bớt thời gian chim ấp nở, chị Trang thường thu hoạch trứng khi chim mẹ ấp được khoảng 1 tuần, sau đó cho ấp tiếp bằng máy ấp. Khi chim con nở, vừa khô lông, chị ghép vào với chim mẹ khác đã có sữa diều và sẵn sàng nuôi con. Chính vì vậy, thời gian chim đẻ, ấp được rút ngắn rất nhiều, tỷ lệ trứng nở cũng cao hơn để chim mẹ ấp, nuôi tự nhiên. Hiện trung bình 1 tháng, mỗi cặp chim sinh sản hai lần, cho 2 cặp chim non. Với tốc độ sinh sản nhanh, bồ câu nhân đàn có thể nói theo cấp số nhân.

Hiện anh chị Minh – Trang đang cung cấp cả chim bồ câu giống và bồ câu thịt. Bồ câu thịt là bồ câu ra ràng, chim mới mọc lông tơ, thịt mềm, ngọt, tuổi chim chỉ 15 ngày được bán với giá 120 ngàn đồng/ cặp. Bồ câu giống là bồ câu sẵn sàng sinh sản, được nuôi 3 – 4 tháng tuổi, mang về chuồng mới là có thể đẻ ngay có giá 250 ngàn đồng/cặp. Là giống bồ câu Pháp thuần và cả Pháp lai nên trọng lượng bồ câu khá lớn, một cặp chim thịt ra ràng nặng chừng 800 gr, một cặp chim sinh sản nặng chừng 1,4 kg. Chị Trang đánh giá, bồ câu Pháp thuần con to hơn, thịt nhiều hơn nhưng sinh sản chậm hơn. Bồ câu lai trọng lượng nhỏ hơn một chút nhưng nuôi dễ, ít bệnh và tốc độ sinh sản rất nhanh.

Điều khác biệt trong cách làm của hai bạn trẻ nữa là định hướng phân phối ra thị trường. Hiện nông hộ đang phân phối nhỏ, chủ yếu là chim sống nhưng chị Kiều Trang chia sẻ, nhu cầu của thị trường đang thay đổi, nhất là thị trường các đô thị. Anh chị đang xúc tiến xây dựng và xin phép hoạt động một khu chế biến riêng cho chim câu cấp đông. Theo đó, chim ra ràng được làm sạch, bỏ đầu bỏ ruột, cấp đông sâu để đưa tới tay người tiêu dùng. Khi mua, người nội trợ chỉ cần rã đông và chế biến, không cần phải mua và làm chim sống cũng như không sợ các loại dịch cúm gia cầm. Đây cũng là hướng đi được đánh giá là triển vọng, người tiêu dùng đón nhận do tiện lợi và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh đánh giá mô hình nuôi chim bồ câu và phân phối bồ câu thịt của hai bạn trẻ rất tiến bộ, cung cấp cho thị trường thịt bồ câu ngon, sạch, tiện dụng, có thể triển khai dễ dàng, mở rộng diện tích nuôi bồ câu cũng như mở rộng thị trường phân phối bồ câu thịt.

Diệp Quỳnh

Nguồn: Báo Lâm Đồng