Nông sản Việt và câu chuyện ‘lấy đá ghè chân mình’

Những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong việc chào giá xuất khẩu, hay tùy tiện sử dụng băng rôn ‘giải cứu’ một mặt hàng nào đó có thể ảnh hưởng tới cả một ngành hàng, tác động không nhỏ đến bà con nông dân.

 

Những ngày gần đây, người tiêu dùng ở TP.Hà Nội thường bắt gặp hình ảnh “giải cứu trứng gà ta” với giá 65.000 đồng/30 quả. Giá trứng có xu hướng giảm nhẹ so với trước đây là do thị trường tiêu thụ giảm sau Tết Nguyên đán, trong khi nguồn cung dồi dào.

 

Không nên tùy tiện dùng băng rôn ‘giải cứu’

 

Tuy vậy, việc trứng khó tiêu thụ, bán với giá rẻ chỉ xảy ra cục bộ, tại một số trại không có hệ thống máy sấy trứng. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, những ngày đầu tháng 2/2023, giá trứng gia cầm giảm 200-300 đồng/quả so với cuối năm 2022 và mức tiêu thụ cũng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đây là hiện tượng phù hợp quy luật cung cầu, chưa đến mức gây khốn đốn cho người nông dân và doanh nghiệp sản xuất trứng.

 

Việc tùy tiện sử dụng từ "giải cứu" có thể ảnh hưởng tới giá nông sản.

 

Việc tùy tiện sử dụng từ “giải cứu” có thể ảnh hưởng tới giá nông sản.

 

Theo ông Sơn, giá trứng gà có giảm nhẹ nhưng vẫn đảm bảo cho nông dân có lãi. Việc các tiểu thương dùng biển hiệu, băng rôn giải cứu trứng là chiêu trò câu view, làm hạ giá trị của nông sản Việt.

 

“Giá thu mua tại trang trại khoảng 1.800 – 2.000 đồng/quả vẫn đảm bảo cho người nông dân có lãi, bởi giá thành ở mức 1.750 đồng/quả. Giá trứng sẽ trở lại mức bình thường, khoảng 3.000 đồng/quả vào tháng 2 âm lịch”, ông Sơn nói.

 

Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đánh giá Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giúp gạo Việt Nam có vị thế tốt hơn ở thị trường châu Âu, nhưng giá bán gạo Việt vẫn không cao do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

 

Cụ thể, Trung An đang xuất khẩu với giá trên 1.000 USD/tấn, chưa có bao bì và vận chuyển – mức giá so với thị trường Việt Nam không hề cao. Gạo sạch Trung An đang bán cho người tiêu dùng tại Việt Nam nhiều năm nay đa số đều từ 25.000 – 30.000 đồng/kg (trên 1.000 USD/tấn), như vậy bán vào châu Âu phải từ 1.500 USD – 2.000 USD/tấn mới đúng giá trị thật.

 

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, chính thói mua bán cạnh tranh theo lối văn hóa thương mại kém của nội bộ doanh nghiệp Việt Nam với nhau nên khiến giá thị trường bị hạ xuống để giành khách hàng, khiến giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá trị thật khá nhiều.

 

Mất giá vì cạnh tranh không lành mạnh

 

Tính toán một cách sòng phẳng thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể lời hơn ở mức trước và sau khi có EVFTA, chứ so với giá trị gạo thực thì giá đó chưa đúng với tiềm năng, công sức giá trị của gạo Việt Nam.

 

“Người châu Âu sẵn sàng trả mức giá cao nếu chúng ta cung cấp được gạo đạt tiêu chuẩn GAP hoặc hữu cơ thì giá còn cao hơn nữa”, ông Bình cho rằng vấn nạn này xảy ra không chỉ riêng ở ngành gạo mà còn ở lĩnh vực trái cây, cá tra. Từng có thời kỳ, cá tra là đặc sản độc tôn của Việt Nam, song vì sự cạnh tranh phá giá của các doanh nghiệp Việt với nhau, tới mức có công ty cá tra phải phá sản.

 

Quay trở lại ngành gạo, ông Bình chia sẻ, chúng ta đừng nghĩ đến chuyện lời nhiều hay lời ít mà phải làm sao để gạo đạt chất lượng vào châu Âu và cần phải trả lại giá trị thực của nó. Đâu phải quốc gia nào cũng có những cánh đồng lúa trù phú, tự nhiên như Đồng bằng sông Cửu Long.

 

“Nhưng rất tiếc do văn hóa thương mại kém của nhiều doanh nghiệp khiến chúng ta không những không phát huy được lợi thế trời cho đó mà thậm chí còn làm mất đi rất nhiều tiền do cạnh tranh nội bộ không lành mạnh gây nên”, ông Bình nhấn mạnh.

 

Thực tế, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh gây giảm giá trị nông sản cũng từng được nêu ra nhiều lần. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods, khuyến nghị cơ quan nhà nước cần có biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý các hiệp hội, tránh việc tranh mua, tranh bán. Doanh nghiệp Việt cần phải “nắm tay nhau” như ở Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản.

 

Ông Hùng lấy ví dụ, như Nafoods và Đồng Giao đang bán chanh leo cô đặc với một mức giá chung, song có doanh nghiệp nhỏ mới ra mắt đã rao bán giá thấp hơn. “Sản lượng của họ ít, thậm chí không có. Song, khách hàng dựa vào đó ép giá chúng tôi. Mà khi bị mất đầu ra, chúng tôi buộc phải mua của nông dân với giá thấp hơn. Như thế, thiệt hại theo chuỗi”, ông Hùng giãi bày.

 

Đánh giá đây là thực trạng rất buồn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kể câu chuyện một nhóm chat của các doanh nghiệp trong ngành cà phê, ngay khi có một doanh nghiệp đứng lên kêu gọi đừng hạ giá bán sản phẩm mà cần bắt tay nhau để khẳng định giá trị nông sản Việt thì đã có doanh nghiệp rời khỏi nhóm. “Tại sao các doanh nghiệp không thể bắt tay nhau để ngành hàng phát triển hơn?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần phải có tư duy liên kết với nhau, đúng như câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Việt Nam cần có chiến lược tổng thể về phát triển thị trường, tránh kiểu nông dân tư duy mùa vụ, doanh nhân tư duy thương vụ…

 

Nhật Linh (Vnbusiness.vn)