Nỗ lực Sản xuất vaccine: Vươn tầm thế giới
Nhờ những thành tựu trong sản xuất vaccine đã tạo cơ sở khoa học, tham mưu cho cơ quan chuyên môn đề xuất với Chính phủ các chủ trương, chính sách trong phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi, đưa ngành Nông nghiệp hội nhập quốc tế và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng.
Tầm quan trọng
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập xuất hiện những thách thức và nguy cơ rõ rệt đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, thú y Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự khủng hoảng giá đầu vào, đầu ra, sự cạnh tranh của thịt nhập khẩu, dịch bệnh lây từ động vật sang người, biến đổi khí hậu, vấn đề an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, đòi hỏi ngành chăn nuôi, thú y phát triển theo một hướng mới. Đặc biệt, bệnh dịch tả heo châu Phi đang là vấn đề nổi trội trong chăn nuôi heo hiện nay.
Do đó, công tác quản lý dịch bệnh cho đàn vật nuôi trở nên rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả chăn nuôi. Sử dụng vaccine để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được xem là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn cho người chăn nuôi. Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Việc dùng vaccine để phòng bệnh cho vật nuôi gọi chung là tiêm phòng.
Tiêm vaccine giúp kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trong chăn nuôi – Ảnh: Tất Sơn
Dùng vaccine chủ yếu là phòng bệnh. Sau khi tiêm vaccine một thời gian nhất định động vật mới có miễn dịch. Ở nơi có ổ dịch cũ, do nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa nên hàng năm cần phải tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trước mùa phát bệnh. Ở nơi bệnh đang phát thì đối với động vật đã mắc bệnh cấm không được tiêm vaccine ngay mà phải dùng kháng huyết thanh hoặc kháng sinh thích hợp điều trị. Đối với động vật còn khỏe nhưng dễ bị lây nhiễm (do tiếp xúc với con bệnh) có thể tiêm kháng huyết thanh cùng một lúc với vaccine (nhưng ở vị trí khác nhau trên cơ thể). Đối với động vật khỏe mạnh hoặc ở động vật khu vực xung quanh ổ dịch thì tiêm ngay vaccine để tạo vành đai miễn dịch. Đối với động vật khác loài nhưng có cảm thụ với bệnh cũng có thể cần tiêm vaccine phòng bệnh đó.
Vươn tầm thế giới
Từ nhiều năm nay, với sự hỗ trợ các tổ chức quốc tế (World Bank, FAO, OIE…) và của Chính phủ nhiều nước (như Mỹ, New Zealand…), Việt Nam đã triển khai nhiều Chương trình giám sát lưu hành virus Cúm trên gia cầm, trên chim hoang, trên heo… để dự báo, cảnh báo dịch bệnh, phát hiện sự biến đổi của virus từ đó đề ra các giải pháp kỹ thuật sát thực tế, có tính khoa học và đạt hiệu quả cao. Những năm 90, ngành sản xuất thuốc thú y của Việt Nam chỉ có 14 cơ sở nhỏ, sản xuất 155 loại thuốc dược phẩm thông thường, đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu cho công tác phòng chống dịch bệnh. Vaccine và chế phẩm sinh học dùng trong thú y cũng chỉ có 3 đơn vị sản xuất 34 loại, chủ yếu là các loại vaccine đơn giá, sử dụng giống gốc và quy trình sản xuất cũ. Hiện đã có trên 1.145 loại thuốc thú y của Việt Nam được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm trên 22 triệu USD. Điều này khẳng định được uy tín cũng như chất lượng của thuốc thú y sản xuất trong nước.
Nếu như năm 2015, toàn quốc có 56 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt điều kiện thực hành tốt sản xuất thuốc thú y (GMP), thì đến nay, đã có 75 cơ sở sản xuất thuốc thú y và 100% cơ sở sản xuất dược phẩm, vaccine thú y đạt GMP. Đặc biệt đối với sản phẩm vaccine thú y, Việt Nam đã sản xuất thành công và đăng ký lưu hành 107 loại vaccine từ 7 nhà máy sản xuất vaccine hiện đại, đạt yêu cầu GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từng bước chủ động nguồn vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật. Việt Nam cũng đã sản xuất thành công một số vaccine phòng bệnh quan trọng như: Vaccine Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) từ năm 2012; vaccine Tai xanh từ năm 2015. Trong nhiều năm qua, ngành Thú y đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học nhằm sản xuất các loại vaccine thế hệ mới. Trong đó, nhiều đề tài nghiên cứu nổi bật phải kể đến như:
- Chế tạo thành công giống gốc để sản xuất vaccine phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) cho gia súc và chế tạo vaccine vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh LMLM type O cho gia súc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công vaccine phòng bệnh LMLM type O, giúp phòng bệnh cho khoảng 20.000 gia súc mỗi năm, giảm hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu vaccine hằng năm.
- Sản xuất vaccine phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo (PRRS) do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì đã tạo ra 209.340 liều vaccine nhược độc, với quy trình sản xuất vaccine ổn định.
- Từng bước nghiên cứu Dịch tễ học theo chiều sâu một số bệnh chủ yếu như: Dịch tả heo cổ điển, Dịch tả heo châu Phi, Cúm gia cầm, PRRS, LMLM…, tạo cơ sở khoa học chắc chắn, xây dựng biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
- Khống chế tốt một số bệnh: Dịch tả heo cổ điển, Newcastle, Gumboro, Marek, Đậu… đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi.
>> Dịch bệnh vi khuẩn vẫn là một thách thức lớn nhất và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm chính là một công cụ quan trọng để vượt qua được thách thức này. Ngành chăn nuôi không thể loại bỏ kháng sinh hoàn toàn, nên càng phải nỗ lực nhiều hơn để chặn dịch bệnh bằng các biện pháp vệ sinh và vaccine hiệu quả hơn. |