Ninh Bình: Giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình
UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành văn bản số 203/KH-UBND về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn năm 2025.
Trong văn bản nêu rõ, mục tiêu tổ chức triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y và chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ NN&PTNT. Với phương châm, phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình.
Cán bộ thú y Ninh Bình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại các hộ gia đình. Ảnh: Minh Nguyệt
Đồng thời, nhằm kịp thời phát hiện sớm, tổ chức khoanh vùng để khống chế, xử lý kịp thời, triệt để ngay từ khi dịch mới phát sinh ở phạm vi hẹp, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế và môi trường do dịch bệnh xảy ra; đảm bảo sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, người sản xuất chăn nuôi, người kinh doanh, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và vai trò, trách nhiệm chính quyền cơ sở, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đồng bộ, có hiệu quả, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ của Kế hoạch và quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, chỉ đạo của UBND tỉnh. Quá trình tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Thông qua công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động phát hiện những thiếu sót, bất cập là nguyên nhân làm phát sinh và lây lan dịch bệnh để kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị khắc phục những thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức tiêm phòng, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng để tạo miễn dịch chủ động; chú trọng phòng, chống, kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như cúm gia cầm, dại trên đàn chó, mèo; dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò, heo; viêm da nổi cục trên trâu, bò; đặc biệt tại địa bàn có các ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao.
Quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và giám sát dịch bệnh đến tận hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và sức khỏe nhân dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thú y, người chăn nuôi, người tiêu dùng kiến thức về phòng, chống dịch bệnh. Phổ biến Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chăn nuôi, thú y.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật và những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra, qua đó thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình để chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Phổ biến các quy định về kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y, không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật bị bệnh, nghi bị bệnh, sử dụng sản phẩm chăn nuôi an toàn, rõ nguồn gốc.
Khi địa bàn cấp xã, cấp huyện xảy ra ổ dịch cần thực hiện thông tin, tuyên truyền liên tục trên hệ thống đài truyền thanh về tình hình, diễn biến dịch bệnh, khu vực ổ dịch, khu vực dịch uy hiếp, các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu gom, giết mổ động vật trong vùng có dịch, các quy định của nhà nước về khai báo, kiểm soát, khống chế dịch bệnh và quy định về điều kiện hỗ trợ khôi phục sản xuất do dịch bệnh, kiên quyết không tổng hợp đề nghị hỗ trợ kinh phí đối với các trường hợp vi phạm quy định.
Tổ chức tập huấn tại các huyện, thành phố để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tăng cường năng lực cho cán bộ thú y cơ sở về công tác giám sát, chẩn đoán phòng, chống dịch bệnh nhất là các bệnh mới xuất hiện; kỹ thuật tiêm phòng vaccine cho các thành viên của tổ tiêm phòng; những tiến bộ kỹ thuật mới, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ thú y cơ sở, các hộ chăn nuôi tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Triển khai các biện pháp chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh; quản lý tốt đàn vật nuôi; Tổ chức giám sát phát hiện dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, xử lý ổ dịch và chống dịch; vệ sinh, khử trùng tiêu độc.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đúng thời gian, đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Trên cơ sở ngân sách cấp và căn cứ tình hình thực tế, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng đơn vị có liên quan tham mưu, tổ chức, triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan đơn vị có liên quan, chủ động tích cực trong công tác phòng chống tầm soát dịch bệnh. Khi có dịch bệnh cần phải báo cáo ngay cho các cấp để chủ động phòng ngừa kiểm soát, khoanh vùng ổ dịch.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã tiêm được 23.216 liều vaccine phòng bệnh lở mồm long móng (đạt gần 80% kế hoạch trong diện tiêm); 2.378.040 liều vaccine cúm gia cầm, tương đương với 1.337.912 lượt con (đạt trên 96% kế hoạch trong diện tiêm). Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, vừa đều chủ động mua vật tư, vaccine tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo lịch sản xuất của cơ sở và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, đã có 4 địa phương là thành phố Ninh Bình, các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư hoàn thành công tác tiêm phòng vụ thu đông.
Minh Khuê