Những sự kiện nổi bật năm 2020

2020 là năm có những biến động rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Ngành gia cầm cũng chịu tác động đáng kể. Thế nên mặc dù tổng đàn có sự tăng trưởng khá tốt, nhưng vẫn ẩn chứa những biến động. Cùng Tạp chí Thế giới Gia cầm điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành năm qua.

Thực thi Luật Chăn nuôi và Phê duyệt Chiến lược Phát triển Chăn nuôi giai đoạn mới

Năm 2020 là mốc lịch sử quan trọng đối với ngành chăn nuôi Việt Nam khi bắt đầu từ ngày 01/01/2020, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực thi hành. Lần đầu tiên chăn nuôi trở thành ngành nghề có điều kiện với hệ thống thể chế, pháp lý đầy đủ, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật Chăn nuôi được ban hành năm 2018 quy định chi tiết nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của ngành chăn nuôi, từ sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm; bảo tồn nguồn gen; nghiên cứu khoa học về chăn nuôi; các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi. Luật Chăn nuôi cũng quy định rõ việc chuẩn hóa về tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, phúc lợi vật nuôi và bảo vệ môi trường. Ðồng thời, Luật cũng quy định Nhà nước đầu tư và hỗ trợ các hoạt động về chăn nuôi; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Ðồng thời, ngày 16/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1520 phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Ðây là văn bản hết sức quan trọng, là kim chỉ nam cho định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong 25 năm tới.

Tổng đàn gia cầm tăng, giá chạm đáy

 Sau khi tăng trưởng 16,5% lên xấp xỉ 500 triệu con gia cầm năm 2019, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020 song điều chỉnh còn 11% để cân đối các sản phẩm khác. Tính đến hết năm 2020, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.453,7 nghìn tấn, tăng 11,6% so với năm 2019; sản lượng trứng gia cầm đạt 14,7 tỷ quả, tăng 10,5%. Tuy nhiên, 2020 là năm chứng kiến giá bán thịt và trứng gia cầm giảm kỷ lục và kéo dài khiến người nuôi lỗ nặng, có thời điểm giá trứng gà công nghiệp chưa tới 1.000 đồng/quả, còn thịt gà hầu như bị dưới giá thành sản xuất.

Năm 2020, thịt gà giá rẻ nhập khẩu đã tàn phá ngành chăn nuôi gia cầm nặng nề nhất trong lịch sử. Ngành chăn nuôi gà đang được cảnh báo nguy cơ sẽ “chết” vì thịt gà trong nước đang bị cạnh tranh bất bình đẳng. Năm 2020, có khoảng 200.000 tấn thịt gà được nhập về trong nước. Có những thời điểm giá thịt gà bán ra chưa tới 15.000 đồng/kg, trong khi giá thành trong nước là 23.000 – 24.000 đồng/kg (gà lông). Theo các trang trại chăn nuôi gà, ngoài nguyên nhân ảnh hưởng bởi gà nhập khẩu giá rẻ còn do nguồn cung trong nước vượt nhu cầu. Hiện ngành chăn nuôi gà vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ.

Hội chợ quảng bá gia cầm Bình Ðịnh

Sự kiện quảng bá sản phẩm gà lần đầu tiên do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Ðịnh cùng với Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam tổ chức trong hai ngày 23 và 24/07/2020 tại FLC Quy Nhơn Beach và Golf Resort, thành phố Quy Nhơn. Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm gà và những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực về gà, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng thông qua các cơ quan thông tấn báo chí và đại biểu tham dự. Qua đó, khuyến khích người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng các sản phẩm từ gà, tăng cường sức tiêu thụ thực phẩm từ gà nói riêng, gia cầm nói chung, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gà trong cả nước. Ðồng thời, thay đổi dần thói quen thường sử dụng thịt heo, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi gia cầm, tăng cường sức tiêu thụ thực phẩm từ gà, tiến tới giảm cơ cấu tỷ trọng về sản lượng thịt heo, tăng sản lượng thịt gà theo định hướng phát triển chăn nuôi trong ngành nông nghiệp, phù hợp với xu hướng quốc tế.

quảng bá sản phẩm gà tại bình định 2020

Tại Sự kiện các doanh nghiệp trưng bày 10 gian hàng quảng bá sản phẩm chăn nuôi gia cầm và giới thiệu các sản phẩm ẩm thực chế biến từ gà, trứng gà; tổ chức Lễ hội ẩm thực và quảng bá các sản phẩm gà. Cũng tại Sự kiện này, các doanh nghiệp trong và ngoài VIPA cùng ký kết hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Ðây là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà quản lý hoạch định chiến lược phát triển sản xuất, chăn nuôi gà trong thời gian tới.

Lễ hội gà Mía Sơn Tây

Hội thi Gà Mía Sơn Tây được sơ tuyển từ tháng 1/2020, vòng chung khảo diễn ra ngày 28/9 với 11 đội tham dự. Kết quả, Ban Tổ chức trao giải 1 giải Ðặc biệt, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Ðây là lần đầu tiên Hội thi gà Mía được tổ chức, nhằm tuyên truyền, quảng bá đặc sản của thị xã Sơn Tây đến các địa phương trong cả nước. Gà Mía là giống bản địa, có nguồn gốc ở xã Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây), đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống gốc Quốc gia và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhẫn bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gà Mía Sơn Tây”.

lễ hội gà mía sơn tây

Nhập khẩu lậu con giống gia cầm tăng

Do chăn nuôi heo vẫn gặp nhiều khó khăn do trở ngại từ dịch tả heo châu Phi nên người dân chuyển sang chăn nuôi gia cầm, vậy nên, nhu cầu con giống gia cầm tăng cao đột biến. Do nguồn cung trong nước hạn chế và giá cao nên gia cầm giống nhập lậu vào trong nước rất lớn. Ngành chức năng các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… liên tục bắt giữ lượng lớn giống gia cầm như gà, vịt, ngan… Ðiển hình nhất là Chi cục Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) trong một buổi sáng tháng 9 bắt giữ 2 vụ với tổng số 14.200 con gia cầm lậu; Ngày 23/9/2020, Ðội Kiểm soát liên ngành 389 tỉnh Cao Bằng phát hiện và tạm giữ 12.000 con giống gia cầm; Ngày 13/11/2020, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện và bắt giữ 40.000 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc đang được đi tiêu thụ; trong tháng 10 trước đó, là vụ bắt giữ gần 10.000 con vịt giống…

gà giống

Khởi công nhà máy chế biến thịt gà lớn nhất Ðông Nam Á

Cuối năm 2020, tổ hợp nhà máy CPV Food – dự án trọng điểm của tỉnh Bình Phước được khánh thành. Dự án này có vốn đầu tư ban đầu 250 triệu USD – là nhà máy chế biến thịt gà có quy mô lớn nhất Ðông Nam Á – kỳ vọng sẽ cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu: Nhật Bản, châu Âu, châu Á và Trung Ðông. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có quy mô 50 triệu con gà thịt/năm, giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2023 với công suất 100 triệu con/năm. Năm 2021, xuất khẩu ra các nước: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Philippines, Sri Lanka, Mông Cổ, Trung Ðông.

VIPA có hai hội viên được phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

Lần đầu tiên, trong cùng một năm, có hai thành viên VIPA được phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ðó là ông Lê Văn Dư Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư; bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HÐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân.

Ông Lê Văn Dư được biết đến là chủ một doanh nghiệp sản xuất gà giống lông màu với quy chăn nuôi và trang thiết bị công nghệ hiện đại nhất nhì cả nước. Mỗi năm cung ứng ra thị trường 50 – 60 triệu con gà giống chất lượng cao, đạt doanh thu hàng ngàn tỷ đồng và mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp. Trải qua 30 năm nghiên cứu, lai tạo, ông đã chọn tạo được 3 tổ hợp lai các giống gà ta: MD1.BÐ, MD2.BÐ và MD3.BÐ với ưu điểm vượt trội.

Còn bà Phạm Thị Huân hay còn gọi là Ba Huân được nhiều người ngưỡng mộ gọi là “nữ hoàng hột vịt”. Cả cuộc đời gắn với trứng gà, trứng vịt từ khi còn là một thiếu nữ với đôi quang gánh bán trứng ở chợ làng Vĩnh Thạnh Ðông, tỉnh Long An rồi gầy dựng, nuôi lớn thương hiệu Ba Huân, bà tự hào cho biết trứng gà sạch của công ty đã xác lập được vị trí vững chắc tại thị trường cả nước.

Ban Biên Tập