Nhập khẩu gia cầm: Chưa nên giảm thuế
Mới đây, Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có văn bản kiến nghị các bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ tạm thời chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm để giúp ngành chăn nuôi gia cầm trong nước tái cơ cấu, có nguồn lực phát triển. Hiện nay, dù chưa giảm thuế thì gà ngoại đã lấn át gà nội, nếu giảm thuế thì sẽ gây ra sự bất ổn lớn.
Áp lực từ Mỹ
Theo Bộ Tài chính, ngày 31/10/2019, Đại sứ quán Mỹ đã có Công văn số 1321/19 đề nghị điều chỉnh thuế 9 mặt hàng nông nghiệp, trong đó có thịt và phụ phẩm ăn được sau khi giết mổ của gà. Ngày 8/11/2019, Đại sứ quán Mỹ lại có Công văn đề nghị giảm thuế nhập khẩu thịt gà và phụ phẩm gà sau giết mổ từ mức thuế từ 20% xuống còn 14,5% ngay trong năm 2020 và xuống mức 0% vào năm 2028.
Các chuyên gia cho biết, mặt hàng thịt gà và phụ phẩm của gà nằm trong diện các mặt hàng cắt giảm thuế theo Hiệp định thương mại tự do TPP, song vào phút cuối, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định này.
Quan điểm của Bộ Tài chính thì “Nhóm thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, nhóm hàng này luôn nằm trong nhóm hàng nhạy cảm cao, không cam kết cắt giảm hoặc buộc phải cắt giảm thì thực hiện vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết”.
Bộ Tài chính cũng khẳng định: “Mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn giá thành gà người dân sản xuất”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng dự kiến sẽ đề xuất giảm thuế nhập gà xuống mức 18% (trong khi phía Mỹ đề nghị giảm xuống còn 14,5%), với lý do mức thuế 18% là tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định CPTPP (tổ chức với 11 nước thành viên mà Việt Nam tham gia, trong đó có Australia, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Canada… nhưng không có Mỹ).
Gà ngoại vẫn đang lấn át gà nội Ảnh: Shutterstock
Mức thuế suất 20% chính là mức thuế cam kết trần của WTO. Và ở mức thuế này, trong năm 2018, nhập khẩu gà từ Mỹ vào Việt Nam chiếm 53% lượng gà nhập khẩu, tiếp theo là Brazil 21%, Ba Lan 8%, Hàn Quốc 4%. Do vậy, nếu mức thuế nhập khẩu giảm xuống còn 18% thì nước nhập khẩu có lợi nhất chính là Mỹ vì nước này đang chiếm hơn 50% thị phần gà nhập khẩu vào Việt Nam.
Bảo vệ người chăn nuôi trong nước
Trước việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu gà xuống còn 18%, VIPA kiến nghị các bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ “cân nhắc xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu trong giai đoạn 2020 – 2025, mà vẫn giữ nguyên thuế suất nhập khẩu sản phẩm gia cầm 20% từ nay đến năm 2025”.
Theo VIPA: “Trong những năm qua, người sản xuất gia cầm trong nước đã và đang phải gồng mình chống đỡ với với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Mỹ, Brazil, Hàn Quốc và một số nước EU. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu 215, 7 nghìn tấn thịt gà các loại, kim ngạch nhập khẩu 186 triệu USD (bình quân 0,862 USD/kg, tương đương 20.000 đồng/kg). Trong đó sản phẩm đùi gà chiếm 71,5%, cánh gà 5,8%, chân gà 8,7%, gà nguyên con 8,2%. Ước tính sản lượng thịt gà nhập khẩu cả năm 2019 khoảng 250 – 260 nghìn tấn, tăng hơn 50% so năm 2018. Mặc dù chưa giảm thuế nhập khẩu thịt gà mà đã có sự gia tăng đột biến về số lượng thịt nhập khẩu”.
Gà ngoại nhập khẩu quá nhiều là một trong những nguyên nhân khiến giá gà trong nước giảm mạnh (trong bối cảnh Dịch tả heo châu Phi, vốn là cơ hội để tiêu thụ sản phẩm gia cầm). Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá thịt gà hơi dao động 29.000 – 35.000 đồng/kg thì đến quý III/2019 có những thời điểm giá gà thịt sản xuất trong nước xuống chỉ còn 15.000 – 16.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 giá thành sản xuất. Trong khi đó giá trứng gà suốt cả năm 2019 cũng đứng ở mức rất thấp, bình quân chỉ 1.600 đồng/quả.
VIPA kiến nghị các bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ không giảm giá nhập khẩu gà trong năm 2020 và những năm tiếp theo để bảo vệ người nuôi gia cầm trong nước. Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị: “Trong trường hợp phải hài hòa quan hệ thương mại với một số đối tác chiến lược, buộc phải cắt giảm thuế nhập khẩu thịt gà, thì chỉ nên giảm thuế nhập khẩu đối với một số ít sản phẩm. Cụ thể chỉ giảm 1 – 2% thuế nhập khẩu thịt ức gà. Đối với gà chặt đầu; đùi; cổ cánh và chân gà không nên giảm thuế nhập khẩu trong 5 năm tới”.
Vì tương lai ngành gia cầm
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia cho biết: “Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia tương đồng về điều kiện địa lý, thậm chí Việt Nam lợi thế hơn về chăn nuôi, nhưng vì sao Thái Lan hàng năm xuất khẩu gà đạt khoảng 4 tỷ USD nhưng Việt Nam mới chỉ bắt đầu xuất khẩu gà trong một vài năm gần đây với kim ngạch rất ít? Kinh nghiệm của Thái Lan đó là bảo hộ nền chăn nuôi trong nước, để người chăn nuôi có lãi, đầu tư vào nuôi gà xuất khẩu. Thái Lan thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ hiệu quả. Nhờ vậy người dân Thái yên tâm đầu tư vào chăn nuôi gia cầm”.
Tính toán của Bộ Tài chính cũng đã chỉ rõ với mức thuế 20%, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn giá thành gà trong nước sản xuất. Với đà tăng trưởng nhập khẩu lên tới 50% mỗi năm thì ngành chăn nuôi gia cầm trong nước khó đứng vững. Nếu giảm thuế thêm 2% nữa, giá gà ngoại nhập càng thấp, gà nội sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần nội địa, chứ chưa nói tới việc phát triển để xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi gia cầm của Đông Nam Á đang phát triển rất tích cực. Hiệp hội Xuất khẩu gà thịt Thái Lan (TBPEA) cho biết, do giá thịt heo tăng vọt ở Trung Quốc đã khiến xuất khẩu thịt gà Thái Lan tăng lên 700% vào nước này trong khoảng từ tháng 1 – 7/2019. Xuất khẩu thịt gà của Thái Lan sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh, đạt 33.500 tấn chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới và cửa khẩu giao dịch thương mại sôi động với Trung Quốc, là cường quốc chăn nuôi với hàng chục triệu hộ nuôi gia cầm, nhưng chẳng những không tận dụng được lợi thế để xuất khẩu gà vào Trung Quốc trong năm 2019, ngược lại còn nhập khẩu khoảng 250.000 tấn thịt gà để tiêu thụ.
Được biết, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đang xúc tiến tìm thị trường cho sản phẩm gà Việt Nam xuất khẩu đi các nước. Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang tái cơ cấu hướng đến nâng cao thương hiệu và giá trị trên trường quốc tế. Song, để phát triển ngành chăn nuôi gà bền vững trước hết phải tránh việc “thua trên sân nhà” và cần tạo niềm tin vững chắc đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như người dân trong việc phát triển ngành chăn nuôi trong nước.