Nhân rộng mô hình nuôi gà kiến thả vườn

Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay luôn hướng đến sử dụng các sản phẩm chăn nuôi sạch tự nhiên, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, Công ty TNHH Giải pháp chất lượng VQB (Công ty VQB) đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ (KH-CN) liên kết “Mô hình nuôi gà kiến thả vườn tại xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa” (tỉnh Quảng Bình), đạt kết quả khả quan, cần nhân rộng.

Thực tế đã chứng minh, phát triển chăn nuôi gà kiến (gà ri ¾) thương phẩm thả vườn tại huyện Minh Hóa đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân ở xã Yên Hóa và hiện đang hướng tới xây dựng thương hiệu gà kiến Minh Hóa.

Tuy nhiên, các hộ dân nuôi gà kiến trên địa bàn đang gặp một số khó khăn, như: Nguồn giống gà chất lượng thấp, người dân chưa nắm bắt đầy đủ về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và thị trường tiêu thụ hạn chế do chưa khẳng định được thương hiệu.

Bên cạnh đó, hiện nay các nhà hàng trên địa bàn huyện Minh Hóa đang cần một nguồn cung gà kiến thương phẩm ổn định và có thương hiệu nhận diện sản phẩm nguồn gốc rõ ràng. Do đó, Công ty VQB chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH-CN “Mô hình nuôi gà kiến thả vườn tại xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa”, với quy mô 1.000 con gà kiến mới nở 1 ngày tuổi, tiến hành tại 2 hộ gia đình ở xã Yên Hóa (mỗi hộ nuôi 500 con).

nuôi gà kiến

Mô hình nuôi gà kiến thả vườn tại xã Yên Hóa (Minh Hóa) bước đầu thành công.

Theo đánh giá của Sở KH-CN, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN liên kết, bước đầu cho thấy, với tỷ lệ sống 85%, gà kiến thả nuôi có khả năng sinh trưởng, phát triển thích nghi và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa bàn thực nghiệm. Lợi nhuận từ mô hình đạt mục tiêu đề ra với gần 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, cần theo dõi thêm vì loại gà này hay mắc các bệnh, như: Phó thương hàn, tụ huyết trùng, bệnh cầu trùng, bệnh CRD… Các bệnh này giảm dần theo các tuần tuổi. Cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng việc bổ sung hỗn hợp rượu ngâm tỏi theo tỷ lệ 1:1, làm tăng tỷ lệ sống, giảm chi phí thức ăn và giảm tỷ lệ nhiễm bệnh thông thường.

“Ban đầu nuôi giống gà thả vườn chưa quen lắm, nhưng được cán bộ tạo điều kiện, hướng dẫn các bước nuôi theo quy trình kỹ thuật, sau 3 tháng nuôi, gà phát triển tương đối đồng đều, trung bình trọng lượng đạt 1,5-2kg/con. Cách thức nuôi cũng không khó, chăm sóc như nuôi gà thông thường; nếu xuất hiện gà bị bệnh thì kịp thời thực hiện theo hướng dẫn để điều trị sẽ đạt hiệu quả như mong muốn. Với nguồn thu nhập ổn định, sau khi xuất bán hết lứa gà này, sẽ tiếp tục nhân giống nuôi, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế gia đình”, ông Đinh Minh Tựu, thôn Yên Nhất, xã Yên Hóa (Minh Hóa)-1 trong 2 hộ tham gia mô hình cho hay.

Về thức ăn của gà, được sử dụng với nguyên liệu chính là ngô, cám gạo, thóc, thực phẩm xanh… khi sử dụng phải bảo đảm không mốc, không vón cục, không lẫn tạp chất. Tùy theo giai đoạn để sử dụng các loại thức ăn sao cho phù hợp, ban đầu sử dụng thức ăn công nghiệp, sau 41 ngày tuổi sử dụng thức ăn phối hợp; đến 4 tháng tuổi, gà bảo đảm đạt trọng lượng 1,5 kg/con trở lên.

Ngoài việc thả vườn rộng, có trồng cây tạo bóng râm cho gà, trung bình 1 m2/con, người nuôi cũng cần bố trí giàn đậu, máng ăn, dụng cụ sưởi ấm và chuồng có đệm lót sinh học và chú trọng vệ sinh chuồng trại.

Kỹ sư Đoàn Ngọc Anh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Minh Hóa, cho biết: Qua thử nghiệm mô hình đã đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của giống gà kiến; đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà kiến, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi giống gà đạt chất lượng này, làm cơ sở cho người chăn nuôi tham khảo, áp dụng trong phát triển kinh tế hộ gia đình và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương khẳng định: Với điều kiện đất đai vùng đồi núi dồi dào, khí hậu 2 mùa rõ rệt, địa bàn xã Yên Hóa phù hợp với mô hình nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà bà con trên địa bàn chưa thực sự mặn mà với việc chăn nuôi này. Hiện nay, với việc áp dụng quy trình kỹ thuật để chăn nuôi, mô hình triển khai thành công đã góp phần nâng cao nhận thức, trình độ chăn nuôi gà kiến thả vườn.

Để tạo điều kiện, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình, huyện sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi kết hợp với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn để bao tiêu sản phẩm, đồng thời kết hợp với hệ thống các siêu thị có uy tín, đặc biệt là các siêu thị bán hàng nông sản an toàn để phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Từ đó, tạo thêm việc làm tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân xã Yên Hóa và huyện Minh Hóa nói chung.

H.Trà

Nguồn: Báo Quảng Bình