Người chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn tăng chóng mặt
Ngành chăn nuôi trong nước đang chịu khó khăn kép khi giá bán sản phẩm không tăng (nhiều loại còn giảm) trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng nóng thời gian qua. Nguy cơ có những vụ phá sản đã được đặt ra.
Ngay đầu tháng 3, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt gửi thông báo tăng giá đến khách hàng với mức tăng 300 – 400 đồng/kg, cá biệt có công ty tăng giá đến 600 – 800 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá mới nhất và cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này và là tháng thứ 5 liên tiếp các công ty thông báo tăng giá tới khách hàng.
Giá thành tăng, giá bán giảm
Liên tiếp những ngày đầu tháng 3, ông Hoàng Văn Hậu (Trảng Bom, Đồng Nai) nhận được thông báo tăng giá từ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lớn như CP, De Heus, Emivest, Uni-President, Lái Thiêu…
Là đại lý TACN trong gần 20 năm qua, ông Hậu cho rằng mức tăng giá trong tháng 3 ở mức 300 – 600 đồng/kg, tùy công ty và tùy chủng loại, cao gấp đôi so với thông thường. Tổng cộng đã có 5 – 6 đợt tăng giá kể từ tháng 10/2020 đến nay, với mức tăng từ 17 – 30% so với trước.
Giá nguyên liệu thế giới tăng chóng mặt khiến các nhà máy trong nước liên tục phải tăng giá bán lẻ thức ăn chăn nuôi – Ảnh: Trần Mạnh
“Bên kinh doanh của các công ty nói các đại lý tranh thủ đặt hàng sớm trữ trong kho vì thời gian tới sẽ còn tăng giá nữa”, ông Hậu cho biết.
Ông Trần Quang Trung, chủ trại heo ở Thống Nhất (Đồng Nai), cho rằng chưa bao giờ giá cám lại tăng nhiều lần và tăng cao như hiện nay. Tính ra mỗi bao cám 25 kg đã tăng tới 40.000 đồng kể từ tháng 10-2020, mức tăng chưa bao giờ có.
Một số hộ chăn nuôi có thâm niên so sánh giá TACN thời gian qua tăng nhanh không khác gì diễn biến của đợt lạm phát năm 2008. “Nhưng điểm khác biệt là thời kỳ lạm phát giá cám tăng thì giá bán heo, gà, trứng cũng tăng, còn bây giờ thì ngược lại”, ông Trung phân tích.
Giá TACN tăng và chưa có dấu hiệu ngưng lại đã tác động trực tiếp đến giá thành chăn nuôi trong nước. Trong đó, tăng nhiều nhất là gà ta (tăng thêm 4.500 đồng/kg và giá thành là 45.000 đồng/kg), giá thành heo tăng khoảng 4.000 đồng/kg (giá thành 44.000 đồng/kg với nuôi khép kín và 60.000 đồng/kg nếu mua heo giống), gà công nghiệp tăng khoảng 2.700 đồng/kg giá thành lên 27.000 đồng/kg. Giá thành trứng cũng tăng thêm 200 đồng/quả, lên 1.600 đồng/quả.
Nguy cơ phá sản, biến động mạnh
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, ngành chăn nuôi của VN trong suốt cả năm 2020 và đầu năm 2021 chỉ có heo là vẫn có lời do nguồn cung thiếu hụt vì dịch tả heo châu Phi trước đó. Còn lại, chăn nuôi gà, vịt, trứng đều thua lỗ nặng nề và kéo dài.
Sau tết, giá bán gia cầm trong nước đang có sự hồi phục nhẹ vì hàng nhập khẩu về giảm hơn trước bởi khó khăn về container rỗng cũng như nhu cầu nhiều nước về thịt gà tăng lên. Thế nhưng, với việc tăng giá TACN quá nhanh như thời gian qua thì giá thành đã vượt xa mức tăng giá. Do đó, người chăn nuôi gia cầm tiếp tục kéo dài chuỗi thua lỗ của cả năm 2020 sang năm 2021 và cũng chưa biết khi nào mới hết.
“Giá cám sẽ còn tăng nữa do nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ đe dọa phá sản ngành chăn nuôi gia cầm của VN trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cảnh báo.
Ông Phạm Đức Bình – phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi – cho biết giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh thời gian qua do các yếu tố về mất mùa và nhất là Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu với số lượng kỷ lục dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng hóa cũng làm giá nguyên liệu về đến VN tăng lên. “So với mức tăng của nguyên liệu thì giá bán lẻ tăng thấp hơn nhiều do các doanh nghiệp thường mua hàng trữ rồi đưa vào sản xuất dần” – ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, với các tác động nói trên, ngành sản xuất TACN và ngành chăn nuôi của VN trong thời gian tới sẽ có những biến động lớn. Với sản xuất TACN, những công ty có nhiều vốn, dự đoán tốt thị trường để mua hàng khi giá còn thấp bây giờ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.
“Do có độ trễ về thời gian nhập hàng và thời gian sản xuất nên đến tháng 4-2021 các nhà máy tại VN mới đưa hàng nhập khẩu với giá cao nhất vào sản xuất thì giá bán lẻ sẽ tiếp tục tăng nữa. Nhưng như vậy thì không thể cạnh tranh nổi với các công ty lớn vẫn còn hàng giá thấp hơn trong kho. Thị trường TACN sẽ có nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, thậm chí phá sản vì không phải cứ muốn tăng giá bán cho nông dân là được”, ông Bình cảnh báo.
Đối với ngành chăn nuôi, việc phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu là một rủi ro khi giá thế giới biến động. Cùng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ và không có liên kết sẽ đẩy giá thành lên cao và không chia sẻ được rủi ro nên sẽ dẫn đến thua lỗ.
“Đây là khó khăn cho ngành nhưng cũng là cơ hội để những doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi (từ TACN, chuồng trại đến chế biến kinh doanh thịt) phát triển. Bởi vì những chuỗi này có thể san sẻ được rủi ro trong các khâu nên vẫn đảm bảo có lời hoặc không lỗ. Và đây cũng là xu hướng kinh doanh mà các nước tiên tiến đã làm”, ông Bình nói.
5 tháng tăng giá 7 lần
Theo các thông báo nhận được từ các công ty thì trong 5 tháng vừa qua, mặt hàng có mức tăng cao nhất trong một lần điều chỉnh là sản phẩm hỗn hợp dành cho cá của Công ty TNHH thức ăn gia súc Lái Thiêu với mức tăng lên tới 800 đồng/kg vào tháng 2-2021.
Công ty có số lần tăng giá nhiều nhất là Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam, với 7 lần tăng giá trong khoảng thời gian trên. Các công ty khác tăng giá từ 3 – 5 lần.