Ngỗng Reinland

Ngỗng Reinland hay ngỗng Rên (Rhein) là giống ngỗng nhà có nguồn gốc từ vùng Reinland của nước Đức. Chúng được Việt Nam công nhận là một giống vật nuôi cao sản và hiện được nuôi rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới do có ưu điểm vượt trội.

Đặc điểm

Ngỗng Reinland có đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống chuyên thịt. Thân nở, đầu to, mỏ ngắn và khỏe, có màu vàng da cam. Mắt có màu xanh, mí mắt viền vàng sẫm, đầu không có mào như một số khác. Cổ to, hơi ngắn. Thân có kích thước trung bình. Ngực rộng và sâu. Cánh to và khỏe, nhờ đó ngỗng có thể xòe cánh bay là là trên mặt đất hay mặt nước ao hồ. Chân màu vàng da cam.

Ngỗng có lông màu trắng tuyền. Ngỗng Reinland khi trưởng thành ngỗng đực nặng 4,5 – 5 kg/con, ngỗng cái nặng 3,8 – 4,3 kg/con. Khối lượng cơ thể lúc 77 ngày tuổi, con mái nặng 3,6 kg, con trống nặng 4 kg/con. Thành thục lúc 7,5 tháng tuổi. Năng suất trứng 57 quả/mái/năm. Tỷ lệ phôi 88 – 92%, tỷ lệ nở/phôi 75,4%. Ngỗng được nuôi để lấy thịt, vỗ béo lấy gan và lấy lông.

Trong việc chọn ngỗng trống, chọn những con có lý lịch rõ ràng, có các chỉ tiêu giống của ngỗng bố về tốc độ sinh trưởng và khả năng cho phôi cao, màu lông phải đặc trưng cho giống (trắng tuyền đối với ngỗng Reinland, màu lông xám đối với ngỗng cỏ), đầu to, mắt sáng, dáng hùng dũng, gai giao cấu có hình chấm đậu, khối lượng đạt 4,2 – 4,5 kg/con (Reinland); 3,8 – 4,2 kg/con (ngỗng cỏ).

Chọn ngỗng mái: Chọn những ngỗng mái xuất phát từ các con mẹ có khả năng đẻ trứng tốt, thời gian đẻ kéo dài và tỷ lệ phôi cao, không có tính đòi ấp. Màu lông phải đặc trưng cho giống (trắng tuyền với ngỗng Reinland, màu lông xám với ngỗng cỏ) đầu nhỏ, mắt sáng, dáng thanh hình thoi, vòm bụng nở, khối lượng cơ thể đạt 3,6 – 3,8 kg lúc 77 ngày tuổi (Reinland); có màu lông xám 3,5 – 3,7 kg lúc 120 ngày (ngỗng cỏ).

Bình quân ngỗng mái đẻ được 45 – 55 quả mỗi vụ, năm thứ hai ngỗng mái đẻ cao hơn, khối lượng từ 120 – 200 g. Tỷ lệ ngỗng đực là 1/4. Tuổi đẻ của ngỗng mái khoảng 220 – 250 ngày. Ngỗng Reinland có tốc độ sinh trưởng nhanh, đến 8 tuần tuổi ngỗng có bộ khung to nhưng chưa nhiều thịt, phải nuôi thêm 2 – 3 tuần nữa thì mới có thể đưa vào chế biến và nhồi béo lấy gan. Khối lượng cơ thể 10 tuần tuổi đạt 3,7 – 3,9 kg. Nuôi nhốt công nghiệp có thể đạt 4,5 kg, ngỗng cái nhỏ hơn ngỗng đực khoảng 0,5 – 0,8 kg tùy tuổi giết thịt. Ngỗng Reinland rất phù hợp nuôi nhồi lấy gan.

Ở Việt Nam

Giống ngỗng Reinland được nhập vào Việt Nam năm 1976 từ Hungari. Ngỗng được nuôi ở nhiều nơi thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng như Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội), Cẩm Giàng (Hải Dương), Khoái Châu (Hưng Yên), Yên Phong, Việt Yên (Bắc Giang), Vĩnh Yên, Vĩnh Lạc (Vĩnh Phúc). Chúng được công nhận là giống vật nuôi cao sản ngoại nhập. Viện Chăn nuôi cũng đã có công trình nghiên cứu thích nghi giống ngỗng Reinland và được Nhà nước công nhận giống năm 1986, là tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất ở Việt Nam.

Hiện ngỗng Reinland hay ngỗng lai Reinland được nhiều người dân nhân giống nuôi khá thành công. Ông Trần Văn Tân ở xã Kim Tân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình những năm trước quyết định nuôi ngỗng Reinland lai vì gia đình ông có bãi đất rộng, phù hợp với tập tính loài ngỗng nên sau khi nuôi thử nghiệm, đàn ngỗng lớn rất nhanh. Sau gần 3 năm nuôi, đến nay đàn ngỗng của gia đình tôi đã lên tới hơn 700 con. Cũng theo ông Tân, ngỗng của gia đình ông nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là cỏ, rau và thóc lúa nên thịt chắc, thơm ngon được thương lái đặt mua hết. “Ngỗng phải nuôi trên 8 tháng thì thịt mới chắc, thơm ngon. Nhà tôi có bãi đất ven sông rộng tới 4 ha, nên cứ thả vô tư ra đó cho đàn ngỗng gặm cỏ, chỉ đầu giờ buổi sáng và cuối giờ chiều là tôi cho đàn ngỗng ăn thêm thóc. Hiện nay, gia đình ông Tân đang có hơn 700 con ngỗng trưởng thành, trung bình mỗi con nặng từ 4 – 5 kg, với giá bán vào thời điểm hiện tại khoảng 70.000 đồng/kg.

Ngoài bán ngỗng thương phẩm, mỗi năm ông Tân còn xuất ra thị trường hơn 2.000 con ngỗng giống thu về gần 100 triệu đồng. “Con ngỗng thì cực kỳ dễ nuôi, phù hợp với chăn thả và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại gia cầm khác. Như mọi năm thì giá dao động khoảng 100.000 đồng/kg. Tuy năm nay giá có giảm nhưng nhìn chung vẫn có lãi”.

Về kỹ thuật nuôi ngỗng, ông Tân cho biết, ngỗng là loại gia cầm dễ nuôi, ít bị dịch bệnh và chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi cần chú ý giai đoạn lúc ngỗng còn nhỏ. Vì thời điểm này ngỗng con rất yếu, ngoài ra ở giai đoạn này cần phải bổ sung thêm rau xanh cho ngỗng ăn. “Nếu gia đình có bãi chăn thả rộng, cỏ nhiều, rau nhiều thì có thể chọn nuôi ngỗng để làm giàu, bán Tết lại được giá…” ông Tân chia sẻ.

Tương tự, anh Hồ Văn Châu (ngụ ấp Mỹ Tân, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) khởi nghiệp bằng 20 con ngỗng lai con mua về làm chuồng thả nuôi. “Không ngờ khi thả nuôi lại gặp rất nhiều thuận lợi. Đàn ngỗng phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Càng nuôi càng mê, từ đó tôi quyết định nhân đàn để nuôi số lượng lớn hơn”, anh Châu nói. Đến nay, sau 4 năm khởi nghiệp hiện đàn ngỗng của anh Châu đã có gần 200 con, chủ yếu là ngỗng mái đẻ lấy trứng ấp bán con giống và nhân đàn, còn ngỗng trống thì nuôi thương phẩm. Mỗi năm đàn ngỗng giúp gia đình anh có thu nhập gần 100 triệu đồng.

>> Theo kinh nghiệm của người nuôi ngỗng, để hạn chế và phòng ngừa dịch bệnh trên đàn ngỗng thì khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại cần áp dụng theo định kỳ hàng tuần. Đặc biệt phải thường xuyên tiêm phòng vaccine để phòng ngừa bệnh, tăng sức đề kháng cho ngỗng.

Ngọc Diệp