Ngành gia cầm Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp khi tham gia CPTPP, EVFTA

Ðến nay, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do; Trong đó CPTPP và EVFTA được đánh giá là hai hiệp định thế hệ mới, tiểu chuẩn cao và toàn diện nhất. Vậy, ngành gia cầm Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức như thế nào khi thực thi hai hiệp định này?

Nội dung chính

CPTPP

Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký ngày 9/3/2018 tại Chilê (có hiệu lực thi hành tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019). Theo đó, có 11 quốc gia tham gia: Australia, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Newzealand, Peru, Singapore và Việt Nam với dân số gần 500 triệu người; GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu về thương mại, chiếm 15,2% so với toàn cầu (hơn 10.000 tỷ USD).

Hiệp định CPTPP gồm 7 Ðiều và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định TPP đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand. Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục). CPTPP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Hiệp định này đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại. Ðồng thời, xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước… Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Theo đó, thuế nhập khẩu thịt tươi ướp lạnh là 27% sẽ xóa bỏ sau 10 năm; Ðối với thịt đông lạnh thuế suất 15% và xóa bỏ sau 8 năm.

EVFTA

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 30/3/2020 và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2020. Các nội dung chính của Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ. Trong đó, quy định về: Thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS); Các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ; Ðầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý – thể chế.

Về thương mại hàng hóa: Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối hàng hóa Việt Nam với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ðối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Cụ thể, với EVFTA, thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ mức 27,5% sẽ về 0% sau 7 năm; Thuế nhập khẩu heo tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm. Ngoài ra, Việt Nam phải xóa bỏ ngay lập tức 31,8% số dòng thuế sản phẩm chăn nuôi nói chung; 6 dòng thuế gồm các sản phẩm gia cầm áp dụng hạn ngạch; Số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 – 9 năm.

             Khả năng cạnh tranh của ngành gia cầm Việt Nam còn thấp – Ảnh: TTXVN

Cơ hội

Thu hút đầu tư, tiếp cận công nghệ và trình độ quản trị doanh nghiệp hiện đại

Sau khi CPTPP, EVFTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các dòng vốn FDI và cho đầu tư gián tiếp, hoạt động mua cổ phần, mua bán sáp nhập… Các nước thành viên CPTPP, EVFTA đều có ngành chăn nuôi phát triển ở trình độ cao, sẽ tạo cơ hội cho ngành gia cầm Việt Nam thu hút đầu tư, tiếp cận các công nghệ hiện đại từ giống, thức ăn, trang thiết bị, giết mổ chế biến đến kinh nghiệm quản lý, điều hành và quản trị doanh nghiệp từ các quốc gia trong khối. Các hiệp định này cũng sẽ tạo điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Các điều khoản và điều kiện được nêu trong CPTPP, EVFTA sẽ tạo ra một khuôn khổ thương mại cho phép tiếp cận thị trường lớn hơn giữa các quốc gia thành viên. Hiện, các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công, nông nghiệp của Việt Nam. Thị trường CPTPP chiếm khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt, nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho Việt Nam. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.

Tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu

Các nước CPTPP và EU chiếm trên 35% GDP toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia, EU sẽ mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Tham gia các hiệp định trên sẽ giúp Việt Nam hạn chế được sự phụ thuộc vào một khu vực hay một thị trường như trước đây.

Thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách chăn nuôi

Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta chịu sức ép lớn, buộc phải đổi mới một cách toàn diện theo hướng hiện đại và hội nhập sâu rộng hơn.

Thách thức

Khả năng cạnh tranh của ngành gia cầm Việt Nam thấp

Ngoại trừ một số doanh nghiệp sản xuất gia cầm quy mô lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, đạt năng suất tương đối cao, có khả năng cạnh tranh, còn lại đại đa số cơ sở sản xuất gia cầm ở nước ta vẫn là quy mô sản xuất vừa và nhỏ, năng suất thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh yếu. Các yếu tố đầu vào của ngành chăn nuôi nước ta vẫn phụ thuộc vào nguồn cung của thế giới.

Dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường

Dịch cúm gia cầm H5N1, H5N2, H5N7 và một số bệnh khác… vẫn xảy ra tại một số địa phương. Trong khi đó, đến nay Việt Nam mới có trên 50 vùng (cấp huyện) và hơn 1.000 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh. Ðây là những con số còn quá thấp so với yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn diễn ra.

Cạnh tranh gay gắt thị trường nội địa

Áp lực cạnh tranh trong nước sẽ gia tăng khi CPTPP, EVFTA có hiệu lực bởi thuế nhập khẩu thịt gà, trứng… sẽ giảm xuống 0% trong vòng 8 – 10 năm tới. Nhiều quốc gia trong CPTPP và EU có ngành gia cầm phát triển, quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm cao, giá thành rẻ sẽ tấn công thị trường Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,7 tỷ USD các sản phẩm chăn nuôi, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo khi thuế nhập khẩu xuống 0%, sản lượng thịt gà nhập khẩu sẽ gia tăng mạnh. Do đó, sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa về sản phẩm gia cầm càng trở nên gay gắt hơn.

Hàng rào phi thuế quan

 Toàn cầu hóa hay tự do hóa thương mại đều có những mặt trái như hàng loạt hàng rào phi thuế quan được các nước dựng lên từ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh đến tiêu chuẩn kỹ thuật. Các thị trường của khối nổi tiếng “khó tính” như: EU, Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Singapore có tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với thực phẩm. Ðồng thời, chính hàng hóa nước họ cũng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam khi cùng xuất khẩu tới một nước thành viên khác của CPTPP và EU.

Khuyến nghị các giải pháp

Hoàn thiện thể chế, chính sách

* Về thể chế: Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của CPTPP và EVFTA. Cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, thức ăn, thuốc thú y. Rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hành chính liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi không còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (hàng rào phi thuế quan) để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm chăn nuôi gia cầm, vật tư chăn nuôi nhập khẩu bảo đảm hài hòa với chuẩn mực quốc tế.

* Về chính sách: Cần một khung chính sách để tối ưu hóa các nguồn lực phát triển nhằm phát huy tiềm năng ngành chăn nuôi nước ta. Khi xây dựng và thiết kế chính sách cần tiếp cận liên ngành; trong đó, đưa ra các kịch bản để dự đoán sự phát triển trong tương lai và định hướng hệ thống. Chăn nuôi gia cầm cần được đặt trong bối cảnh chung của ngành nông nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Các chính sách cần phải huy động được tối đa nguồn lực xã hội, đặc biệt từ khu vực kinh tế tư nhân; Tối ưu hóa việc phân bổ các nguồn lực phát triển thông qua quản lý hợp lý; Bảo đảm hiệu quả; Cân nhắc phân bổ vốn chủ sở hữu hài hòa (cả chi phí và lợi ích); Bảo đảm sự ổn định và cân nhắc rủi ro, tính bền vững (môi trường, tài chính và thể chế) và phù hợp với các mục tiêu chung của quốc gia.

Ðiều chỉnh chiến lược phát triển

Cần phải đổi mới chiến lược phát triển ngành gia cầm theo 4 nội dung:

* Ðổi mới về chủ thể và quy mô sản xuất: Từ hộ chăn nuôi phân tán, doanh nghiệp nhỏ là chính sang trang trại, doanh nghiệp vừa và lớn.

* Ðổi mới về mục tiêu phát triển: Từ mục tiêu xóa đói giảm nghèo là chính sang mục tiêu làm giàu và nâng cao giá trị gia tăng.

* Ðổi mới về sản phẩm: Từ tăng về số lượng sang tăng về chất lượng; Từ sản phẩm tươi sống là chính sang sản phẩm tươi sống, đông lạnh và chế biến.

* Ðổi mới về thị trường: Từ thị trường trong nước là chính sang thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị

Mở rộng sản xuất theo các chuỗi giá trị, bao gồm liên kết dọc và liên kết ngang trong ngành hàng gia cầm, trong đó các doanh nghiệp sẽ là đầu tàu của chuỗi. Ðẩy mạnh khâu chế biến sản phẩm gia cầm. Trong trung hạn cũng như dài hạn, phải tập trung các nguồn lực xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Tiếp tục khuyến khích phương thức chăn nuôi theo hợp đồng giữa các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn, hợp tác xã, nhưng cần rà soát, điều chỉnh lại các phương thức chăn nuôi gia công chưa phù hợp. Cần sửa đổi chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, trong đó xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Nhà nước cần đóng vai trò trung gian để hỗ trợ, trọng tài, tạo dựng lòng tin của các chủ thể trong chuỗi.

Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại

Ðể nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, việc ứng dụng công nghệ cao là giải pháp quan trọng, mang tính quyết định tới sự thành công của ngành gia cầm. Các công nghệ cao được áp dụng trong lĩnh vực chọn tạo giống, ấp nở, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccine, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi, giết mổ có thể góp phần tăng năng suất lên 15 – 20% từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Ðặc biệt, các doanh nghiệp lớn cần đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ 4.0 vào các lĩnh vực sản xuất gia cầm.

Nguyễn Thanh Sơn

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam