Ngành gia cầm Việt Nam: 4 chiến lược đổi mới

Là ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng, 10 năm gần đây, ngành gia cầm Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua.

Tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững

Tổng đàn gia cầm từ 100 triệu con vào năm 2010 đã tăng lên gần 500 triệu con vào năm 2019; Sản lượng thịt gia cầm từ 600.000 tấn đã tăng gấp đôi, lên hơn 1,2 triệu tấn; Sản lượng trứng cũng tăng từ 6 tỷ quả lên hơn 13 tỷ quả. Sản phẩm thịt, trứng gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho hơn 95 triệu dân trong nước mà bước đầu đã có xuất khẩu chính ngạch. Ước tính giá trị sản xuất của ngành gia cầm năm 2019 đạt trên 25,0%.

Bên cạnh phương thức chăn nuôi truyền thống, đã hình thành và phát triển các phương thức sản xuất gia cầm công nghiệp, trang trại quy mô lớn với công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại, vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cũng được cải thiện đáng kể. Nếu xét về tổng thể, năng suất và chi phí sản xuất gia cầm nước ta đang thuộc nhóm trung bình, nhưng nếu tính riêng ở khu vực chăn nuôi trang trại, công nghiệp thì các chỉ tiêu này của Việt Nam cũng xấp xỉ với các nước phát triển trong khu vực. Đặc biệt, ngành gia cầm Việt Nam tự hào đã chọn lọc, lai tạo được một số bộ giống gà lông màu xuất phát từ các giống gà bản địa có năng suất chất lượng cao, không những nổi tiếng trong nước mà còn được đánh giá cao ở nước ngoài.

Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang hướng đến chăn nuôi thương mại quy mô lớn, hiện đại. Ảnh: PTC

Tuy nhiên, ngành gia cầm nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ; Sản phẩm tiêu thụ nội địa là chính, nhưng ở mức độ thấp so với nhu cầu; Sản phẩm chế biến, đặc biệt chế biến sâu chưa nhiều, vì vậy, thị trường tiêu thụ trong nước bấp bênh. Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, dẫn đến rủi ro rất cao, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ. Những yếu tố nêu trên đã dẫn đến sự phát triển của ngành hàng này, mặc dù ở mức tăng trưởng tương đối cao, nhưng kém bền vững.

Cần phải đổi mới

Trong chiến lược phát triển chăn nuôi thời kỳ mới, ngành gia cầm được đánh giá là ngành hàng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nước ta.Vì vậy, để ngành này phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cả trong và ngoài nước, theo quan điểm của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), cần phải đổi mới chiến lược phát triển theo hướng sau:

Đổi mới về chủ thể và quy mô sản xuất: Từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ là chính -> Trang trại, doanh nghiệp vừa và lớn.

Đổi mới về mục tiêu phát triển: Từ mục tiêu xóa đói giảm nghèo -> Làm giàu và nâng cao giá trị gia tăng.

Đổi mới hướng phát triển và sản phẩm: Từ tăng về số lượng -> Tăng về chất lượng; Từ sản phẩm tươi sống là chính -> Sản phẩm tươi sống, đông lạnh và chế biến.

Đổi mới về thị trường: Từ thị trường trong nước là chính -> Thị trường trong nước và ngoài nước.

Và để thực hiện thành công định hướng phát triển nêu trên, cần phải thực thi một loạt các giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần đổi mới thể chế, chính sách chăn nuôi phù hợp với thông lệ quốc tế; Đổi mới công nghệ, phương thức tổ chức sản xuất cho đến công tác quản lý ngành.

Nỗ lực của VIPA

Là hiệp hội ngành hàng với sự tham gia của phần lớn các doanh nghiệp và chủ trang trại hoạt động trong lĩnh vực gia cầm rộng khắp cả nước với hơn 250 hội viên, về thị phần chiếm 60 – 70% sản vào con giống, thịt và trứng, VIPA đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành gia cầm nước ta. Một trong những ưu tiên trong hoạt động của VIPA là “đẩy mạnh giao thương nội khối”, vì vậy, thời gian qua, VIPA đã và đang tạo môi trường hợp tác, thực hiện chuỗi liên kết giữa các hội viên trong sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dịch vụ, đầu tư, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu khảo sát thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tổ chức hội thảo, tọa đàm, triển lãm, xuất bản ấn phẩm thông tin, quảng bá doanh nghiệp; Tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức về kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp và hội nhập kinh tế thế giới; Giúp đỡ các tài năng trẻ trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, VIPA đã coi trọng mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, tham gia các sự kiện quốc tế có liên quan nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường ngoài nước.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành chăn nuôi, VIPA sẽ tiếp tục phấn đấu là đầu tàu của ngành gia cầm Việt Nam trong việc đổi mới công nghệ, phương thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để hoàn thành vai trò trên, VIPA kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên một số vấn đề sau:

Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng để các doanh nghiệp hội viên mở rộng đầu tư, nâng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất chế biến gia cầm. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính về xuất khẩu các sản phẩm, vật tư gia cầm cũng như công nhận các sản phẩm mới về con giống, thuốc thú y được sản xuất trong nước. Xây dựng hàng rào kỹ thuật không trái với thông lệ quốc tế nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Ủng hộ chủ trương của VIPA về xây dựng và thực hiện Chương trình trứng gia cầm học đường. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm tại một số thị trường tiềm năng.

>> Về phía VIPA, sẽ tiếp tục phấn đấu để giữ vững giá trị cốt lõi là: Vì lợi ích chung; In đậm dấu ấn; Phát triển không ngừng; An toàn, bền vững. Đây cũng chính là ý nghĩa của 4 chữ cái viết tắt VIPA – Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam.

TS. Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam