Ngành gia cầm thế giới năm 2023: Trong nguy có cơ
Ngành chăn nuôi gia cầm toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn từ phía nguồn cung, nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn mạnh, nâng triển vọng toàn ngành lên mức tích cực trong năm 2023.
Tuy thị trường gia cầm năm 2022 diễn biến thuận lợi nhưng toàn ngành gia cầm vẫn phải chịu gánh nặng từ chi phí đầu vào tăng vọt và sự bất ổn bao trùm cả năm sau. Cùng đó, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt suy thoái kinh tế và lạm phát kéo dài, nên chi tiêu cũng dè dặt hơn và có xu hướng chuyển sang thực phẩm giá thấp như thịt gia cầm. Tuy nhiên vẫn có tín hiệu tích cực, đó là nhu cầu tiêu thụ thịt gà vẫn ổn định trong khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn.
Thách thức về chi phí
Trong báo cáo quý mới nhất, Rabobank dự báo, chi phí thức ăn trong năm 2023 tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài tháng đầu năm, nhưng có khả năng thấp hơn 10 – 15% so quý II/2022. Sự sụt giảm này một phần do sản lượng ngô, đậu tương của Brazil và vụ lúa mì của Mỹ được dự báo tích cực trong 6 tháng qua.
Trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi có thể chuyển biến tích cực, thì chi phí năng lượng vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là khu vực châu Âu vẫn phải gánh chịu giá khí đốt đắt đỏ. Chi phí năng lượng tăng cao sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến các trang trại chăn nuôi và chế biến gia cầm. Đặc biệt, lĩnh vực chế biến sẽ hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi hàng loạt chi phí như phân phối và bảo quản lạnh đồng loạt tăng.
Tuy nhiên, mức tăng của chi phí năng lượng ở mỗi khu vực không giống nhau. Châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á là những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, trong khi các khu vực khác ít bị ảnh hưởng hơn, đặc biệt ở Nam bán cầu.
Mối đe dọa từ dịch cúm
Dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng toàn cầu với số ca nhiễm không ngừng tăng tại Bắc bán cầu, thậm chí ngay cả trong những tháng hè ở Đông Nam Á và châu Phi. Nguy cơ lây lan dịch bệnh và tình trạng gián đoạn trong các hoạt động buôn bán gia cầm giống gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung ở một số khu vực vào năm sau. Châu Âu, Mỹ và Mexico là các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và sự tồn tại dai dẳng của virus ngay cả khi mùa đông đã qua cho thấy đại dịch này đang ngày càng phổ biến hơn.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung gà giống bố mẹ nội địa tiếp tục xảy ra ở một số nơi trên thế giới như châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh do ảnh hưởng của COVID-19 và cúm gia cầm.
Tiêu thụ tiếp tục tăng
Trong khi ngành chăn nuôi gia cầm toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung, thì nhu cầu tiêu thụ thịt gà vẫn rất cao. Kinh tế toàn cầu suy yếu hơn cộng với những áp lực chi tiêu sẽ góp phần nâng cao mức tiêu thụ thịt gà ở nhiều thị trường trong năm 2023.
Tuy nhiên, không phải lúc nào điều kiện thị trường cũng thuận lợi. Ví dụ, ở Brazil, các nhà sản xuất phải chật vật ứng phó với tình trạng cung vượt cầu. Dù có vài tín hiệu tích cực như chi phí thức ăn giảm và giá gia cầm tăng, nhưng thị trường này vẫn còn nhiều thách thức. Tương tự tại Mỹ, nguồn cung gia cầm tăng vọt khiến lợi nhuận giảm, nhưng cả Mỹ và Brazil đều hoạt động tốt trên thị trường xuất khẩu.
Thị trường gia cầm tại châu Âu sẽ diễn biến tích cực hơn. Giá thịt gà vẫn duy trì ở mức cao do sản lượng thấp, trong khi thị trường tiêu thụ gia cầm chính của châu Âu là Trung Quốc đang phục hồi dần với nguồn cung hạn chế. Tại Thái Lan, Dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung thịt heo giảm mạnh, đồng thời đẩy giá thịt gà nội địa lên cao.
Tại Nhật Bản, giá tăng và tồn kho giảm do nguồn cung gia cầm địa phương không đuổi kịp nhu cầu tiêu thụ. Ở Đông Nam Á, các quốc gia Việt Nam, Malaysia, Bangladesh, và Indonesia đang phải sử dụng biện pháp can thiệp của Chính phủ do giá cả tăng cao.
Bùng nổ thương mại
Nguồn cung hàng hóa nội địa khan hiếm là cú hích cho thương mại gia cầm bùng nổ. Tình trạng nguồn cung bị thắt chặt đã diễn ra trong năm 2022 còn tiếp tục lặp lại trong vài tháng tới. Giá thịt gà trên toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao, trong đó giá trị thương mại của các sản phẩm như đùi và ức gà đang tiếp tục tăng. Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc giảm nên giá gà đang đi xuống, tuy nhiên giá mặt hàng này được dự kiến sẽ sớm quay đầu tăng trở lại.
Các thị trường chính như châu Âu, Nhật Bản, Ả Rập và UAE tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu gia cầm. Một số thị trường như Ả Rập, Nam Phi và Philippines đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu để kìm hãm lạm phát. Các quốc gia khác có thể sẽ làm theo.
Xuất khẩu của châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế liên quan đến dịch cúm gia cầm, trong khi Thái Lan cũng đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường quốc tế do chi phí tăng cao hơn. Năm tới, ngành gia cầm Thái Lan có thể lấy lại thị phần đã mất nhưng hưởng lợi nhiều nhất trong những tháng đầu năm 2023 tiếp tục là Mỹ, Brazil và Trung Quốc.
Tuấn Minh (Tổng hợp)