Ngành gia cầm 2022: Tâm thế mới, kỳ vọng mới
Dự báo năm 2022, ngành gia cầm Việt Nam lạc quan một cách thận trọng về tình hình sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn sẽ đương đầu với nhiều thách thức. Tuy vậy, so với năm 2021, bức tranh tổng thể đối với ngành này trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn.
Thăng trầm 2021
Năm 2021 khép lại với nhiều thăng trầm cho ngành gia cầm Việt Nam. Dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 là cú sốc lớn về y tế, tác động lên mọi mặt của nền kinh tế và xã hội. Ngành gia cầm cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khiến tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Ước tính tỷ lệ tăng trưởng về sản lượng của ngành gia cầm năm 2021 chỉ đạt 1,5 – 1,7%, trong khi giá trị gia tăng được cho là tăng trưởng âm.
Thực ra, câu chuyện khó khăn của ngành gia cầm đã xuất hiện từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi mà năm 2019, ngành này đã phát triển quá nóng, dẫn đến cung vượt cầu, giá sản phẩm bắt đầu giảm. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng thịt gia cầm năm 2019 đã tăng đột biến lên 35%, trứng tăng 24% so năm 2018. Chính vì vậy, bước sang năm 2020, đặc biệt năm 2021, theo điều tiết của quan hệ cung cầu, tăng trưởng của ngành này đã bắt đầu chậm lại, thậm chí 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng trưởng âm so cùng kỳ năm 2020. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh kể từ cuối tháng 4/2021 cùng với “bão giá” thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã bồi thêm cú đánh knock-out đối với ngành hàng này, khiến cả tổng cung và tổng cầu đều sụt giảm nghiêm trọng.
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), bình quân trong năm 2020, tổng đàn gà cả nước sản xuất hàng tháng khoảng 50 – 60 triệu con/tháng. Trong đó miền Bắc 23 triệu con (gà trắng 6 triệu, gà màu 17 triệu con/tháng), miền Nam 36 triệu/tháng (gà trắng 12 triệu con, gà lông màu 24 triệu con). Ðến quý I, II và III/2021, bình quân đàn gà cả nước giảm xuống còn 33 – 35 triệu con/tháng (trong đó miền Bắc còn 13 – 14 triệu con/tháng, miền Nam còn 17 – 18 triệu con/tháng). Mức sụt giảm mạnh nhất ở khu vực chăn nuôi nông hộ và gia trại không liên kết. Ðàn vịt cả nước từ 6,5 – 7 triệu con/tháng năm 2020 xuống còn bình quân 4,5 – 5 triệu/tháng năm 2021. Sản lượng trứng 40 – 41 triệu quả/ngày năm 2019 xuống còn bình quân 32 – 33 triệu quả/ngày trong bình quân 3 quý của năm 2021. Trong 2 tháng 11 và 12, sau khi cả nước dỡ giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, thì ngành gia cầm bắt đầu có sự tăng trưởng khá hơn cả tổng cung và tổng cầu, nhưng vẫn thấp hơn so năm 2020.
Về thương mại, do thị trường gia cầm giảm mạnh cả cung và cầu trong 3 quý đầu năm, khiến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm đều gặp rất nhiều khó khăn, giá bán con giống và gia cầm thịt đều giảm sâu (có thời điểm gà lông trắng chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg) chỉ trừ mặt hàng trứng là có thời điểm tăng giá mạnh (tháng 8, 9 tăng lên 2.500 – 3.000 đồng/quả). Tại miền Bắc không có tình trạng bị tồn đọng lớn gà thịt như ở miền Nam, nhưng mức độ tiêu thụ chậm và giá bán so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội đều giảm mạnh. Trong khi đó, thịt gà đông lạnh nhập khẩu không ngừng gia tăng trong năm qua càng tạo áp lực lớn đối với sản xuất và tiêu thụ trong nước. Ước tính sản lượng thịt gà đông lạnh nhập khẩu cả năm 2021 khoảng 200.000 – 210.000 tấn.
Cuộc khủng hoảng về COVID-19 và giá TĂCN trong năm 2021 đã vẽ lại bức tranh tổng thể về cơ cấu thành phần và phương thức chăn nuôi gia cầm ở nước ta. Theo đó, thành phần và tỷ lệ số hộ, gia trại chăn nuôi đơn lẻ không tham gia chuỗi liên kết đã bị giảm mạnh và nhường chỗ cho số hộ và trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Dù có triển vọng lạc quan, song ngành gia cầm năm 2022 vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức – Ảnh: Lượng Huệ
Dự báo cơ hội…
Sau một năm vật lộn, dự báo ngành gia cầm nước ta bước sang năm 2022 với một số cơ hội và thách thức đan xen.
Thứ nhất, nếu năm 2022 dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, không bùng phát trở lại, các hoạt động kinh tế, xã hội vẫn duy trì ở trạng thái bình thường mới, khiến tổng cầu thực phẩm tăng lên. Ðặc biệt, nếu ngành du lịch mở lại các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, các trường học đón học sinh trở lại học tập trực tiếp sẽ góp phần kích cầu thực phẩm, trong đó nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm sẽ tăng. Ðây là cơ hội để ngành gia cầm lấy lại đà tăng trưởng, sản xuất sẽ phục hồi và tổng cung sẽ tăng dần từ quý II/2022.
Thứ hai, Nhà nước đã và sẽ ban hành nhiều chính sách mới, trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp và người dân cũng như phòng, chống dịch bệnh với tổng mức khoảng 200.000 tỷ đồng. Riêng Nghị định 52 đã quy định giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp 115.000 tỷ đồng; Nghị định 92 cũng đã giảm 21.300 tỷ đồng và các vấn đề liên quan; Quỹ vaccine huy động được gần 9.000 tỷ đồng. Ðồng thời, Chính phủ đang cân nhắc đưa ra gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ, 2 năm khoảng 40.000 tỷ. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, từ đó sẽ tạo việc làm, thúc đẩy tăng sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 4 giải pháp bổ sung về miễn, giảm thuế gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong các quý III và IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn chịu tác động của dịch COVID-19; Giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; Miễn tiền chậm nộp phát sinh đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020.
… và những thách thức
Bên cạnh các cơ hội, năm 2022, ngành gia cầm sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể nghĩ đến một triển vọng lạc quan hơn. Chỉ 40% người tham gia khảo sát tin rằng, tình hình sẽ được cải thiện, 28% dự báo sẽ phải đối mặt với tình hình sụt giảm lợi nhuận và 32% cho rằng lợi nhuận không tăng trưởng. Sau đây là 3 thách thức cơ bản.
Thứ nhất, COVID-19 vẫn là thách thức lớn đối với ngành gia cầm trong năm 2022. Hơn 2 thập kỷ qua, ngành gia cầm trải qua không ít khó khăn. Ðầu tiên là dịch cúm gia cầm (AI) lan rộng khắp châu Âu và châu Á vào đầu thập niên 2000. Sau đó, tới năm 2008, cuộc khủng hoảng nhiên liệu sinh học đã đẩy giá lương thực toàn cầu tăng 75% và vượt xa mức dự báo. Một đại dịch cúm khác đã tàn phá ngành gia cầm Mỹ vào năm 2014 – 2015. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường hơn 20 năm qua, COVID-19 vẫn là thách thức lớn nhất đối với ngành gia cầm thế giới và nước ta và có thể còn kéo dài ít nhất hết năm 2022, nhất là sau khi xuất hiện biến thể Delta và gần đây là Omicron dễ lây lan hơn trong cộng đồng. Theo đó đại dịch này đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có ngành gia cầm, ít nhất trong hai quý đầu năm 2022, khiến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gia cầm chưa thực sự tăng trưởng mạnh như trước khi dịch bùng phát.
Thứ hai, giá TĂCN vẫn đứng ở mức cao. Các doanh nghiệp gia cầm và TĂCN cho rằng, họ đang phải đối mặt thách thức này cùng rủi ro chuỗi cung ứng khiến lợi nhuận có thể tiếp tục bị thu hẹp trong năm 2022. Mặc dù các nước có thể kìm hãm đại dịch tốt hơn vào năm sau, nhưng giá TĂCN chưa chắc bình ổn hoặc giảm thấp hơn trong năm 2022. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới đã tăng liên tiếp nhiều đợt, khiến giá TĂCN trong nước cũng tăng theo. Ðặc biệt, giá ngô, đậu tương và lúa mì tiếp tục neo ở mức cao so với mức giá trung bình trong các năm gần đây và đang có xu hướng tăng mạnh trở lại.
Thứ ba, quy định về cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Nhằm khắc phục tình trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi, bên cạnh việc cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN với mục đích kích thích sinh trưởng (đã quy định trong Luật Chăn nuôi), theo Thông tư của Bộ NN&PTNT sẽ loại bỏ việc sử dụng một số kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong TĂCN vào năm 2020. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành chăn nuôi ở Việt Nam, nên việc loại bỏ kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong TĂCN được điều chỉnh theo một lộ trình thực tế hơn. Theo đó, với thuốc thú y chứa kháng sinh thuộc nhóm đặc biệt quan trọng trong điều trị nhân y (theo WHO), thì thời gian được phép sử dụng trong TĂCN là đến hết ngày 31/12/2020. Với thuốc thú y chứa kháng sinh thuộc nhóm rất quan trọng trong điều trị nhân y, thời hạn sử dụng trong TĂCN là hết ngày 31/12/2021. Ðối với ngành chăn nuôi gia cầm nước ta, quy định trên là cũng thách thức lớn.
TS. Nguyễn Thanh Sơn
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam