Ngăn nguy cơ bùng phát cúm gia cầm

Dịch cúm gia cầm (CGC) đến nay vẫn diễn biến phức tạp, trong tình hình hiện nay, cùng với thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, theo Bộ NN&PTNT, tiêm vaccine cho đàn gia cầm cũng là biện pháp quan trọng.

Lây lan

Báo cáo của Bộ NN&PTNT về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ngày 5/3, cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1). Dịch cúm gia cầm xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con. Hiện nay, cả nước có 37 ổ dịch cúm gia cầm tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Để ngăn chặn và phòng chống bệnh dịch này hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã ra công điện đề nghị các địa phương tổ chức, đôn đốc công tác chống dịch, trong đó một trong những giải pháp hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm.

Tiêm phòng cúm đầy đủ cho gia cầm nuôi. Ảnh: Tất Sơn

Hàng năm chủng virus cúm gia cầm vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên đàn gia cầm, tuy nhiên đều được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6, dù trên thế giới đã có 24 trường hợp bị nhiễm bệnh, trong đó có 7 người chết vì cúm A/H5N6, chủ yếu tại Trung Quốc.

Dự báo, nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới do mật độ chăn nuôi ở nước ta rất cao, với tổng đàn trên 467 triệu con, diễn biến thời tiết phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi kiểu nhỏ lẻ, rải rác, manh mún nên chưa quan tâm tới việc tiêm phòng vaccine cho đàn gia vịt. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đề cao các giải pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm càng cần được quan tâm hơn nữa.

 

Chủ động tiêm phòng

Theo Bộ NN&PTNT trong quý I/2020, lượng vaccine trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vaccine cúm sản xuất trong nước là 200 triệu liều và nhập khẩu khoảng 300 triệu liều, sẵn sàng cung cấp cho người chăn nuôi để thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm.

Tính riêng năm 2019, cả nước đã sử dụng trên 400 triệu liều vaccine tiêm cho đàn gia cầm. Hiện, lượng vaccine CGC trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường khoảng 51 triệu liều. Dự kiến trong năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất 200 triệu liều và nhập khẩu 300 triệu liều vaccine phòng chống CGC.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh giải pháp tiêm phòng vaccine, Bộ cũng đang tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt việc xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ nhu cầu sản phẩm gia cầm trong nước và xuất khẩu theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thường xuyên tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Còn theo TS Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, một giải pháp rất quan trọng là các địa phương sớm kiện toàn lại hệ thống thú y cơ sở. Thực tế giám sát trong việc phòng, chống ASF, dịch cúm gia cầm thời gian qua cho thấy, thiếu hệ thống thú y cơ sở khiến việc phát hiện dịch, kiểm soát dịch bệnh vô cùng khó khăn, ngay cả tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia cầm ở một số địa phương còn thấp cũng là do thiếu hệ thống thú y cơ sở. “Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp với việc xuất hiện nhiều chủng virus mới và cả những biến thể, rất cần lực lượng thú y cơ sở là những chốt chặn đầu tiên trong phát hiện, xử lý dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng”, TS Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.