Nâng cao vị thế sản phẩm
Danh hiệu “Sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam” được tổ chức với mong muốn tôn vinh những sản phẩm gia cầm chất lượng cao; khẳng định thương hiệu doanh nghiệp, người chăn nuôi gia cầm Việt Nam; thúc đẩy phong trào lao động, sáng tạo khoa học kỹ thuật; góp phần đưa ngành gia cầm Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công.
“Sân chơi” lớn cho mọi nhà
Chương trình do Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam phối với Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Truyền thông VietnamMedia tổ chức. Dự kiến, Lễ tôn vinh và trao Danh hiệu được diễn ra vào tháng 11/2016 tại Hà Nội. Thông qua Chương trình, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường của ngành gia cầm Việt Nam sẽ được vinh danh, có cơ hội quảng bá trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nội địa và quốc tế; từ đó giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để xây dựng thương hiệu, sản phẩm mang tầm quốc tế, có thêm hành trang trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam bước vào sân chơi hội nhập kinh tế thế giới và tham gia thành công vào các Hiệp định tự do thương mại.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho biết: “Danh hiệu này được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho tất cả doanh nghiệp, tập thể, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm trên lãnh thổ Việt Nam tham gia và tỏa sáng. Chương trình hứa hẹn sẽ thu hút nhiều đối tượng trong ngành”.
Tất cả các sản phẩm của ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng đều có cơ hội tham gia bình xét, bao gồm: Con giống (gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, chim cút…); thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y và chế phẩm sinh học (vaccine…); sản phẩm chăn nuôi gia cầm (trứng, thịt gia cầm sống, chế biến); thiết bị chuồng trại, chế biến giết mổ.
Tiêu chí rõ ràng
Theo quy định của Ban tổ chức, các sản phẩm tham gia Chương trình bình chọn được phân theo 6 nhóm chính: Nhóm giống gà, vịt, ngan, ngỗng… sinh sản, nuôi thịt; Nhóm giống gà, vịt, ngan, ngỗng… đẻ trứng; Nhóm thức ăn chăn nuôi gia cầm; Nhóm thuốc thú y, chế phẩm sinh học; Nhóm sản phẩm chăn nuôi gia cầm (trứng, thịt); Nhóm thiết bị chuồng trại, dụng cụ giết mổ, chế biến sản phẩm.
Tất cả các sản phẩm của ngành chăn nuôi gia cầm đều có cơ hội bình xét Danh hiệu Ảnh: Ngọc Diệp
Hồ sơ các sản phẩm tham gia bình chọn được lập theo mẫu và khung nội dung do Ban tổ chức quy định. Khi khai hồ sơ, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân nên bám sát các tiêu chí cơ bản để cung cấp nội dung thông tin phục vụ công tác đánh giá. Đơn vị tham gia Chương trình chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin trong hồ sơ.
Sau khi Ban tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia, Ban thư ký sẽ phân loại theo nhóm sản phẩm và chuyển đến Hội đồng bình xét chấm điểm dựa theo thang điểm quy định của Ban tổ chức, đáp ứng 4 tiêu chí chính. Thứ nhất là về quản lý (được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất; công bố tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng trên bao bì, nhãn mác). Thứ hai là hiệu quả kinh tế – xã hội (hiệu quả kinh tế; hiệu quả xã hội; thay thế sản phẩm nhập khẩu trong nước; công tác bảo vệ môi trường; có chính sách vì quyền lợi khách hàng). Thứ ba là tính khoa học và thực tiễn (sản phẩm mang tính mới; sản phẩm được ứng dụng rộng rãi). Và cuối cùng là thành tích khen thưởng liên quan đến sản phẩm (huy chương tại các hội chợ triển lãm; đạt các giải thưởng chất lượng, giải thưởng khoa học công nghệ).
Ngoài những tiêu chí trên, năng lực của doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố được Ban tổ chức xem xét, đánh giá bên cạnh các yếu tố về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong tương lai của các sản phẩm dịch vụ được công nhận Danh hiệu Sản phẩm Vàng.
Các tiêu chí là cơ sở để các Hội đồng Bình xét xem xét, đánh giá. Kết quả đánh giá, bình chọn dựa theo biểu quyết của các thành viên Hội đồng. Căn cứ trên kết quả của Hội đồng bình chọn Chung tuyển, Ban tổ chức sẽ ra quyết định công nhận Danh hiệu Sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam của năm.
Hồng Thắm