Nâng cao hiệu quả của hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp
Những năm qua, vai trò của các hiệp hội ngành hàng đã từng bước được khẳng định và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do những lý do khách quan và chủ quan, việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới?
Vai trò quan trọng
Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các hội viên, trong thời gian qua, các hiệp hội ngành hàng là kênh trao đổi, đối thoại hiệu quả và thực chất giữa Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Các hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia nhiều hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến từng ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta.
Các hiệp hội ngành hàng đã tham gia tích cực tư vấn, giám sát, phản biện đối với các chủ trương, chính sách, chế độ liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của từng hiệp hội. Cụ thể, các hiệp hội ngành hàng đã tham gia xây dựng, phản biện Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, chiến lược, đề án phát triển các ngành hàng chăn nuôi, góp ý về kiện toàn tổ chức các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y… Đặc biệt Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cùng một số hiệp hội khác đã kiến nghị thành công để Chính phủ và các bộ, ngành đồng ý không giảm thuế nhập khẩu thịt gà năm 2019, giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2021; đồng ý một loạt các giải pháp trước mắt và trung hạn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.
VIPA cùng một số hiệp hội khác đã kiến nghị thành công việc giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong năm 2021. Ảnh: Shutterstock
Là hiệp hội ngành hàng với sự tham gia của phần lớn các doanh nghiệp, chủ trang trại hoạt động trong lĩnh vực gia cầm, VIPA đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của ngành chăn nuôi nước ta. Đồng thời với việc thực hiện tốt vai trò tư vấn, giám sát, phản biện đối với các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, một trong những nét đặc sắc trong hoạt động của VIPA là “đẩy mạnh giao thương nội khối”. Thời gian qua, Hiệp hội đã ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Nhóm giao thương nội khối và hợp tác chiến lược nhằm tạo môi trường hợp tác thuận lợi, thực hiện chuỗi liên kết giữa các hội viên trong sản xuất, kinh doanh; triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dịch vụ, đầu tư, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu khảo sát thị trường trong và ngoài nước. VIPA đã chủ trì và phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, tập huấn, tọa đàm; tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức về kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp và hội nhập kinh tế thế giới. Đặc biệt, VIPA đã coi trọng mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, tích cực tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp hội viên tìm kiếm đối tác và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, VIPA cũng coi trọng công tác thông tin, truyền thông. Thông qua các ấn phẩm “Thế giới Gia cầm”, “Người Chăn nuôi”, trang thông tin điện tử của VIPA và Tạp chí, các Hội viên cùng bạn đọc trong cả nước đã được chia sẻ kịp thời nhiều thông tin mới về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, một số tiến bộ khoa học công nghệ cũng như các hoạt động của doanh nghiệp hội viên và của ngành chăn nuôi trong nước. Có thể nói, thời gian qua VIPA đã bước đầu mang lại 4 giá trị cốt lõi cho các hội viên, đó là: Giá trị kết nối; giá trị thông tin; giá trị tinh thần; và giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chức năng, vai trò của một số hội, hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi thú y nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; các giá trị cốt lõi mà các hội, hiệp hội mang lại cho các hội viên chưa như mong đợi. Một số tồn tại và nguyên nhân có thể nêu ra là: Thiếu cơ chế gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp thành viên; thiếu sự ràng buộc về trách nhiệm của hội viên với hiệp hội; thiếu kinh phí hoạt động; việc dự báo, cung cấp thông tin, thị trường giá cả chưa kịp thời; công tác tập huấn, đào tạo kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp chưa đầy đủ; thiếu sự đoàn kết, thống nhất giữa các hội viên khi tham gia thị trường quốc tế; một số văn bản quản lý Nhà nước về hội còn bất cập, cùng với đó là cơ chế phối hợp giữa các hiệp hội với các cơ quan hữu quan còn lỏng lẽo.
Giải pháp nâng cao hiệu quả
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, chúng tôi thiết nghĩ rằng cần thực hiện các giải pháp như sau:
Một là, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật và công tác quản lý Nhà nước đối với hội, hiệp hội.
Cần sớm ban hành Luật về hội, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động của các hội, hiệp hội. Trước mắt tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý Nhà nước về hội, hiệp hội. Cần làm rõ các khái niệm đối với từng loại hình tổ chức xã hôi, xã hội – nghề nghiệp, từ đó xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp đối với từng đối tượng, tạo điều kiện cho các hiệp hội phát huy hết vai trò, khả năng trong lĩnh vực hoạt động.
Để phát huy vai trò của các hiệp hội, Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Cần xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện pháp lý để các hiệp hội ngành hàng có thể tham gia cung cấp các dịch vụ công trong một số lĩnh vực. Làm được như vậy, Nhà nước vừa giảm được áp lực về kinh phí và nhân lực, vừa nâng cao vai trò của các tổ chức xã hôi – nghề nghiệp, phù hợp với chương trình cải cách hành chính đang được thực hiện ở nước ta hiện nay.
Để đảm bảo sự tham gia xây dựng và phản biện chính sách của các hiệp hội có hiệu quả hơn, Nhà nước cần có quy định rõ quy trình lấy kiến từ các hiệp hội có liên quan, khi các bộ, ban, ngành xây dựng, ban hành văn bản chính sách mới. Việc lấy ý kiến phải thực chất, không làm hình thức và cần phải tổ chức đối thoại, thảo luận giữa cơ quan soạn thảo cùng với các Hiệp hội khi có nhiều ý kiến không thống nhất.
Hai là, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng.
Các hiệp hội ngành hàng cần chú trọng tập hợp được các hội viên là tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cùng lĩnh vực ngành hàng. Theo đó, thành phần chính của hiệp hội ngành hàng phải là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và các tổ chức kinh tế khác. Hiệp hội ngành hàng là sân chơi kinh tế, chứ không phải chỉ là nơi giao lưu vui vẻ của các hội viên.
Hiệp hội ngành hàng phải được xây dựng để trở thành chỗ dựa vững chắc, là nơi gửi gắm niềm tin cho các hội viên doanh nghiệp, chủ trang trại trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hiệp hội phải mang lại được 4 giá trị cốt lõi cho hội viên, đó là giá trị kết nối; giá trị thông tin; giá trị tinh thần; giá trị kinh tế.
Để mang lại được 4 giá trị cốt lõi trên cho các hội viên, ban lãnh đạo các hội, hiệp hội cần đổi mới phương thức hoạt động và quản lý hiệp hội phù hợp với đặc điểm, tính chất của một hiệp hội ngành hàng và từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế. Đồng thời phải xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt các kế hoạch hàng quý, hàng năm mà hiệp hội đã thống nhất thông qua.
Việc lựa chọn được lãnh đạo hội, hiệp hội có năng lực, trách nhiệm, nhiệt huyết tại các kỳ đại hội là hết sức quan trọng. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi để giúp hội hoàn thành được kế hoạch đề ra trong từng giai đoạn hoạt động.
Cuối cùng một yếu tố rất quan trọng để các hôi, hiệp hội thực hiện tốt vai trò là phải có đủ kinh phí. Kinh nghiệm của các hiệp hội ngành hàng trên thế giới cho thấy, mức hội phí được quy định dựa trên quy mô và doanh thu của các doanh nghiệp. Về phía các hôi, hiệp hội cũng phải bảo đảm hoạt động hiệu quả, minh mạch trong quản lý và sử dụng tài chính. Minh bạch và trách nhiệm giải trình là một trong những yếu tố quan trọng mà các hội, hiệp hội cần phải thực hiện để bảo bảo niềm tin cho hội viên.
Ba là, trong khi chưa có Luật về hội, đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu ban hành Quy chế làm việc giữa Bộ NN&PTNT với các hiệp hội ngành hàng.
Định kỳ hàng quý, hàng năm họp với từng hiệp hội ngành hàng để thống nhất đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh doanh của từng ngành hàng, đặc biệt nắm bắt được những thuận lợi khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp, người chăn nuôi đang phải đối mặt nhằm kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn và quyết liệt hơn để giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.
Quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước, kịp thời sửa đổi bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển bền vững, đủ sức cạnh canh với các doanh nghiệp FDI ngay trên sân nhà.
TS. Nguyễn Thanh Sơn
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam