Nam Định: Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật

Ngày 21/9/2020 UBND tỉnh đã có Công điện số 9/CÐ-UBND gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Ðịnh; thủ trưởng các sở, ngành: NN và PTNT, Y tế, Tài chính, TT và TT, Công an tỉnh, GTVT, Công Thương và Cục QLTT để chỉ đạo việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật.

Công điện nêu rõ: Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay trên cả nước phát sinh 67 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) tại 67 xã, 45 huyện của 24 tỉnh, thành phố, tăng gấp 2 lần và số gia cầm buộc tiêu hủy tăng gấp 3 lần. Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 1.008 lượt xã của 44 tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng lây lan, diễn biến phức tạp. Hiện nay nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, nhất là bệnh CGC, DTLCP, lở mồm long móng… trên địa bàn tỉnh rất cao do tổng đàn gia cầm của tỉnh lớn nhưng chưa được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ; việc quản lý tái đàn lợn chưa được chặt chẽ, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn không đủ điều kiện nhưng vẫn tái đàn; thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của các đối tượng nuôi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm trong các tháng cuối năm tăng cao, mầm bệnh còn tồn tại, lưu hành trong các đối tượng nuôi và ngoài môi trường. Ðặc biệt từ cuối tháng 8 đến nay đã có 4 hộ chăn nuôi lợn phát sinh bệnh DTLCP ở 4 xã của các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc và thành phố Nam Ðịnh.

Ðể chủ động ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật phát sinh, lây lan, bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT và của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật. Bằng mọi biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi và các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh, góp phần giành thắng lợi toàn diện kế hoạch sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2020. Ðối với các địa phương có ổ bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, chống dịch theo Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 14-9-2020 của UBND tỉnh, không để bệnh DTLCP lây lan trên diện rộng. Tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh ở động vật và tích cực, chủ động giám sát, phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, nhập lậu; người dân không giấu dịch; khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm phải có bảo hộ cá nhân; chỉ sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm đã nấu chín, không ăn tiết canh, không sử dụng thịt gia súc, gia cầm ốm chết làm thực phẩm, không vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường, không xả trực tiếp nước nuôi tôm nhiễm bệnh ra môi trường… Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học ở tất cả các khâu, công đoạn trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi, nhân viên thú y cơ sở, trưởng, phó thôn, xóm và cộng đồng dân cư trong việc giám sát, phát hiện, báo cáo kịp thời cho UBND cấp xã, trưởng thú y xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện khi phát hiện các trường hợp động vật ốm, chết bất thường. Cơ quan chuyên môn thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó hướng dẫn, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vụ thu năm 2020 bảo đảm an toàn, hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu đạt trên 80% tổng đàn. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm. Triển khai thực hiện hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng nguy cơ cao trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; ký cam kết với các hộ giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết làm thực phẩm và thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca giết mổ; việc buôn bán, giết mổ gia cầm tại chợ phải được bố trí tập trung vào một khu vực và được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về vận chuyển, tiêu thụ, buôn bán động vật, nhất là đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu. Các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, các địa phương triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Ðề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị – xã hội của tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung trên./.

Văn Đại

Nguồn: Báo Nam Định