Lợi kép từ nuôi ngỗng và trồng chanh

Mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi ngỗng sư tử trong vườn chanh vàng Mỹ, ông Lê Văn Tịnh, ấp Gò Rùa, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu lợi kép.

Ông Lê Văn Tịnh từng có nhiều năm chăn nuôi và trồng cây ăn trái, chủ yếu là cây chanh vàng Mỹ. Với 1.300 gốc chanh vàng Mỹ cùng một số loại cây trồng khác trên diện tích 15.000 m2, việc chăm sóc cho cây chiếm nhiều thời gian, đặc biệt là công cắt cỏ. Trong dịp ra miền Bắc, tình cờ biết người quen nuôi ngỗng sư tử, ông ghé tham quan và khá ấn tượng bởi từ lâu, ngỗng được xem như là loài vật “ăn của giả nhả của thật”.

Ông Lê Văn Tịnh bên đàn ngỗng sư tử 2 tháng tuổi

Tháng 12/2020, ông Tịnh mua 50 con ngỗng sư tử 1 ngày tuổi với giá 130 ngàn đồng/con từ trang trại ở Hà Nội về nuôi thử nghiệm. Ông Tịnh cho biết, ngỗng sư tử có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc. Loài vật này dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, ít mắc bệnh. Ngoài ra, ngỗng còn được ví như một “cỗ máy xén cỏ”. Ngỗng ăn tạp các loại cỏ và không chê cỏ non, cỏ già, cỏ dại và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngỗng sư tử được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên trong vườn cây chanh vàng Mỹ. Từ khi ông nuôi ngỗng sư tử, vườn chanh vẫn xanh tốt, sai quả, cỏ dại mọc đến đâu ngỗng ăn sạch đến đó, lượng phân bón cho cây cũng giảm. Ngỗng sư tử là loài thủy cầm có sự tăng trọng nhanh. Từ lúc nở đến 5 tháng tuổi, ngỗng sư tử bắt đầu đẻ bói (cá biệt nuôi 2 – 3 năm ngỗng sư tử nặng 9 – 10 kg/con). Ngỗng đẻ trứng 4 – 5 lần/năm, lượng trứng thu được trung bình 40 quả/con/năm. Từ những ưu điểm này, ông tăng đàn ngỗng sư tử lên 100 con. Hiện tại, đàn ngỗng nhà ông có trọng lượng từ 3 – 5 kg/con. Khi nuôi từ 7 tháng đến 1 năm, ngỗng mái đạt trọng lượng 5 – 6 kg/con, ngỗng đực đạt 6 – 7 kg/con là có thể xuất bán.

“Thức ăn của ngỗng sư tử chủ yếu là các loại dễ kiếm trong tự nhiên như cỏ dại, rau, bèo, chuối… Để ngỗng tăng trưởng nhanh hoặc khi ngỗng bước vào thời kỳ sinh sản, người nuôi cho ngỗng ăn thêm thóc, bột bắp, cám gạo, bã đậu nành ngày 2 lần vào lúc 6 giờ sáng và 17 giờ chiều. Thức ăn tinh chiếm tỷ lệ nhỏ nên chi phí đầu tư không nhiều. Ngoài ra, đàn ngỗng không có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh”, ông Tịnh nhận xét. Bên cạnh đó, chi phí cắt cỏ cũng giảm. “Mỗi lần cắt cỏ, tôi phải thuê người làm với chi phí hơn 1 triệu đồng/1.000 m2. Từ khi nuôi ngỗng, gia đình tôi vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm chi phí cắt cỏ”, ông Tịnh nói thêm.

 Hiện nay, ông Tịnh đang nhân giống để tăng đàn lên 1.000 con trong thời gian tới. Bởi theo ông Tịnh, ngoài tác dụng làm cỏ, cung cấp phân cho cây trồng, giảm chi phí nhân công, thịt ngỗng sư tử giàu dinh dưỡng, nhiều người ưa chuộng nhưng số lượng đàn không lớn nên dễ tiêu thụ. Ngỗng sư tử là gia cầm mới có mặt ở khu vực phía Nam nên nhu cầu tiêu thụ ngỗng thương phẩm cũng như con giống rất lớn. Ngoài việc cho ấp nở để tăng số lượng đàn, ông còn bán trứng, con giống, ngỗng thịt ra thị trường.

Hiện tại, giá thịt ngỗng sư tử 100 ngàn đồng/kg, ngỗng sư tử giống 120 ngàn đồng/con, trứng ngỗng 30 ngàn đồng/quả. Mô hình trồng chanh vàng Mỹ mang lại thu nhập cho gia đình ông Tịnh gần 100 triệu đồng/năm. Dự kiến 3 năm sau, sản lượng chanh vàng Mỹ đạt 40 – 50 kg/cây, cùng với việc nuôi ngỗng sư tử trong vườn chanh, thu nhập của ông Tịnh tăng gấp 2 – 3 lần.

Ông Đinh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thành cho biết, qua đánh giá bước đầu cho thấy, nuôi ngỗng sư tử là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao. “Mô hình này là minh chứng cho việc làm giàu không khó trong sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích khi biết kết hợp, lồng ghép giữa chăn nuôi và trồng trọt. Hội Nông dân xã Nghĩa Thành sẽ theo dõi và kết hợp cùng hộ gia đình nhằm nhân rộng và phát triển những mô hình kép, tăng hiệu quả kinh tế cho nhà nông”, ông Thanh cho hay.

Bài, ảnh: Nhung Hoa – Trọng Hoàng

Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu