Liên kết chăn nuôi gà ATSH

Mô hình liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học (ATSH) đang được HTX Chăn nuôi – Dịch vụ Thanh An (Hớn Quản, Bình phước) triển khai cho hiệu quả bền vững. Mô hình không chỉ giúp các thành viên nâng cao thu nhập mà còn góp phần vào quá trình giảm nghèo bền vững.

Sản phẩm an toàn

Để thuận lợi cho quá trình chăm sóc, HTX không thực hiện nuôi tập trung mà mỗi thành viên sẽ xây dựng trang trại riêng nhưng phải bảo đảm nuôi từ 2.000 con để ổn định đầu ra ổn định theo hình thức cuốn chiếu.

Ngoài lựa chọn con giống tốt, các thành viên đầu tư hệ thống chuồng trại cách xa khu dân cư nhằm hạn chế mùi hôi và tránh lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, ngoài diện tích chuồng có mái che theo quy mô khoảng 1.000 con gà/100 m2, thành viên còn thiết kế khuôn viên chuồng ngoài trời nhằm tạo không gian rộng lớn để gà vận động.

Để gà sinh trưởng, phát triển tốt, các thành viên luôn chú trọng vệ sinh chuồng trại theo định kỳ bởi phân gà cùng các chất gà thải ra thẩm thấu xuống nền tạo nơi trú ngụ lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng phát triển gây bệnh. Vì thế, cách 5 ngày, người nuôi lại xịt khử trùng sàn chuồng kết hợp đảo đệm lót sinh học.

Mô hình liên kết chăn nuôi đang được nhiều địa phương áp dụng – Ảnh: Lượng Huệ

Sau mỗi lứa gà, HTX thực hiện tổng vệ sinh và “treo” chuồng 20 ngày nhằm đảm bảo môi trường trước khi tiếp tục nuôi lứa mới. Việc này giúp lứa gà tiếp theo hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí về thuốc thú y.

Nhờ sự đầu tư chuồng trại khoa học, hợp lý và chú trọng chăm sóc, phòng bệnh đúng quy trình nên tỷ lệ sinh trưởng, phát triển của mỗi lứa gà đều đạt trên 90%. Gà nuôi sau khoảng 100 ngày có thể xuất chuồng với trọng lượng 2,5 – 3 kg/con đối với gà trống và gà mái từ 1,8 – 2 kg/con. Do gà nuôi theo hướng sinh học, hạn chế thức ăn công nghiệp nên cho thịt dai và thơm ngon.

Tăng sức cạnh tranh

Sau hơn gần 2 năm triển khai, việc phát triển mô hình nuôi gà an toàn sinh học giúp các hộ dân là thành viên trong HTX có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng lên. Đây là cơ sở để xã tiếp tục vận động người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân rộng mô hình đến nhiều hộ dân trên địa bàn xã.

Theo tính toán của HTX, với quy mô trung bình 2.000 con/lứa, thành viên có thể thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng, trong khi 1 năm, HTX có thể phát triển 4 lứa gà giúp thành viên có nguồn thu liên tục.

Theo đánh giá của UBND xã, mô hình nuôi gà của HTX Thanh An đã trở thành nền tảng liên kết giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp, từ đó gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương. Mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nông dân, người lao động. Từ đó không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế cho người nuôi mà còn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Để phát triển kinh tế địa phương, HTX Thanh An đang cùng địa phương khuyến khích người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo tham gia HTX, đây là điều kiện để HTX mở rộng quy mô, nguồn vốn một cách hợp lý. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo khi vào HTX sẽ được hỗ trợ vốn để đầu tư đi đôi với kỹ thuật và đầu ra nên người dân có thể yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Thời gian tới, bên cạnh chuyển giao cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, HTX sẽ cùng uBND xã tìm hiểu thị trường, cân nhắc trước khi bắt đầu chăn nuôi, tránh tình trạng chăn nuôi tràn lan, cung vượt cầu; đồng thời tập trung sản xuất gà thịt chất lượng cao.

>> Đầu năm 2018, HTX Thanh An được thành lập với 10 thành viên, tập trung vào phát triển mô hình chăn nuôi gà bán chăn thả theo hướng an toàn sinh học. HTX hiện có quy mô chăn nuôi trên 10.000 con gà, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong địa bàn tỉnh với đầu ra ổn định.

Ngọc Diệp