Lập nghiệp với mô hình chăn nuôi đa dạng

Dành cả hành trình 10 năm để biến niềm đam mê chăn nuôi thành mô hình kinh tế hiện hữu, lần dò từng bước đi, vừa thực hành, vừa tự rút kinh nghiệm, đến nay anh Trần Văn Tài (ngụ ấp Phú Thượng, xã Phú Thọ, Phú Tân, An Giang) phát triển trang trại ngày càng hiệu quả. Chủ lực là chim bồ câu và các loại gia cầm khác, hàng tháng sau khi trừ tất cả chi phí anh Tài thu lợi nhuận 15 triệu đồng.

Thành công trong cách làm của anh Tài không chỉ được khẳng định bằng đầu ra và thu nhập ổn định mà anh còn bàn giao trọn quy trình nuôi cho những hộ có nhu cầu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể theo đuổi đến cùng. Bởi theo anh Tài, nhu cầu làm kinh tế phải đặt sau niềm đam mê, khi bắt tay vào thực hiện, cần dồn rất nhiều tâm huyết, công sức mới duy trì thành quả lâu dài.

Mô hình chăn nuôi của anh Trần Văn Tài

Số ít người sau thời gian thử nghiệm, thấy quá vất vả nên “trả” lại con giống, dù vẫn có đồng lời, còn các trang trại khác đang phát huy khá tốt. Vậy mới thấy, gầy dựng cơ nghiệp không hề đơn giản theo tư duy “đầu tư – lao động – có lời” kèm theo nhàn nhã được! Bản thân anh Tài phải trải qua thời gian dài để phát triển cơ ngơi, trong đó có nhiều giai đoạn rất khó khăn, xoay sở đồng vốn và nhất là tự lo đầu ra.

Không có đất sản xuất, hơn 10 năm trước, gia đình anh Tài thuê đất làm ruộng. Quyết tâm phải vươn lên, anh ra sức tìm tòi các mô hình sản xuất phù hợp, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ nhiều nguồn thông tin trên mạng và chọn mô hình nuôi bồ câu để khởi nghiệp.

Theo anh Tài, giữa “biển” kiến thức được chia sẻ, trước tiên phải thực hành tự nuôi để theo dõi, đối chiếu với kinh nghiệm của chính mình, thấy điều gì phù hợp thì chọn lọc để áp dụng. Trại nuôi bồ câu của anh Tài hiện có khoảng 300 cặp chim bố mẹ, gầy đàn từ năm 2013 với 2 dòng Titan và Mimas. Bồ câu được nuôi bằng thức ăn công nghiệp trộn cám. Những con non được anh Tài tận tay chăm sóc riêng, theo dõi sát tình trạng, nhiệt độ và thức ăn vừa đủ, không theo liều lượng tính sẵn mà cảm nhận từng ngày, từng lúc. Có thời điểm số lượng đàn quá lớn, anh phải tự đi bán và tìm kiếm các thị trường để tiêu thụ. Nỗ lực vượt khó đã giúp anh Tài hình thành cách làm ăn riêng và luôn chủ động, thực hiện chuỗi mắc xích liền mạch từ đầu vào đến đầu ra, không phụ thuộc vào thương lái.

Hiện nay, mỗi ngày trang trại nuôi bồ cầu của anh Tài xuất bán bồ câu thịt đều đặn, cao điểm có tháng xuất bán 2.000-3.000 con. Một mình lo hầu hết các khâu làm việc, so với người khác sẽ vất vả nhưng anh Tài yên tâm hơn vì đảm bảo được chất lượng sản phẩm: sạch, không dịch bệnh, không có chất tăng trưởng và quan trọng hơn hết đó là tạo được chữ tín đối với khách hàng.

Từ khi mở rộng đàn đến nay đã 7 năm, đàn bồ câu vẫn khỏe mạnh, chỉ loại bỏ số ít cá thể yếu (sinh con kém, nuôi con yếu). Mỗi cặp bồ câu được nhốt trong lồng riêng, từ 8-12 ngày đẻ 2 quả trứng, ấp 18 ngày nở, nuôi con 16 ngày xuất bán. Nhằm rút ngắn thời gian và tăng tính hiệu quả, anh Tài sắp xếp “đội hình” bồ câu đẻ trứng riêng, trung bình 1 cặp sẽ đẻ 5 trứng/tháng và đưa qua máy ấp. Chim bố mẹ chỉ nuôi con từ 5-7 ngày, thời gian còn lại do anh Tài trực tiếp chăm sóc, nhờ vậy năng suất, hiệu quả tăng cao gấp 4 lần.

Ngoài nuôi chim bồ câu, anh Tài nuôi thêm vịt xiêm Pháp. Vịt xiêm Pháp có ưu điểm nổi trội là thời gian nuôi ngắn, trọng lượng lớn hơn vịt xiêm cỏ và giá bán khá cao, khoảng 60.000 đồng/kg. Lứa đầu tiên nuôi được 50 con, khách hàng mua hết và hiện nay anh Tài đang chuẩn bị cho tái đàn.

Bên cạnh đó, anh còn phát triển thêm rất nhiều vật nuôi khác, như: vịt trời, chim trĩ, gà, thỏ… số lượng vài trăm con/loài, để linh hoạt cung ứng cho thị trường. Kinh nghiệm được anh rút ra trong quá trình chăn nuôi đó là, khởi đầu với số lượng nhỏ, quan sát khi vật nuôi mắc bệnh để tìm cách điều trị hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thua lỗ.

“10 năm nay, đàn bồ câu nói riêng và các vật nuôi nói chung chưa từng bị dịch bệnh lớn gây thiệt hại. Tôi chỉ tiêm vaccine 1 lần duy nhất khi con giống ra đời, còn lại trong quá trình chăm sóc, cho ăn sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh, tự tạo ra sức đề kháng tốt, chống chịu được dịch bệnh” – anh Tài chia sẻ.

Hiện nay, anh Tài đã thành thục về kỹ thuật chăn nuôi, hiểu được đặc điểm từng con, đối với anh Tài, hầu hết các vật nuôi đều dễ tính và quan trọng hơn hết là đầu ra được thuận lợi, nhờ liên kết được những khách hàng bền vững trong và ngoài tỉnh.

Anh Tài cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng mô hình theo hướng bài bản hơn, tạo ra môi trường chăn nuôi và chất lượng sản phẩm tốt nhất để cung ứng cho thị trường.

Mỹ Hạnh

Nguồn: Báo An Giang